Năm mới đón khách quen

GD&TĐ - Du khách đến từ nước Nga là những vị khách khá quen thuộc với Việt Nam trong nhiều năm qua.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Sáng 26/12, chuyến bay của Hãng hàng không Azur từ thủ đô Matxcơva, Liên bang Nga đã đáp xuống sân bay quốc tế Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, chở theo 325 hành khách là người Nga, mở đầu cho lịch trình mỗi tuần hai chuyến từ nay đến hết tháng 3/2022. Có thể nói, họ là những du khách nước ngoài đầu tiên “xông đất” Việt Nam sau hai năm bị gián đoạn vì dịch  Covid-19.

Thực ra, từ nhiều tháng nay, cũng đã có những vị khách nước ngoài đến Việt Nam nhưng thường là khách lẻ, họ đi công việc kết hợp thăm thú, vì vậy, đây là đoàn khách nước ngoài đông nhất đến Việt Nam cho tới lúc này.

Du khách đến từ nước Nga là những vị khách khá quen thuộc với Việt Nam trong nhiều năm qua. Sự có mặt của khách Nga trong những ngày cuối năm này như một thông điệp báo hiệu cho một năm du lịch sắp tới hanh thông mọi lẽ, dù không ít khó khăn trước mắt.

Thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết, trước khi có dịch Covid-19, khách Nga là thị trường lớn thứ 6 của Việt Nam, đứng sau các nước và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Mỹ với trên 606 nghìn lượt khách (số liệu năm 2018), bình quân tăng 5%/năm.

Còn theo thống kê của Sở Du lịch Khánh Hòa - địa phương có lượng khách Nga đông nhất với 443 nghìn lượt (năm 2018), chiếm 73% số khách Nga đến Việt Nam thì bình quân mỗi du khách Nga đến Khánh Hòa lưu trú 14,1 ngày/khách và tiêu 1.500 USD trong suốt chuyến đi. Họ tiêu pha không quá chừng mực như khách các nước Tây Âu, cũng không ăn chơi xô bồ như khách Trung Quốc, Hàn Quốc, khách Nga chi tiêu vừa phải.

Bù lại họ là “khách ruột”, rất thường xuyên, ngay cả trong những ngày đông lạnh giá, các khách sạn ở phía Bắc thưa vắng khách nhưng ở các tỉnh phía Nam, nhất là Khánh Hòa và Bình Thuận, khách Nga vẫn đông đúc.

Mặc dù, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường, nhất là biến chủng mới Omicron đã xuất hiện ở Việt Nam, có thể sẽ gây những bất lợi khó lường, song không vì thế mà chúng ta đóng tất cả các cánh cửa đối với thế giới như hồi giữa năm 2021.

Quan điểm vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế vẫn là hướng chủ đạo xuyên suốt trong hai năm qua mà Chính phủ Việt Nam đã theo đuổi và bước đầu đã mang lại kết quả khả quan thông qua những số liệu tăng trưởng kinh tế trong năm 2021.

Tuy kinh tế nước ta đã có dấu hiệu phục hồi, song ngành du lịch lại không có những đóng góp đáng kể cho bức tranh màu sáng đó. Trái lại, dịch Covid-19 đã làm cho ngành công nghiệp không khói này lao đao trong hai năm qua, đẩy nhiều doanh nghiệp lữ hành và các chủ khách sạn, các khu resort vào tình thế vô cùng nan giải.

Chỉ tính riêng Nha Trang - thành phố luôn sôi động với khách quốc tế nhưng suốt hai năm qua, trên 50 nghìn phòng khách sạn từ ba sao trở lên đã mốc meo vì không có người ở, đủ biết sự thiệt hại to lớn biết nhường nào!

Việc mở lại đường bay với các nước để đón du khách quay trở lại Việt Nam là một xu hướng tất yếu mà những vị khách Nga lãnh ấn tiên phong. Dĩ nhiên, việc bố trí cho du khách vừa nghỉ ngơi thoải mái nhưng không ảnh hưởng đến tình trạng lây lan dịch bệnh ngay trong thời điểm này là cả một sự tính toán khoa học của Ban phòng chống dịch và chính quyền các tỉnh.

Dù đang là những tháng ngày lạnh giá nhưng chúng ta đón chào năm mới trong sự ấm áp với bao kỳ vọng về một năm an lành cho mọi nhà. Những vị khách Nga quen thuộc đã xông đất đầu năm là một minh chứng cho sự ấm lành đó trong năm mới này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.