Năm mới bàn về gia phong

GD&TĐ - Gia phong trong văn hóa Việt là sự phổ quát của tiến trình phát triển xã hội gắn với nền nếp riêng của gia đình hoặc gia tộc.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Gia phong theo định nghĩa trong Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh là: “Thói nhà: Tập quán, giáo dục trong gia tộc”; theo Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học là “nền nếp riêng của một gia đình phong kiến, nếp nhà”.

Có thể nói, cho đến nay định nghĩa về gia phong chưa hoàn tất và chỉ phần nào đưa được khía cạnh truyền thống vào khái niệm. Gia phong trong văn hóa Việt là sự phổ quát của tiến trình phát triển xã hội gắn với nền nếp riêng của gia đình hoặc gia tộc.

Ngày xuân năm mới, trong khi phần lớn các lễ hội phải tạm dừng do dịch Covid-19 thì cũng là khoảng thời gian để người già (và một phần người trẻ) ngẫm nghĩ về gia phong – khi phần lớn các hệ giá trị, từ gia đình đến xã hội bị đảo lộn, thay đổi ngày càng rõ rệt.

Thực tế chỉ ra rằng, gia phong chỉ được giữ vững khi gia đình có gia giáo, tức là sự giáo dục chuẩn mực. Nền tảng giáo dục và phương pháp giáo dục thế nào sẽ tạo ra những con người như thế.

Nói đến gia phong phải kể đến gia lễ giống như khẩu hiệu “tiên học lễ” - gồm cung cách ăn nói, đi đứng, ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, giữa các thế hệ với nhau.

Nói đến “lễ”, nhiều người cho rằng đó là tàn tích phong kiến. Và khi gắn “lễ” với gia phong, người trẻ lại cho rằng đã lạc hậu, vì xã hội bình đẳng – ai đối xử tốt với mình thì mình đối xử tốt và ngược lại.

Tuy “lễ” là sản phẩm của Nho giáo nhưng lại thoát khỏi phạm vi hẹp của Nho gia và trở thành yếu tố không thể thiếu của giáo dục gia đình. Ngay cả phương Tây cũng quan niệm, có 3 điều bất hạnh đó là cái chết, tuổi già và những đứa con hư. “Lễ” trong gia đình phương Tây không nổi bật qua hình thức, nhưng không phải không có lễ.

Gia phong không chỉ là sắc thái văn hóa gia đình nền nếp, mà còn mang tính chất vùng miền. Gia phong của một gia đình Hà Nội khác với một gia đình xứ Nghệ, nhưng cùng chung nếp sống chuẩn mực của lễ độ, có trên có dưới và có tính kế thừa.

Dù sắc thái có khác nhau, nhưng gia phong của mọi gia đình ở mọi vùng miền đều không để sót yếu tố gia phả. Ngoài việc giáo dục cho con cháu biết công đức tổ tiên, một yếu tố đan xen của “lễ” trong gia phả là còn để con cháu đúng cách xưng hô, nhận biết các chi ngành tránh hôn nhân cận huyết.

Bởi vậy, dù xã hội phát triển thì 3 yếu tố không thể thiếu để hình thành gia phong là: Gia giáo, gia lễ, gia phả. Tất nhiên, có gia đình thêm yếu tố gia huấn và gia pháp để nét văn hóa gia phong thêm đậm đặc.

Một số bộ sách tiêu biểu như: Huấn tử ca, Huấn nữ ca, Cổ huấn tử ca (Khuyết danh), Gia huấn ca (Nguyễn Trãi), Bùi gia huấn hài (Bùi Dương Lịch), Thơ dạy làm dâu (Trương Vĩnh Ký)... được soạn với nhiều lời răn dạy có giá trị to lớn trong di dưỡng tinh thần, bồi bổ gia phong.

Xã hội hiện đại, gia phong trong các gia đình nhạt dần, nhiều nơi mất hẳn. Xét về khía cạnh văn hóa, đó là mối lo kèm theo mối họa, đúng như miêu tả của nhà thơ Trần Tế Xương gần trăm năm trước: “Nhà kia lỗi phép con khinh bố/ Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...