Năm Kỷ Hợi, về thăm ngôi làng rước “ông Lợn” bằng kiệu

Tại xã La Phù (Hoài Đức, Hà Nội), các ông lợn được chăm sóc cẩn thận, cho ăn cháo đỗ xanh, hoa quả, mắc màn cho ngủ và rước trên kiệu.

Năm Kỷ Hợi, về thăm ngôi làng rước “ông Lợn” bằng kiệu

Từ bao đời nay, vào ngày 13 tháng Giêng âm lịch hàng năm, dân làng La Phù (Hoài Đức, Hà Nội) lại nô nức tổ chức lễ rước “ông lợn”. Đây được coi là một nét đẹp văn hóa tâm linh độc đáo của người dân địa phương. Đặc biệt, việc chăm sóc “ông lợn” cũng rất công phu, chu đáo.

nam ky hoi, ve tham ngoi lang ruoc "ong lon" di bang kieu hinh 1

Rước "Ông lợn" là lễ hội truyền thống của người dân La Phù.

Theo cụ Nguyễn Công Tầm (Phó ban Khánh tiết đình làng La Phù), lễ rước “ông lợn” là dịp để dân làng tưởng nhớ công ơn của Tĩnh Quốc Tam Lang dưới thời Hùng Duệ Vương thứ 6 đã có công đánh giặc giữ vững bờ cõi.

“Cũng không biết từ bao giờ, nhưng đã bao đời các cụ truyền lại tục cũ, cứ vào đêm 13, rạng sáng 14 tháng Giêng (Âm lịch) người dân ở xã La Phù lại náo nức tổ chức hội rước “ông lợn”.

Tích xưa truyền lại rằng, mỗi khi Đức Thánh Tam Lang tập hợp quân sỹ đánh giặc, người dân thường thổi xôi, thịt lợn để khao quân. Ông được vua Lê Đại hành, vua Trần Thái Tông, vua Lê Thái Tổ và vua Quang Trung ban sắc phong.

Vị lạc tướng tài ba đã hóa vào lúc 0h đêm ngày 13, rạng sáng ngày 14 tháng Giêng. Từ đó, cứ đến ngày 13 tháng Giêng hàng năm, người dân xã La Phù lại tổ chức lễ hội rước lợn khao quân để tưởng nhớ ngày giỗ của Tam Lang Đại Vương.

Xét gia phả chọn người nuôi "ông lợn"

Cũng theo cụ Tầm, để có một “ông lợn’ to đẹp, dâng lên đức thánh, cả làng phải họp bàn để tìm ra cai đám (người được chọn nuôi lợn tế).

Để trở thành cai đám, gia đình đó phải đăng ký từ những năm trước. Sau đó, các bậc bô lão trong làng mới họp lại, bình xét, tìm ra người có tài, có đức, gia đình hạnh phúc, có cả con trai, con gái, không có tang ma năm đó để giao trọng trách nuôi “ông lợn”.

Hiện nay, một số gia đình được “chọn mặt gửi vàng’ nhưng không thể nuôi ông lợn một cách nhỏ lẻ, nên thường gửi cho một người nuôi tập trung theo nhóm, nhưng vẫn phải đảm bảo việc cung cấp thức ăn sạch, chăm nom ông lợn thường xuyên.

Hơn 10 năm đều được giao trọng trách nuôi “ông lợn”, ông Nguyễn Phú Sơn (xóm Chiến Thắng) cho biết, năm nay nhà ông nhận nuôi 6 ông lợn cho cả các xóm khác trong làng. Ông Sơn coi đây là một vinh dự lớn: “Chăm sóc các “ông lợn” cũng cần tỉ mỉ, cầu kỳ. Thường ngay sau ngày hội, làng sẽ mở cuộc họp để chọn nhà cai đám và chọn luôn ông lợn của năm mới. Lợn chọn để tế phải cân đối vóc dáng, tướng mã đẹp, lợn trắng”.

Khi nuôi lợn, cai đám phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt từ việc cho ăn uống sạch sẽ, vệ sinh, tuyệt đối không được cho ông lợn ăn thức ăn thừa, ôi thiu.

Cám phải là loại cám gạo trộn lẫn với ngô xay, hoặc gạo nếp nấu chín thành cháo trắng. Các loại hoa quả như lê, táo, dưa, thanh long, mía khi dâng lên “ông lợn” cũng phải sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh. Hàng ngày “ông lợn” được rửa mặt, tắm rửa sạch sẽ, chuồng trại thoáng mát.

Mùa hè, thời tiết nắng nóng, có khi phải lắp quạt cho "ông lợn". Đến tối lại buông màn, tránh muỗi, đảm bảo "ông lợn" có nước da trắng hồng, không có vết thâm sạm.

nam ky hoi, ve tham ngoi lang ruoc "ong lon" di bang kieu hinh 2

"Ông lợn" được chăm sóc đặc biệt, cho ăn hoa quả, cháo trắng nấu từ gạo nếp hoặc gạo tẻ. (Ảnh: KT).

Đặc biệt, thời điểm càng gần lễ hội, việc chăm sóc “ông lợn” càng cần cẩn thận hơn. Khoảng 3 tháng trước khi làm lễ tế, các gia đình cai đám thường chỉ cho ông lợn ăn cháo hoa và hoa quả. Những nhà cai đám thường tránh cho người ngoài đến gần “ông lợn”, bởi họ tin rằng, “vía dữ” có thể khiến ông lợn bỏ ăn, đau ốm.

Đến nay, người làng La Phù vẫn truyền nhau những chuyện có phần kỳ bí quanh việc nuôi "ông lợn". Rằng mỗi dịp trái nắng trở trời, nếu không may ông lợn bị ốm sốt, cai đám chỉ cần biện lễ ra đình, nhờ cụ từ kêu cầu, “ông lợn” lại khỏe lại bình thường.

Hay trước khi giết thịt “ông lợn”, gia đình cai đám phải làm lễ cúng thổ công táo quân tại nhà, chủ nhà cầm một nắm hương đốt đi trước, “ông lợn” cứ thế tự đi theo sau.

“Điều đặc biệt là mỗi ông lợn có khi to hơn 2 tạ. Để rước ông lợn đến nhà giết thịt, không được dùng roi mà chỉ dùng tay để lùa, người thịt lợn không dùng dây trói “ông lợn” mà phải dùng tay để giữ. Khác với các con lợn bình thường, dân làng chỉ cần vật “ông lợn” ra một chiếc chăn bông trải dưới sân, là đã có thể dễ dàng hóa kiếp “ông lợn” mà không thấy tiếng gần rú, khó khăn”, ông Sơn kể.

Đến giờ, ông Sơn vẫn nhớ hồi năm 2015, có lần dân làng đến rước “ông lợn” đi, nhưng lại không thắp hương, ông lợn to hơn 2 tạ đứng lì 1 chỗ. Thế nhưng đến khi gia đình ông cầm hương ra khấn, không cần người lùa, "ông lợn" vẫn tự đi theo người cầm hương đến đúng nhà làm thịt để tế thánh.

Người dân nơi đây cũng tin rằng, nếu ông lợn ốm đau, chết chóc là dự báo cho những điều bất trắc của cả làng. Bởi vậy, người làng La Phù không chỉ cẩn trọng từ việc nuôi “ông lợn”, mà đến khâu làm thịt tế thánh cũng thật công phu.

Những người tham gia vào làm thịt “ông lợn” phải là thanh niên trai tráng, chay tịnh trong ngày thực hiện nghi lễ. “Ông lợn” được làm sạch lông, người dân khéo léo bóc tấm mỡ lá kéo ra, phù kín trên tấm lưng, gắn thêm tai, mắt, móng bằng giấy đỏ trang trí cho ông lợn thêm sinh động.

Ngay từ khoảng 17h, các xóm trong làng đã bắt đầu đám rước. Đi đầu lễ rước từng xóm là hai lá cờ đại, đến phường bát âm, bàn lộc, quả xôi và lễ lợn. Cả làng ngày ấy sáng rực đèn lồng. Sau khi các “ông lợn” được khiêng vào hết trong đình, người dân làm lễ dâng hương, khi đồng hồ điểm 12h, lễ tế mới bắt đầu.

Những năm gần đây, do điều kiện kinh tế phát triển, lễ rước ông lợn theo đó càng trở nên nhộn nhịp hơn. Mỗi xóm đều có các đội văn nghệ riêng để biểu diễn.

Đến sáng ngày 14 tháng Giêng, trước sự chứng kiến đông đủ của cả làng, các cụ trong làng sẽ công bố điểm thi xem "ông lợn" xóm nào đẹp hơn và trao phần thưởng. Sau đó mỗi xóm lại khiêng ‘ông lợn” về và xẻ thịt, chia lộc thánh cho từng nhà.

Theo VOV.VN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tên lửa đạn đạo phi hạt nhân mới “Oreshnik” của Nga

'Mục tiêu nóng' đang chờ Oreshnik?

GD&TĐ -Nga được cho là đã biên soạn một danh sách các địa điểm quân sự quan trọng của Kiev sẽ bị nhắm mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột.