Năm học tiên phong đổi mới và sáng tạo

GD&TĐ - Năm học 2014 - 2015 là năm học thứ hai toàn ngành Giáo dục tích cực triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, chuẩn bị những bước đi căn bản đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Những đổi mới mà Bộ GD&ĐT triển khai từ năm học 2014 - 2015 bước đầu đã mang lại diện mạo mới, niềm tin mới cho GD-ĐT
Những đổi mới mà Bộ GD&ĐT triển khai từ năm học 2014 - 2015 bước đầu đã mang lại diện mạo mới, niềm tin mới cho GD-ĐT

Nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng từ giáo dục mầm non đến đại học của Bộ GD&ĐT đã và đang nhận được sự đồng thuận cao của xã hội. 

Báo GD&TĐ đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, cùng nhìn lại những thành tựu năm học 2014 - 2015, đánh giá những thời cơ, thách thức của ngành Giáo dục trong năm học mới 2015 - 2016.

THỐNG NHẤT TRONG CHỈ ĐẠO, BÀI BẢN TRONG TRIỂN KHAI 

Thưa Thứ trưởng, kết thúc năm học 2014 - 2015 - năm học của đổi mới và những bước đi đột phá, ngành GD-ĐT đã đạt được những kết quả nổi bật. Thứ trưởng có thể điểm qua một vài “điểm nhấn” thành công của năm học 2014 - 2015?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Năm học vừa qua, công tác chỉ đạo của các cấp quản lý từ Trung ương đến địa phương có sự thống nhất, các nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2014 - 2015 đã được chỉ đạo thắng lợi. 

Công tác quản lý giáo dục tiếp tục đổi mới theo hướng tăng cường phân cấp và giao quyền tự chủ, tăng cường quản lý chất lượng và hiệu quả giáo dục. Công tác thanh tra, kiểm tra tiếp tục được đổi mới.

Chỉ đạo thực hiện đổi mới mạnh mẽ, có kết quả hình thức đánh giá đối với học sinh tiểu học và đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục, nội dung, phương pháp giảng dạy ở các trường phổ thông. 

Các cuộc vận động và phong trào thi đua của ngành được duy trì với nề nếp và chất lượng tốt, đã trở thành hoạt động thường xuyên trong các nhà trường.

Tiếp tục chỉ đạo triển khai các mô hình, phương pháp giáo dục mới thành công. Các giải pháp đó vừa có ý nghĩa trực tiếp nâng cao chất lượng giáo dục hiện nay, nhất là ở miền núi, vùng dân tộc, vừa có ý nghĩa thực nghiệm các vấn đề mới, các vấn đề khó của chương trình giáo dục phổ thông mới, góp phần từng bước chuẩn bị cho giáo viên thích ứng với chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau 2015; công bằng xã hội trong giáo dục được bảo đảm tốt hơn, đặc biệt là các chính sách cho học sinh và giáo viên vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi được quan tâm, coi trọng thực chất; các Mô hình Trường học mới, phương pháp dạy học tích cực đã khẳng định được ưu thế, được áp dụng và nhân rộng ở hầu hết các địa phương; công tác bồi dưỡng học sinh giỏi tiếp tục được quan tâm; các cơ sở giáo dục thường xuyên được củng cố và phát triển.

Công tác đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông được chú trọng triển khai bài bản, có kết quả, nhận được sự quan tâm và đồng thuận cao của xã hội.

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng kế hoạch, đúng quy chế, nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng và ủng hộ tích cực của toàn xã hội, tạo ra những tiền đề cơ bản, có ý nghĩa quan trọng cho việc tiếp tục triển khai đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT...

Giáo sư Hoàng Tụy mới đây trao đổi ý kiến trên báo chí đã nhận định: “Kỳ thi THPT quốc gia năm nay đã thật sự đổi mới; nhờ dựa trên quan niệm đúng đắn về thi cử nên tổ chức kỳ thi gọn nhẹ, tiết kiệm, giảm thiểu rủi ro cho thí sinh và tạo điều kiện thúc đẩy việc dạy và học theo hướng lành mạnh, tiến bộ, tích cực”. Phải chăng đây là kết quả của việc đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực của học sinh mà Bộ GD&ĐT quyết liệt triển khai trong năm học vừa qua, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Được sự chỉ đạo sâu sát của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia từ năm 2015, lấy kết quả để vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT, đồng thời cung cấp dữ liệu để các cơ sở giáo dục đại học, nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh.

Với sự quyết tâm đổi mới của toàn ngành Giáo dục, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ giúp đỡ của các tầng lớp nhân dân, Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 đã được chuẩn bị chu đáo từ Trung ương đến các địa phương và được tổ chức theo đúng tinh thần đảm bảo thi gọn nhẹ, giảm tốn kém cho xã hội và người dân; kết quả thi phản ánh đúng trình độ người học, làm căn cứ để xét tốt nghiệp THPT đồng thời cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp xét tuyển sinh.

Toàn quốc có 38 cụm thi do trường đại học chủ trì và 63 cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì, với 752.367 thí sinh dự thi. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT quốc gia của giáo dục THPT là 93,42%, của giáo dục thường xuyên là 70,08%; tỷ lệ chung là 91,58%.

Cùng với việc tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia, năm học vừa qua, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo thực hiện đổi mới mạnh mẽ hình thức đánh giá đối với học sinh tiểu học; tiếp tục đổi mới cách thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh theo hướng phát triển năng lực; chú trọng kết hợp đánh giá trong quá trình giáo dục và đánh giá tổng kết cuối kỳ, cuối năm học; từng bước nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức liên môn vào thực tiễn, hướng dẫn học sinh biết nhận xét góp ý lẫn nhau và biết tự đánh giá.

Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng đề thi, đề kiểm tra theo ma trận, soạn các câu hỏi trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn đúng thay vì chỉ có các câu hỏi 1 lựa chọn đúng như trước đây; triển khai phần kiểm tra tự luận trong các bài kiểm tra viết môn Ngoại ngữ.

Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục nâng cao chất lượng việc thi theo bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết đối với các môn Ngoại ngữ và thi thực hành đối với các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia. 

Tiếp tục triển khai đánh giá các chỉ số trí tuệ (IQ, AQ, EQ…) trong tuyển sinh trường THPT chuyên ở những nơi có đủ điều kiện. Tăng cường xây dựng “Nguồn học liệu mở”, đổi mới nội dung, phương pháp đánh giá chất lượng trong quá trình giáo dục.

Chúng ta đã tham gia Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) chu kỳ 2012 và đang tiếp tục triển khai chu kỳ 2015 để tách bạch việc đánh giá chất lượng của cơ sở giáo dục, địa phương và của quốc gia. 

Ngày 13/5/2015, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố bảng xếp hạng chất lượng giáo dục toàn cầu, dựa vào kết quả kiểm tra môn Toán và Khoa học ở học sinh lứa tuổi 15, trong đó Việt Nam xếp thứ 12 trong tổng số 76 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tăng cường chỉ đạo các cơ sở giáo dục đẩy mạnh công tác tự đánh giá chất lượng trong nhà trường. Đến nay, hầu hết các cơ sở giáo dục từ mầm non đến trung cấp chuyên nghiệp đã hoàn thành việc tự đánh giá. Nhiều chương trình đào tạo đã được đánh giá theo các bộ tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế.

Công tác tuyển chọn, tập huấn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế tiếp tục được đổi mới có hiệu quả. Các đội tuyển học sinh Việt Nam tham dự thi Olympic khu vực và quốc tế tiếp tục đạt thành tích xuất sắc, tất cả các học sinh tham gia dự thi đều đạt giải. 

Kết quả đó thể hiện sự đổi mới trong tổ chức dạy học cũng như thi, kiểm tra, đánh giá, nhất là hệ thống các trường THPT chuyên có truyền thống tốt về dạy và học.

Để thấy rằng việc đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực của học sinh được Bộ GD&ĐT triển khai đồng bộ và bước đầu đã có những thành công quan trọng.

“Cùng với việc tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia, năm học vừa qua, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo thực hiện đổi mới mạnh mẽ hình thức đánh giá đối với học sinh tiểu học; tiếp tục đổi mới cách thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh theo hướng phát triển năng lực; chú trọng kết hợp đánh giá trong quá trình giáo dục và đánh giá tổng kết cuối kỳ, cuối năm học; từng bước nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức liên môn vào thực tiễn, hướng dẫn học sinh biết nhận xét góp ý lẫn nhau và biết tự đánh giá”.

TIỀN ĐỀ TRIỂN KHAI ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SGK GIÁO DỤC PHỔ THÔNG MỚI 

Thưa Thứ trưởng, thời gian qua, xã hội rất quan tâm đến việc chuẩn bị để đảm bảo tính tiên tiến và khả thi của đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển phẩm chất năng lực người học, vậy Bộ GD&ĐT đã có những hướng triển khai nào trong nội dung này?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Bộ đã và đang triển khai tích cực việc tổ chức nghiên cứu và tiếp thu kinh nghiệm xây dựng, phát triển chương trình giáo dục phổ thông và biên soạn sách giáo khoa theo định hướng phát triển năng lực tập trung vào 13 nước có nền giáo dục phát triển hoặc có điều kiện tương đồng với Việt Nam, bao gồm: Hàn Quốc, Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Bỉ, Phần Lan, Úc, Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Columbia; mời các đoàn chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam để tập huấn về thiết kế chương trình và biên soạn sách giáo khoa phổ thông.

Bộ GD&ĐT chỉ đạo 7 trường đại học sư phạm lớn nhất của cả nước là: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên), Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế), Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), Trường Đại học Vinh và Trường Cao đẳng Hải Dương hợp tác nghiên cứu, rà soát chuẩn đầu ra, điều chỉnh chương trình đào tạo, đổi mới công tác đào tạo và phát triển đội ngũ giáo viên (đào tạo lại, bồi dưỡng giáo viên, xây dựng nguồn học liệu dùng chung) nhằm đáp ứng yêu cầu của việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa; giao trách nhiệm cho các trường này tích cực tham gia vào việc nghiên cứu xây dựng chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

Đồng thời Bộ cũng chỉ đạo các trường đại học này xây dựng dự án đầu tư thiết bị phục vụ đào tạo chuẩn bị cho đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; cùng đó, Bộ tiếp tục chỉ đạo tốt công tác đầu tư xây dựng cơ bản, công tác thiết bị trường học.

Bộ GD&ĐT tổ chức nghiên cứu, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở pháp lý để tổ chức xây dựng, thẩm định, triển khai chương trình, sách giáo khoa mới; kiện toàn Ban Chỉ đạo, bộ phận thường trực và các ban/hội đồng soạn thảo chương trình, sách giáo khoa mới; tổ chức đánh giá chương trình đào tạo hiện hành; tổ chức nhiều hội thảo về đổi mới chương trình đào tạo cho các cơ sở đào tạo giáo viên; tập huấn toàn bộ trưởng phòng giáo dục và đào tạo các quận/huyện, hiệu trưởng các trường THPT và giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên về chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa; tổ chức nhiều hội thảo trao đổi, bổ sung, chỉnh sửa hoàn thiện Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể; chuẩn bị nhân sự làm chương trình các môn học.

Năm học vừa qua, các địa phương, cơ sở giáo dục tích cực áp dụng mô hình giáo dục mới theo hướng phát triển năng lực và hình thành phẩm chất người học theo tinh thần Nghị quyết 29 như: Phương pháp “Bàn tay nặn bột”; Mô hình Trường học mới Việt Nam, chương trình Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục; các hình thức dạy học mới: Giáo dục thông qua di sản, thí điểm mô hình dạy học gắn với sản xuất, kinh doanh và bảo vệ môi trường, nghiên cứu khoa học kỹ thuật của học sinh trung học...

Kết quả thu được của những thử nghiệm này là tiền đề để triển khai Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

NHÂN RỘNG MÔ HÌNH PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ NHÀ GIÁO, CÁN BỘ QUẢN LÝ TIÊU BIỂU 

Thưa Thứ trưởng, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được coi là khâu then chốt trong lộ trình “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”. Đến thời điểm này, ngành Giáo dục đã thực hiện khâu then chốt này như thế nào?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã chú trọng công tác phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý.

Nhiều địa phương đã có mô hình hay cần nhân rộng như Bạc Liêu, Trà Vinh có chính sách thu hút đối với cán bộ quản lý và giáo viên mầm non về công tác ở những địa bàn khó khăn đặc thù của tỉnh; Hà Tĩnh, Lào Cai điển hình trong chế độ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và thu hút cán bộ trình độ cao hay chế độ hỗ trợ luân chuyển, điều động, biệt phái đối với cán bộ, công chức, viên chức ở Long An; Tiền Giang, Hậu Giang, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh có chính sách đào tạo và thu hút đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ sau đại học, người công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, nhân viên trường học và thực hiện luân chuyển giáo viên; Đồng Tháp ưu tiên sắp xếp nhà công vụ cho giáo viên ở xa đến công tác; Bà Rịa - Vũng Tàu hỗ trợ cho giáo viên tham gia giảng dạy chương trình nâng cao cấp trung học cơ sở.

Bộ đã và đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành xây dựng và ban hành các văn bản quy định về tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm đối với viên chức giáo dục, xây dựng Đề án quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo giáo viên mầm non, phổ thông và dạy nghề giai đoạn 2014 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Đề án đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, đào tạo và dạy nghề đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo.

Để nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, Bộ tiếp tục tổ chức nhiều hình thức sinh hoạt chuyên môn dành cho giáo viên nhằm tạo môi trường cho giáo viên học tập, nghiên cứu, giao lưu, chia sẻ về chuyên môn, nghiệp vụ; đáng chú ý nhất là việc đổi mới sinh hoạt tổ chuyên môn theo hình thức nghiên cứu bài học; cuộc thi Dạy học theo chủ đề tích hợp dành cho giáo viên trung học năm học 2014 - 2015 với 2.532 bài dự thi của 2.952 giáo viên đến từ 63 tỉnh/thành phố và 1 trường trực thuộc.

Hiện nay, Bộ đang chú trọng việc áp dụng hình thức bồi dưỡng giáo viên là kết hợp giữa bồi dưỡng qua mạng (trực tuyến) và bồi dưỡng trực tiếp (giáp mặt), trong đó phải đổi mới chức năng của đội ngũ giáo viên cốt cán các môn học trong các cơ sở giáo dục, họ không phải là những người nói thay giảng viên như trước đây mà là những người đứng ra tổ chức, hướng dẫn các lớp bồi dưỡng “giáp mặt” mà giảng viên đại học không có điều kiện để làm; tăng cường tổ chức sinh hoạt chuyên môn tại trường, cụm trường, Phòng, Sở GD&ĐT qua mạng “Trường học kết nối” về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Nhận diện trở ngại lớn nhất trong triển khai đổi mới giáo dục

Năm học tiên phong đổi mới và sáng tạo ảnh 1 Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển
“Chất lượng giáo dục tuy đã có những chuyển biến tích cực nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu giáo dục, còn nhiều hạn chế về giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng sống cho học sinh.

Cơ sở vật chất, thiết bị trường học ở một số nơi vẫn còn thiếu thốn, lạc hậu. Tiến độ thực hiện công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi ở một số tỉnh còn chậm.

Ở một vài nơi, một số hiện tượng chưa tốt trong giáo dục như dạy thêm học thêm tràn lan, thu chi không đúng quy định, sổ sách của giáo viên quá nhiều, thiếu quan tâm giáo dục ý thức tự quản, lao động vệ sinh, tự phục vụ trong nhà trường vẫn chưa được khắc phục triệt để.

Thực tiễn chỉ đạo triển khai Thông tư 30 cho thấy, khó khăn, trở ngại lớn nhất trong triển khai đổi mới của giáo dục là thói quen cũ trong cách nghĩ, cách làm (của giáo viên, của cán bộ quản lý giáo dục, của học sinh, của cha mẹ học sinh và của xã hội)”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ