Thành quả của nỗ lực
Theo Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy, giai đoạn 2016 - 2020, ngành Giáo dục thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng và đạt được kết quả ấn tượng; trọng tâm và bao trùm chính là thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đặc biệt năm học 2019 - 2020, trong bối cảnh của dịch Covid-19, ngành Giáo dục điều hành linh hoạt để bảo đảm hoàn thành chương trình, kế hoạch nhiệm vụ của năm học. Đồng thời, toàn ngành nỗ lực triển khai Chương trình, sách giáo khoa lớp 1 mới.
Điểm nổi bật, toàn ngành đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy - học, để vừa phòng chống dịch Covid-19, giúp học sinh “Tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học”. Không chỉ thành phố lớn, hay những tỉnh miền xuôi, mà địa phương miền núi, vùng cao (Yên Bái, Lào Cai…) cũng áp dụng tốt các giải pháp công nghệ thông tin trong dạy học.
“Trong quá trình triển khai thực hiện, còn một số điểm hạn chế, nhưng đây là điều không tránh khỏi. Do vậy, không vì thế mà chúng ta phủ nhận hoặc không ghi nhận vai trò, nỗ lực, công lao đóng góp to lớn của ngành GD-ĐT” – ông Đỗ Đức Duy nói.
Đồng tình với những kết quả nổi bật của ngành Giáo dục giai đoạn 2016 - 2020, ông Nguyễn Đức Trung – Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh: Ngành đã tham mưu có hiệu quả cho Chính phủ, Quốc hội ban hành Luật Giáo dục 2019, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và các Nghị định về phát triển GD-ĐT.
Đặc biệt triển khai có hiệu quả Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Một trong những thành công lớn nhất của ngành Giáo dục là xây dựng được Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Với việc thực hiện chủ trương một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa đã góp phần thúc đẩy đổi mới, sáng tạo của các cơ sở giáo dục, tạo quyền chủ động và sáng tạo cho địa phương khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đồng bộ các giải pháp
Theo ông Nguyễn Đức Trung, Bộ đã lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả và sáng tạo trong việc quy hoạch, sắp xếp hệ thống trường lớp, cơ sở giáo dục; xây dựng mô hình xã hội hóa phát triển hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn. Qua đó, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của học sinh và người dân địa phương. Cùng với đó, Bộ GD&ĐT lãnh đạo có hiệu quả các địa phương thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục, xây dựng trường chuẩn quốc gia. Lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 nghiêm túc, an toàn, hiệu quả.
Đặc biệt, ngành Giáo dục là một trong những đơn vị ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến; góp phần thực hiện tốt cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử. “Theo tôi, đây là đóng góp to lớn của Bộ GD&ĐT” – Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh – Phó Chủ tịch UBNB tỉnh Vĩnh Long ghi nhận: Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động đến tất cả lĩnh vực, nhưng ngành Giáo dục đã có những giải pháp phù hợp. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 diễn ra an toàn, nghiêm túc. Kết quả thi được đánh giá, so sánh ở nhiều góc độ đã khẳng định chất lượng giáo dục THPT ổn định.
Theo Phó Chủ tịch UBNB tỉnh Vĩnh Long, năm học 2019 - 2020, vai trò quản lý của ngành Giáo dục được nâng lên. Để cụ thể hóa Luật Giáo dục 2019, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, các Nghị định của Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã ban hành đồng bộ và kịp thời hệ thống văn bản thuộc nhiều lĩnh vực làm cơ sở cho việc sắp xếp hệ thống trường lớp, đánh giá xếp loại học sinh; lựa chọn sách giáo khoa, ổn định cơ cấu và nâng cao chất lượng đội ngũ… Qua đó, triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và quá trình đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng.