Năm học 2020 - 2021: Giáo dục đại học biến “nguy” thành “cơ”

GD&TĐ - Một trong những điểm nổi bật nhất của năm học 2020 - 2021 được các đại biểu đánh giá tại Hội nghị giáo dục đại học năm 2021 là việc nhanh chóng thích ứng, linh hoạt, sáng tạo và phát huy hiệu quả đào tạo.

Giảng viên Trường ĐH Hùng Vương tương tác với sinh viên qua bài dạy trực tuyến.
Giảng viên Trường ĐH Hùng Vương tương tác với sinh viên qua bài dạy trực tuyến.

Dạy học trực tuyến “lội ngược dòng”

Ông Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Văn Lang cho biết: Là cơ sở tư thục, nhà trường luôn nhận được yêu cầu rất lớn từ phụ huynh, sinh viên về việc bảo đảm chất lượng dạy học, đặc biệt khi triển khai dạy học trực tuyến.

“Chúng tôi phải trả lời băn khoăn đó bằng thực tế hoạt động của mình”, ông Trí nói và chia sẻ, nhờ có sự chuẩn bị từ trước nên dù dịch bệnh, việc dạy học của sinh viên trong trường rất trơn tru. Nhà trường đã xây dựng các tiêu chí cụ thể cho lớp học online, đo lường những nội dung cụ thể về hoạt động của giảng viên, sinh viên trong lớp học, sự tương tác giữa giảng viên, sinh viên…

Mọi thông tin lớp học đều được ghi nhận trên hệ thống - đây là điều không thể có được ở lớp học truyền thống. Việc này cũng góp phần giúp cả giảng viên và sinh viên có tư duy khoa học, nói và làm đều căn cứ trên số liệu, không thể chung chung. Cách giảng dạy như vậy, theo ông Nguyễn Cao Trí, đòi hỏi sự thay đổi về tư duy, phương thức, giảng viên sẽ được hỗ trợ để thích ứng với cách thức đào tạo mới; sinh viên rành công nghệ nên cũng nhập cuộc nhanh.

Đầu tháng 3/2020, khi khảo sát với giảng viên, có đến khoảng 90% thầy cô không muốn dạy online. Thế nhưng, cuối năm 2020, khi chúng tôi khảo sát lại thì trên 90% giảng viên cho biết rất thích dạy theo hình thức này. Sinh viên cũng vậy, nếu ban đầu hầu hết không muốn học, thì nay qua khảo sát, số mong muốn học online lại lên tới trên 90%.

Năm học 2020 - 2021, trong tình hình dịch bệnh Covid-19, các cơ sở giáo dục đại học đã áp dụng phương thức giảng dạy và học tập trực tuyến linh hoạt trong tổ chức đào tạo và đánh giá kết quả học tập; từ đó vừa hoàn thành kế hoạch năm học, vừa bảo đảm an toàn, phòng chống dịch bệnh; đồng thời góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong giáo dục đại học.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội, việc toàn ngành nhanh chóng thích ứng và phát huy hiệu quả công tác giảng dạy, đào tạo bằng cách ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động là một trong những kết quả năm học nổi bật. Gắn với đó, ông Nguyễn Hoàng Hải lưu ý, chuyển đổi số phải bảo đảm điều kiện chất lượng; cân nhắc cho phép kiểm định chất lượng trực tuyến trong nước; xây dựng hệ thống học liệu chia sẻ chung trong các cơ sở giáo dục đại học trong nước; đào tạo bồi dưỡng cho giảng viên kiểm tra đánh giá trực tuyến…

Chia sẻ kinh nghiệm của Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, thầy Hiệu trưởng Sử Đình Thành cho biết: Nhà trường đã đầu tư hạ tầng công nghệ để đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động liên quan đến đào tạo, hợp tác, nghiên cứu khoa học.

Vì thế, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hợp tác quốc tế của nhà trường không bị gián đoạn. Bằng phương thức trực tuyến, các hoạt động này tiếp tục được thúc đẩy và duy trì liên tục; trong đó phải kể đến các hội thảo quốc tế và trao đổi với trường học trong khu vực và thế giới. Trên cơ sở đó, kết quả đào tạo, nghiên cứu khoa học của nhà trường đã đi đúng hướng và đạt được kỳ vọng.

Sinh viên Trường ĐH Kinh tế TPHCM học trên phần mềm trực tuyến.
Sinh viên Trường ĐH Kinh tế TPHCM học trên phần mềm trực tuyến.

Cơ hội chuyển đổi số

Nhấn mạnh vai trò của chuyển đổi số trong giáo dục, ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, chia sẻ cách làm của nhà trường: Trước hết xác định quyết tâm chính trị trong lãnh đạo và tạo sự đồng thuận trong toàn bộ cán bộ, giảng viên, sinh viên nhà trường.

Cùng với đó, xác định các nội dung và ưu tiên các nội dung để triển khai; củng cố hạ tầng công nghệ thông tin; chuẩn bị về nhân lực; xây dựng hệ thống học liệu số theo những quy chuẩn... “Nhà trường có chế độ khuyến khích với những người tiên phong trong việc này. Với chuẩn bị như vậy, Trường ĐHSP Hà Nội đã thực hiện dạy học trực tuyến trong 2 đợt dịch” - ông Nguyễn Văn Minh cho hay.

Liên quan đến nội dung này, ông Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, thông tin: Nhà trường đã xây dựng hệ thống phần mềm AMS với ưu điểm: Triển khai giám sát chất lượng đào tạo của từng học phần, từng chuẩn chương trình đào tạo, thêm nữa là đánh giá chất lượng của người học. Hệ thống phần mềm này giúp Ban giám hiệu nhà trường, đặc biệt giúp các khoa, các trưởng bộ môn thống kê được chuẩn đầu ra của sinh viên theo từng năm học và từng chương trình đào tạo.

Để vận hành và đồng bộ hóa hệ thống phần mềm, ông Võ Thanh Hải chia sẻ: Nhà trường tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên trách để giám sát hệ thống ngân hàng câu hỏi của từng môn học và phương pháp kiểm tra đánh giá của giảng viên. Qua đó, giám sát việc kiểm tra có đáp ứng được mục tiêu đánh giá năng lực người học theo chuẩn đầu ra hay không? Với hệ thống phần mềm, cùng với đội ngũ chuyên trách trong lĩnh vực này, Trường ĐH Duy Tân có thể thường xuyên, liên tục rà soát từng học phần, từng đề thi. Thông qua đó, giúp nhà trường nhìn thấy một số đặc điểm hoặc phương pháp đánh giá có hay không phù hợp với mục tiêu.

Nhấn mạnh hiện có gần 50 nghìn sinh viên trong nước, 1 nghìn sinh viên quốc tế và khoảng 4 nghìn học viên cao học vẫn đang được học online, ông Phạm Hồng Quang, Giám đốc ĐH Thái Nguyên, mong muốn trong chiến lược phát triển giáo dục đại học có định hướng xây dựng khung chung về đại học thông minh, chuyển đổi số GD-ĐT. Bởi thực tế cho thấy, vấn đề này đang được các trường đại học phát triển mạnh.

“Trong đầu tư công giai đoạn 2020 - 2025, các trường đại học, trong đó, ĐH Thái Nguyên cũng đưa nội dung chuyển đổi số vào. Tuy nhiên, nội dung này liên quan đến các bộ, ngành khác như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông. Vì thế, trong quá trình thẩm định tiến độ đầu tư công, rất mong Bộ GD&ĐT phối hợp, có ý kiến chỉ đạo để nội dung này sớm được triển khai” - ông Phạm Hồng Quang đề nghị.

Ông Nguyễn Huy Bằng, Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh, đề nghị: Ngoài quy định về tỷ lệ % đào tạo trực tuyến, Bộ cần có thêm quy định khác như chuẩn đầu ra của hình thức đào tạo này và những nội dung nào thì được dạy trực tuyến.

Hội nghị giáo dục đại học năm 2021 đã ghi nhận hàng chục ý kiến tham luận và trao đổi của các cơ sở giáo dục đại học, các bộ, ban, ngành và vụ, cục chuyên môn thuộc Bộ GD&ĐT. Các ý kiến đều đánh giá cao những công việc đã triển khai và kết quả của giáo dục đại học trong năm học 2020 - 2021; đồng thời nhất trí với định hướng cho năm học tiếp theo.
Bên cạnh các kết quả năm học và kinh nghiệm triển khai, Hội nghị cũng ghi nhận nhiều ý kiến liên quan đến thực hiện tự chủ đại học, tuyển sinh, nghiên cứu khoa học, quy hoạch mạng lưới giáo dục đại học, chiến lược phát triển giáo dục đại học, đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục đại học; cơ chế tuyển dụng người nước ngoài.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.