Năm học 2020 -2021: Chấm dứt tình trạng Sở GD&ĐT không có thanh tra Sở

GD&TĐ - Sáng 9/10, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thanh tra năm học 2019 - 2020 và triển khai nhiệm vụ công tác thanh tra năm học 2020 - 2021. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng dự và chỉ đạo Hội nghị.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng (giữa) tặng hoa chúc mừng Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Đức Cường (bìa phải) và Phó Chánh Thanh tra Ngô Minh Hưng (bìa trái).
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng (giữa) tặng hoa chúc mừng Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Đức Cường (bìa phải) và Phó Chánh Thanh tra Ngô Minh Hưng (bìa trái).

Cùng dự Hội nghị, có ông Nguyễn Đức Cường - Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT; Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) Mai Văn Trinh; ông Nguyễn Huy Bằng – nguyên Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cùng đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ (Bộ GD&ĐT); lãnh đạo các Sở GD&ĐT, cán bộ quản lý giáo dục và gần 300 đại biểu.

Chấm dứt tình trạng không có Chánh Thanh tra Sở

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, năm học 2019 - 2020 toàn ngành giáo dục đã trải qua năm học rất đặc biệt với nhiều cảm xúc.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại Hội nghị.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại Hội nghị.

“Toàn ngành đã hoàn thành mục tiêu kép (chương trình học và thực hiện phòng chống dịch - PV) với sự quyết liệt, chủ động, sáng tạo các cấp quản lý giáo dục, của giáo viên, sinh viên và học sinh toàn ngành.

Trong những nỗ lực cố gắng chung của toàn ngành, có sự đóng góp hết sức tích cực của đội ngũ thanh tra giáo dục và cộng tác viên thanh tra; sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong và ngoài ngành với lực lượng thanh tra giáo dục…”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nói.

Tại Hội nghị, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Đức Cường cho biết, tính đến tháng 7/2020, cán bộ thanh tra các Sở GD&ĐT có 293 người. Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố đã thực hiện việc bổ nhiệm vào ngạch thanh tra cho đội ngũ cán bộ Thanh tra Sở, hiện có 232 người đã được bổ nhiệm ngạch thanh tra (tăng 6 người so với năm học 2018 – 2019).

Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Đức Cường phát biểu.
Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Đức Cường phát biểu.

Bên cạnh đó, vẫn còn Sở GD&ĐT chưa bổ nhiệm Chánh Thanh tra như: Khánh Hòa, Gia Lai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước, Bến Tre, Vĩnh Long... Riêng Sở GD&ĐT Bình Phước sáp nhập Thanh tra Sở và Phòng Kiểm định chất lượng nên không có Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra (không đúng quy định của Luật Thanh tra).

Cũng theo Thanh tra Bộ GD&ĐT, việc bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra cho Thanh tra Sở GD&ĐT còn hạn chế, có Sở GD&ĐT chỉ có 3 cán bộ thanh tra. Đặc biệt, Thanh tra Sở GD&ĐT Quảng Nam có 4 người (1 công chức thanh tra, 1 cán bộ hợp đồng và 2 cán bộ, chưa có người nào được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra).

Về công tác thanh tra kiểm tra, theo Thanh tra Bộ GD&ĐT, qua tổng hợp chung kế hoạch cho thấy, có tổng số 1.602 đơn vị đã được thanh tra (thanh tra hành chính: 308, chuyên ngành: 1159, đột xuất: 135). Có 31 sở không có thanh tra đột xuất (giảm 5 sở so với năm học 2018 - 2019).

Nội dung các cuộc thanh tra tập trung vào công tác quản lý của Thủ trưởng đơn vị và những vấn đề nóng, bức xúc như: Dạy thêm, học thêm, thu chi đầu năm học, sử dụng văn bằng chứng chỉ, tuyển dụng và thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên, thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo.

Qua báo cáo của Thanh tra Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng ghi nhận, biểu dương các đồng chí Thanh tra Bộ, lãnh đạo Sở GD&ĐT các tỉnh, lãnh đạo Thanh tra các Sở GD&ĐT, đội ngũ thanh tra, cộng tác viên thanh tra giáo dục trong năm học 2019 -2020 vừa qua đã khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ của công tác thanh tra.

Về công tác thanh tra, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nêu rõ: “Thanh tra là tai mắt của lãnh đạo, công cụ của người quản lý. Bởi vậy, nếu không đầu tư, tăng cường, không quan tâm cho công tác thanh tra là chúng ta tự làm yếu đi chức năng của mình. Trong báo cáo của Thanh tra Bộ chỉ ra có những Sở GD&ĐT hiện nay không có Phó, Chánh Thanh tra, không có Phòng Thanh tra… trước hết là vi phạm Luật Thanh tra...”.

Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, trước đó, Thanh tra Bộ đã tham mưu cho Bộ trưởng ký văn bản tăng cường công tác thanh tra. “Đã bổ sung nội dung chấm dứt tình trạng các Sở không có thanh tra. Nhiệm vụ trong năm 2020 - 2021 đề nghị, Chánh Thanh tra Bộ tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo Bộ có văn bản chuyên biệt gửi cho UBND các tỉnh, thành phố và Sở GD&ĐT đó… Năm học 2020 -2021, phải chấm dứt tình trạng Sở không có phòng Thanh tra, lãnh đạo Thanh tra.

Thanh tra sẽ phải thanh tra công tác quản lý nhà nước của UBND cấp tỉnh…Trước hết nhắm vào các tỉnh chưa có Phòng Thanh tra và Chánh Thanh tra để thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chấm dứt tình trạng không có thanh tra…”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.

Nâng cao chất lượng đội ngũ thanh tra

Nói về cán bộ thanh tra, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị các đơn vị, Sở GD&ĐT phải tăng cường đội ngũ, cán bộ thanh tra, chất lượng thanh tra tác nghiệp và giải pháp qua tập huấn bố trí đủ số lượng và thành phần.

“Đòi hỏi thanh tra phải nhanh nhạy, nắm bắt thông tin, không chỉ thông tin thụ động qua báo chí, qua người dân, đơn thư mà chủ động qua các kênh nắm bắt để tham mưu cho lãnh đạo Sở trong công tác thanh tra…”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nói.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng yêu cầu Thanh tra Bộ, đại biểu tại Hội nghị tổng kết cần định hướng gợi mở, đánh giá tổng kết những kết quả đạt được.

Các đại biểu nghiên cứu, thảo luận tại Hội nghị.
Các đại biểu nghiên cứu, thảo luận tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, đã có nhiều ý kiến tham luận của các Sở GD&ĐT như: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nam Định…

Các đại biểu tại Hội nghị đã tập trung thảo luận về những kết quả công tác thanh tra trong năm học 2019 -2020 và phương hướng nhiệm vụ trong năm học mới 2020 -2021.

Về phương hướng nhiệm vụ trong năm học 2020 -2021, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT TS. Nguyễn Đức Cường cũng cho biết, Thanh tra Bộ, Sở GD&ĐT tập trung rà soát, bám sát nhiệm vụ trọng tâm năm học.

Triển khai thanh tra công tác đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông và quản lý nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn trong việc thực hiện tự chủ đại học để xây dựng kế hoạch thanh tra và tổ chức thanh tra trọng tâm, trọng điểm phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Đồng thời, kịp thời thanh tra, kiểm tra những vấn đề nóng, phức tạp, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thanh tra, cộng tác viên thanh tra. Bên cạnh đó, tiếp tục chuẩn hóa quy trình hoạt động thanh tra, kiểm tra, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra.

Đặc biệt, tăng cường phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, tạo chuyển biến rõ nét về tổ chức và hoạt động thanh tra, góp phần đảm bảo kỷ cương, kỷ luật, nâng cao chất lượng giáo dục.

Nhân dịp này, Thanh tra Bộ GD&ĐT tặng quà, tri ân Chánh Thanh tra Nguyễn Huy Bằng và Phó Chánh Thanh tra Tống Duy Hiến cùng các Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT nghỉ hưu. Đồng thời, tặng hoa chúc mừng các tân Chánh Thanh tra của nhiều Sở GD&ĐT được bổ nhiệm. 
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng tặng quà, tri ân Chánh Thanh tra Nguyễn Huy Bằng và Phó Chánh Thanh tra Tống Duy Hiến (bên phải) nghỉ hưu.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng tặng quà, tri ân Chánh Thanh tra Nguyễn Huy Bằng và Phó Chánh Thanh tra Tống Duy Hiến (bên phải) nghỉ hưu.
TS. Nguyễn Đức Cường - Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT tri ân nguyên Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT nghỉ hưu tại Hội nghị.
TS. Nguyễn Đức Cường - Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT tri ân nguyên Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT nghỉ hưu tại Hội nghị.
Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Đức Cường tặng hoa chúc mừng tân Chánh Thanh tra các Sở GD&ĐT trong năm học mới 2020 -2021.
Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Đức Cường tặng hoa chúc mừng  tân Chánh Thanh tra các Sở GD&ĐT trong năm học mới 2020 -2021. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.