Kiến thức nằm trong chương trình
Theo ghi nhận của Báo Giáo dục & Thời đại chiều 14/6 tại Trường THPT Nam Trực, đúng 16h30 tiếng trống báo hết giờ làm bài cất lên. Khoảng 16h40, các thí sinh mới ra khỏi phòng thi và ra về. Dưới đây là đề thi chính thức môn Ngữ văn năm học 2022-2023 của Sở GD&ĐT Nam Định:
Ra khỏi phòng thi với tâm trạng phấn khởi, em Thanh Diễm - học sinh Trường THCS Nam Cường (Nam Trực) cho biết, mình đã làm khá tốt đề thi Ngữ văn lần này. Điều khiến nữ sinh này tâm đắc nhất chính là phần nghị luận văn học yêu cầu phân tích nhân vật ông Hai trong tác phẩm "Làng" của nhà văn Kim Lân.
"Truyện ngắn "Làng" là một trong những tác phẩm em ôn rất kỹ và cô giáo dạy em nhiều phương pháp để hiểu được giá trị nội dung của tác phẩm cũng như một số nét chính về từng nhân vật, trong đó có nhân vật ông Hai. Vì thế, riêng phần nghị luận văn học em đã viết hết 3 tờ giấy thi" - Diễm tâm sự.
Còn theo thí sinh Nguyễn Văn Dũng, phần câu hỏi trắc nghiệm cũng khiến em mất khá nhiều thời gian bởi nhiều nội dung cần nhớ. Riêng phần nghị luận xã hội nói về tình cảm gắn bó với quê hương, Dũng làm rất tự tin và nêu ra một số luận cứ cơ bản để minh chứng cho vấn đề trên. Thời gian 120 phút là vừa đủ để em hoàn thành bài thi và soát lại lỗi chính tả. Nam sinh này tự tin mình được khoảng 7 - 8 điểm.
Có mặt đợi con đến lúc thi xong, chị Đoàn Thị Nhuận - trú xã Nam Cường cho biết, lúc thấy con ra cổng tay bắt mặt mừng thì mẹ cũng vui lây. "Ngay từ lúc chưa thi, tôi luôn động viên cháu làm hết mình và dù kết quả ra sao thì bố mẹ vẫn tin tưởng con sẽ cố gắng. Môn Ngữ văn cháu đánh giá đề không quá khó và làm được hết bài trong thời gian quy định. Hi vọng với hai môn thi còn lại là Toán và Tiếng Anh cháu sẽ chinh phục thành công", chị Nhuận nói.
Theo nhận định của Thạc sĩ Nguyễn Hằng Nga - Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn, Trường THPT Hoài Đức B (Hà Nội), đề thi Ngữ văn vào lớp 10 của tỉnh Nam Định năm nay có nội dung kiến thức nằm trong chương trình lớp 9. Đề có ý hướng đến 2 loại đề thi đánh giá năng lực và đề thi tốt nghiệp THPT nên có phần "hơi nặng" so với học sinh lớp 9 và thời lượng làm bài trong 120 phút.
"Câu Đọc hiểu và câu Nghị luận xã hội là dữ liệu bên ngoài. Nội dung phần dữ liệu ấy đề cập tới vấn đề rất đỗi quen thuộc là tình cảm gắn bó với quê hương. Do vậy, thí sinh rất dễ viết và thể hiện cảm xúc chân thành của mình. Để đạt được điểm từ 8 trở lên phải là những em có học lực khá giỏi và vốn hiểu biết xã hội tương đối" - cô Hằng Nga chia sẻ thêm.