Nam Định nỗ lực vượt khó để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, song ngành giáo dục Nam Định đã nỗ lực đoàn kết, vượt mọi khó khăn để thực hiện tốt các nhiệm vụ trong năm học 2021-2022 như kế hoạch đề ra. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Lê Đoài trao Bằng khen của lãnh đạo tỉnh cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong năm học 2021-2022.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Lê Đoài trao Bằng khen của lãnh đạo tỉnh cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong năm học 2021-2022.

Dạy học linh hoạt bảo đảm tiến độ, chất lượng

Sáng 15/8, Sở Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) Nam Định đã tổ chức Hội nghị Tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023. Tham dự chương trình có ông Trần Lê Đoài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Cao Xuân Hùng - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định cùng đại diện một số ban, ngành, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Xuân Hồng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định nhấn mạnh, năm học 2021-2022 rất đặc biệt, do ảnh hưởng của Covid-19. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo từ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, ngành giáo dục Nam Định đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quan trọng để củng cố, nâng cao chất lượng giáo dục và giành những kết quả đáng khích lệ trong thực hiện nhiệm vụ năm học.

Ngay từ đầu năm học, thực hiện chỉ đạo của Sở, các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch dạy học linh hoạt, ứng phó với dịch Covid-19, tranh thủ “thời gian vàng” khi dịch bệnh được kiểm soát để dạy kiến thức cơ bản, cốt lõi cho học sinh.

Trong năm học, nhất là thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, nhiều trường học đã chuyển đổi linh hoạt hình thức dạy học trực tiếp và trực tuyến hoặc kết hợp đồng thời các hình thức dạy học đảm bảo việc học của học sinh không bị gián đoạn.

Các đại biểu tham dự hội nghị.
Các đại biểu tham dự hội nghị.

Để đảm bảo chất lượng dạy học trực tuyến, Sở đã tập huấn các nền tảng công nghệ thông tin dạy học trực tuyến; tập huấn kĩ năng dạy học trực tuyến cho giáo viên, các trường tổ chức tập huấn kĩ năng học tập trực tuyến đối với học sinh; xây dựng thời khoá biểu dạy học, tổ chức dự giờ học trực tuyến để rút kinh nghiệm nâng cao chất lượng giờ dạy.

Bên cạnh đó, ngành Giáo dục Nam Định phối hợp với VNPT, Viettel Nam Định triển khai Chương trình “Sóng và máy tính cho em” tặng băng thông, lưu lượng, gói cước, phần mềm học trực tuyến cho các cơ sở giáo dục và cung cấp sim data 4G miễn phí cho học, sinh sinh viên nghèo, cận nghèo.

Khi học sinh trở lại trường học trực tiếp sau thời gian dạy học trực tuyến, Sở đã chỉ đạo các trường tổ chức tư vấn, hỗ trợ tâm lý, hướng dẫn thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh chuyển trạng thái từ học trực tuyến sang học tập trực tiếp; kịp thời hỗ trợ những em gặp khó khăn về tâm lý để sớm ổn định, hòa nhập, ngăn chặn kịp thời những vụ việc bạo lực học đường gây mất an toàn trường học; tổ chức ôn tập, rà soát, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh.

Dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng thầy trò các nhà trường luôn nỗ lực hết mình trong giảng dạy và học tập.

Dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng thầy trò các nhà trường luôn nỗ lực hết mình trong giảng dạy và học tập.

Kết quả, 100% cơ sở giáo dục đã tổ chức kiểm tra, đánh giá học sinh, hoàn thành kế hoạch, chương trình giáo dục theo khung thời gian kế hoạch năm học, chất lượng giáo dục cơ bản được duy trì so với năm học trước.

Sở GD&ĐT Nam Định cũng đã cử cán bộ quản lý, giáo viên tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng, tập huấn do Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh và các ban, ngành có liên quan tổ chức. Triển khai có hiệu quả công tác bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh, bồi dưỡng nâng cao năng lực, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ theo các yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp; gắn với bồi dưỡng về Chương trình GDPT 2018 và các nhiệm vụ chuyên môn của từng cấp học.

Tổ chức bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên đại trà thực hiện các mô-đun Chương trình GDPT 2018, phối hợp với Viettel và VNPT Nam Định triển khai bồi dưỡng, tự bồi dưỡng các mô-đun 1, 2, 3, 4 bằng hình thức trực tuyến trên hệ thống LMS, và hoàn thành xong trước ngày 15/42; bồi dưỡng tài liệu Giáo dục địa phương; hội thảo và tập huấn sử dụng SGK lớp 3; tập huấn xây dựng kế hoạch giáo dục môn học, kế hoạch bài dạy đối với 11 môn học, 440 GV cốt cán. Các Phòng GD&ĐT tổ chức tập huấn tới 100% giáo dục dạy các môn học.

Các cấp học đều nỗ lực vượt khó

Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đánh giá cao công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm 2022 của ngành giáo dục Nam Định.

Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đánh giá cao công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm 2022 của ngành giáo dục Nam Định.

Cũng theo đại diện ngành giáo dục, trong năm học 2021-2022, các cơ sở giáo dục mầm non tích cực xây dựng được 11.222 video, audio; tuyển chọn về các huyện/thành phố được 1.264 sản phẩm, cấp tỉnh chọn được 47 sản phẩm. Ngoài ra, giáo viên nhóm lớp tuyên truyền tới cha mẹ trẻ các bài viết hướng dẫn phụ huynh cách chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà.

Từ ngày 12/4, toàn bộ 230 trường mầm non trên địa bàn tỉnh, 116 nhóm trẻ hoạt động trở lại thích ứng với trạng thái bình thường mới, triển khai hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ. Huy động 18.791 trẻ nhà trẻ ra lớp, đạt 27,36% số trẻ trong độ tuổi; 82.346 trẻ mẫu giáo ra lớp, đạt 90,86% dân số độ tuổi. Riêng mẫu giáo 5-6 tuổi huy động 30.034 trẻ đạt 100% dân số độ tuổi.

Bên cạnh việc thực hiện đổi mới phương pháp, kỹ thuật dạy học, các trường tiểu học đã tích cực tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm, hoạt động giáo dục có tính sáng tạo, kích thích tinh thần ham học hỏi, tìm tòi nhằm phát triển phẩm chất, năng lực của học sin như các Cuộc thi “Kĩ năng tham gia giao thông an toàn”, “Rung chuông vàng”, “Mở sách - Mở Thế giới”... Nhiều đơn vị triển khai STEM công nghệ cao để học sinh thực hành lập trình, vận hành Robot. Tiếp tục thí điểm dạy Tin học theo chương trình IC3-Spark ở 66 trường tiểu học.

Sở GD&ĐT đã tiến hành khảo sát xác suất kỹ năng đọc, viết đối với học sinh lớp 1 tại một số trường tiểu học của thành phố Nam Định, huyện Nghĩa Hưng và huyện Trực Ninh. Kết quả: đa số học sinh lớp 1 đạt yêu cầu về kỹ năng đọc, viết theo quy định của CTGDPT 2018 (99,0%). Kết quả đánh giá hoàn thành chương trình lớp học chung của tỉnh đạt 99,5%, hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99,95%.

Thực hiện hướng dẫn của Sở GD&ĐT, 100% trường trung học đã chủ động xây dựng kế hoạch dạy học linh hoạt, thích ứng với dịch bệnh Covid-19, vừa đảm bảo chuẩn kiến thức, kĩ năng, phù hợp với điều kiện của đơn vị, bảo đảm tính pháp lý, liên thông theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh.

Các trường học đã tận dụng “thời gian vàng” khi dịch bệnh được kiểm soát để tổ chức giảng dạy những nội dung trọng tâm, cốt lõi; chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị, tập huấn sử dụng phần mềm và kỹ năng dạy học trực tuyến… xây dựng các kịch bản sẵn sàng chuyển đổi trạng thái dạy học.

Nam Định đã tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 và giành được những kết quả đầy tích cực.

Nam Định đã tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 và giành được những kết quả đầy tích cực.

Kết quả tốt nghiệp THCS đạt 99,94%, tốt nghiệp THPT đạt 99,84%; điểm bình quân các môn thi tốt nghiệp THPT đạt 7,047 điểm (toàn quốc 6,47 điểm), xếp thứ 1 toàn quốc (cao hơn năm 2021 một bậc và 0,051 điểm). Cả 9 môn thi tốt nghiệp có điểm bình quân trong nhóm 10 tỉnh dẫn đầu toàn quốc, trong đó điểm bình quân môn Toán và môn Địa lý xếp thứ nhất toàn quốc. Toàn tỉnh có 293 điểm 10, xếp thứ 4 toàn quốc; có 1 học sinh đạt Á khoa khối D toàn quốc; điểm bình quân các khối thi truyền thống của học sinh Nam Định trong nhóm 5 tỉnh dẫn đầu cả nước.

Các trung tâm GDTX cũng chủ động rà soát, tinh giản nội dung dạy học, đảm bảo những kiến thức cơ bản, tối thiểu cho học viên, giảm tính hàn lâm, tăng tính thực tiễn. Các trung tâm GDTX, trung tâm GDNN-GDTX liên kết dạy văn hóa chương trình GDTX cấp THPT cho 5 trường cao đẳng nghề trên địa bàn tỉnh với tổng số 1.448 học viên. Việc liên kết và chủ trì giảng dạy văn hóa do các trung tâm đảm nhiệm theo đúng các quy định và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Kết quả, tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 98,85%, tăng 1,84% so với năm học trước...

Ngoài ra, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập cũng là một trong những ưu tiên quan trọng được ngành giáo dục Nam Định chú trọng.

Năm học 2021-2022, nhiều cuộc họp và hội nghị trực tuyến giữa Sở với Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố, các Phòng GD&ĐT, các trung tâm GDNN-GDTX và các cơ sở giáo dục trực thuộc đã được tổ chức để triển khai công tác chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và các nhiệm vụ khác thông qua Hệ thống họp trực tuyến tại Sở và các ứng dụng họp, hội nghị trực tuyến...

Sở GD&ĐT Nam Định đã tiếp nhận và cấp tài khoản Office 365 cho 100% các cơ sở giáo dục phổ thông, tổ chức hội thảo và tập huấn về ứng dụng CNTT vào quản trị nhà trường; tổ chức giới thiệu các nền tảng dạy học trực tuyến, phối hợp với các đơn vị cung cấp và tổ chức tập huấn các nền tảng như OLM, Vioedu, K12online, Office 365... đến toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên của các cấp học. Đội ngũ GV đã tích cực ứng dụng CNTT trong bồi dưỡng chuyên môn; khai thác và sử dụng học liệu điện tử, xây dựng bài giảng điện tử, tổ chức dạy học trực tuyến, tích cực hưởng ứng cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử E-learning của Sở và Bộ GD&ĐT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ