Nam Định: Giáo viên, học sinh không đăng tải thông tin chưa kiểm chứng lên mạng

GD&TĐ - Đó là một trong các nội dung chỉ đạo của Sở GD&ĐT Nam Định tới các đơn vị trực thuộc khi dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đang đến gần.

Cô trò Trường THPT Ngô Quyền - TP Nam Định trong một buổi học trực tiếp trên lớp.
Cô trò Trường THPT Ngô Quyền - TP Nam Định trong một buổi học trực tiếp trên lớp.

Chú trọng tuyên truyền về ATGT

Theo đó, lãnh đạo Sở GD&ĐT Nam Định yêu cầu các Phòng GD&ĐT, các đơn vị trực thuộc, Trung tâm GDNN-GDTX cần thực hiện tốt một số nội dung quan trọng, trong đó có các văn bản chỉ đạo về trật tự An toàn giao thông (ATGT), An ninh trật tự, an toàn trường học của Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh Nam Định.

Các nhà trường quán triệt trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, sinh viên thực hiện nghiêm "Đã uống rượu, bia thì không lái xe"; không phóng nhanh, vượt ẩu; không chở quá số người quy định; không sử dụng điện thoại khi lái xe; đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện; thắt dây an toàn khi ngồi trên xe ô tô; thực hiện "5K" khi tham gia giao thông... 

Tuyên truyền với cha mẹ học sinh, các chủ phương tiện đưa đón học sinh phải bảo đảm các điều kiện an toàn đối với phương tiện đưa đón học sinh, yêu cầu học sinh chấp hành nghiêm quy định về ATGT, điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định chủ động phối hợp với các doanh nghiệp vận tải tổ chức bán vé tàu, xe tại trường cho sinh viên về nghỉ Tết. 

Vấn đề đảm bảo an toàn giao thông là một trong những nhiệm vụ quan trọng được các nhà trường chú trọng tuyên truyền tới học sinh.
Vấn đề đảm bảo an toàn giao thông là một trong những nhiệm vụ quan trọng được các nhà trường chú trọng tuyên truyền tới học sinh.

Ngoài ra, ngành giáo dục Nam Định cũng yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị định số 137/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo và các văn bản pháp luật có liên quan cho học sinh, sinh viên, gắn với tiếp tục thực hiện có hiệu quả mô hình “Trường học văn minh, học sinh thân thiện, không ma túy và bạo lực học đường”.

Tăng cường kiểm tra việc thực hiện nề nếp học sinh, tuyên truyền giáo dục học sinh tuyệt đối không tàng trữ, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ và pháo. Tăng cường giáo dục học sinh ý thức phòng chống dịch Covid - 19 trong dịp nghỉ lễ, tết, luôn tuân thủ nguyên tắc "5K".

Các nhà trường cần phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan công an trên địa bàn tổ chức cho học sinh, cha mẹ học sinh ký cam kết: Không giao mô tô, xe máy cho người chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe điều khiển tham gia giao thông. Không điều khiển mô tô, xe máy khi chưa đủ tuổi. Không tàng trữ, buôn bán, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo.

Không đăng tin sai sự thật lên mạng
Hiện tại, ngành giáo dục tỉnh Nam Định vẫn đang tổ chức linh hoạt các hoạt động dạy học phù hợp với tình hình dịch tại mỗi địa phương.
Hiện tại, ngành giáo dục tỉnh Nam Định vẫn đang tổ chức linh hoạt các hoạt động dạy học phù hợp với tình hình dịch tại mỗi địa phương. 

Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT Nam Định cũng yêu cầu cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, sinh viên các nhà trường không đăng tải, chia sẻ, bình luận trên mạng xã hội những thông tin xấu, độc, thiếu chính xác, chưa được kiểm chứng hoặc thông tin về những vụ việc đang trong quá trình điều tra, chưa có kết luận chính thức.

Phối hợp với cha mẹ học sinh tăng cường công tác giáo dục pháp luật, tuyên truyền, không để học sinh bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia vào các tệ nạn xã hội như: mua bán người, ma tuý, mại dâm... Chú trọng công tác tư vấn tâm lý trong các nhà trường, tăng cường thực hành tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông; chú trọng hỗ trợ tâm lý tốt cho học sinh trong thời gian thực hiện các biện pháp phòng, chống Covid-19. 

Trao đổi với Báo Giáo dục & Thời đại, ông Cao Xuân Hùng - Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định cho hay: Thực hiện sự chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh về công tác phòng chống dịch bệnh, Sở đã quán triệt tới Phòng GD&ĐT các huyện/thành phố, các trường THPT, Trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn tiến hành các hoạt động dạy và học linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch bệnh ở mỗi địa phương. 

"Hiện nay, các địa phương vẫn cho học sinh đến trường học trực tiếp nếu đủ điều kiện an toàn về phòng dịch. Trường hợp địa bàn nào phát sinh các ca bệnh phức tạp, các trường sẽ kiến nghị với lãnh đạo địa phương để tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh, đảm bảo tiến độ chương trình năm học", ông Cao Xuân Hùng nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.