Nấm cứu… phụ nữ châu Phi

GD&TĐ - Bằng kiến thức và tấm lòng của mình, doanh nhân Nasbaum đã tạo nên sự khác biệt ở châu Phi.

Phụ nữ ở Tanzania với chất thải nông nghiệp đã sẵn sàng được khử trùng để trồng nấm. Ảnh: Nocamels
Phụ nữ ở Tanzania với chất thải nông nghiệp đã sẵn sàng được khử trùng để trồng nấm. Ảnh: Nocamels

Xuất phát từ mong muốn giúp các gia đình châu Phi thoát khỏi những lựa chọn đau lòng giữa việc mua thức ăn hay thuốc men cho con cái, doanh nhân xã hội Israel tên là Tzippora Nusbaum đã có sáng kiến vô cùng thiết thực. Bà đã giúp phụ nữ ở đây học cách trồng nấm rồi bán, thu nhập tăng gấp 2 lần.

Thay đổi cuộc sống từ cây nấm

Nấm nhà trồng đã sấy khô và đóng gói trước khi được giao. Ảnh: Nocamels

Nấm nhà trồng đã sấy khô và đóng gói trước khi được giao. Ảnh: Nocamels

Là một người chuyên về ngành kỹ thuật, nhưng bà Nusbaum đã có sự thay đổi đáng kể về hướng đi trong thời gian phong tỏa chống Covid-19. Bà đã thiết lập dự án nấm đầu tiên của mình từ xa ở phía Bắc Tanzania nhằm mục đích nhân rộng nó trên khắp châu Phi và xa hơn nữa trong một dự án có tên là “Doanh nhân chống lại nghèo đói”.

Trồng nấm đòi hỏi rất ít về thiết bị, nguồn lực và chuyên môn, đó là điều làm cho việc này trở thành một đề xuất kinh doanh đơn giản và hấp dẫn. Bên cạnh đó, nó cung cấp thực phẩm dinh dưỡng để giúp nuôi sống một gia đình.

Bỏ bất kỳ loại chất thải hữu cơ nào vào xô, thêm giống, để nơi tối trong vài tuần là có thể thu hoạch. Bất kỳ loại chất thải nông nghiệp nào sau khi khử trùng cũng có thể dùng được. Thức ăn thừa từ vụ lúa, ngô, chuối cũng được, thậm chí cả bìa các tông cũng có thể tận dụng.

Bà Nusbaum chia sẻ với báo giới: “Chúng tôi làm việc với những phụ nữ kiếm được ít hơn 1,9 USD/ngày và chúng tôi có thể tăng dần cho họ từ 3 - 5 USD/ngày. Khi trở nên quen thuộc với việc này, họ có thể trồng những loại nấm lạ hơn”.

Bà cung cấp cho phụ nữ trong cộng đồng mọi thứ họ cần để bắt đầu công việc kinh doanh trồng nấm tại nhà riêng, sau đó chuyển sang công việc tiếp theo. Một khi cơ sở hạ tầng đã sẵn sàng, họ chủ yếu tự cung tự cấp.

Phụ nữ có thể trồng tới 500kg nấm trên một mét vuông mỗi năm trong những thùng như thế này. Ảnh: Nocamels

Phụ nữ có thể trồng tới 500kg nấm trên một mét vuông mỗi năm trong những thùng như thế này. Ảnh: Nocamels

Bà Nusbaum cho biết đang bắt đầu các dự án ở những nơi hạn hán và thiếu lương thực nghiêm trọng, khiến các gia đình phải lựa chọn giữa thuốc men và thực phẩm.

Nói chung, đây là những người sống trong cảnh bị đói nghèo đe dọa mạng sống ở những vùng nông thôn xa xôi. Họ không được tiếp cận với những thứ rất cơ bản như chăm sóc sức khỏe, nước sạch hoặc có thể là thực phẩm mà họ không tự trồng được.

“Chúng tôi trao quyền cho phụ nữ để chống lại biến đổi khí hậu và nghèo đói cùng cực bằng cách dạy họ cách trồng nấm và kết nối họ với thị trường quốc tế”, bà Nusbaum nói và cho biết bà chọn phụ nữ để hướng dẫn họ vì cho rằng muốn tạo ra sự thay đổi thực sự thì cần hướng đến những người mẹ trong gia đình.

Họ sẽ tạo cơ hội giáo dục cho con cái, tăng cường chăm sóc sức khỏe, giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ, trẻ sơ sinh và tăng nhiều cơ hội kinh doanh hơn cho gia đình, chứ không phải cho cá nhân. Việc thoát nghèo phụ thuộc vào sự tham gia của các bà mẹ.

Ở những vùng xa xôi này, phụ nữ làm nông nghiệp thường mua phải hạt giống và phân bón kém chất lượng. Nam giới thường được lấy hàng trước và phụ nữ lấy phần còn lại, nếu có. Do vậy, dự án của bà Nasbaum đang tạo ra các nhà sản xuất riêng tất cả các mặt hàng họ cần, để những phụ nữ châu Phi nghèo không còn bị lợi dụng nữa.

Doanh nhân Israel cho rằng, nấm là một giải pháp phù hợp cho phụ nữ bị thiệt thòi vì loại cây này không yêu cầu quyền sở hữu đất đai vốn là một vấn đề phức tạp.

Hơn nữa, khi trồng nấm, phụ nữ không phải đi lại nhiều vì có thể trồng ngay tại nhà. Bên cạnh đó, nấm lớn rất nhanh, chúng phát triển trong vòng 6 - 8 tuần. Đặc biệt, kinh doanh nấm có thể thu lợi nhanh sau khi đầu tư.

Hướng tới thị trường thế giới

Bà Tzippora Nusbaum - người sáng lập dự án Doanh nhân chống lại nNghèo đói. Ảnh: Nocamels

Bà Tzippora Nusbaum - người sáng lập dự án Doanh nhân chống lại nNghèo đói. Ảnh: Nocamels

Dự án của bà Nasbaum đã hoàn thành một chương trình thí điểm ở phía Bắc Tanzania và đang thực hiện một chương trình ở Đông Jerusalem.

“Có những chương trình thí điểm tiềm năng khác đang được thiết lập và chúng tôi đang trong quá trình mở rộng khắp Trung và Đông Phi, Kenya, Malawi, Uganda và nhiều hơn nữa ở Tanzania, Ghana…” , bà Nasbaum nói.

Bà Nasbaum cung cấp cho họ một trung tâm đào tạo, thu hút các chuyên gia và tạo ra trang trại cung cấp cho họ nguyên vật liệu và kiến thức chuyên môn cần thiết. Bà hỗ trợ phụ nữ mở trang trại riêng của mình. Sau khi họ thu hoạch được những cây nấm tươi ngon, dự án của bà sẽ sấy khô và đóng gói chúng.

Đây được cho là một mô hình có thể dễ dàng mở ra ở bất cứ nơi nào có nhu cầu và có thể đáp ứng số lượng phụ nữ tham gia gần như vô hạn.

Bà Nasbaum cho biết, dự án sẽ có sự tham gia của 100 nghìn phụ nữ trong vòng nhiều nhất là 2 năm. Đây thậm chí không phải là mục tiêu lạc quan nhất, mà là thực tế nhất của dự án. Khi dự án đảm bảo có đủ người mua và đủ khoản tài trợ để thiết lập dòng tiền vào, họ sẽ tiếp tục mở rộng vì đây là khoản đầu tư một lần.

Những phụ nữ có thể sản xuất 500kg nấm sò chất lượng cao trong một năm chỉ cần một mét vuông đất với 16 thùng xếp chồng lên nhau. Mỗi thùng sản xuất 6kg và thường có 6 vụ thu hoạch trong một năm.

Theo bà Nasbaum, phụ nữ sẽ bán nấm cho một nhà hàng địa phương hoặc dự án sẽ kết nối họ với những người mua quốc tế để tạo ra các sản phẩm bền vững.

Khi dự án phát triển, bà ấy nhắm đến các đại gia thực phẩm như Nestle, Unilever và Mars, với hy vọng giành được các hợp đồng cung cấp dài hạn.

Trong quá trình nghiên cứu sâu rộng, bà Nusbaum thấy rằng các dự án nấm đã hoạt động ở Ấn Độ, Bangladesh, Trung Quốc và các nơi khác ở châu Á, nhưng ý tưởng này chưa được triển khai ở châu Phi.

Bằng kiến thức và tấm lòng của mình, doanh nhân Nasbaum đã tạo nên sự khác biệt ở châu Phi. Đó là việc bà hỗ trợ từ trang trại đến bàn ăn và không để bất kỳ ai khác xen vào. Bà cho rằng, đây là một sự bền vững. Càng ít người trung gian, người nông dân càng có nhiều thu nhập mà không bị ai khác cắt xén.

Theo Nocamels

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.