Rút kinh nghiệm để không phát sinh dự án thua lỗ mới
Giải trình trước Quốc hội về việc xử lý 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh - khẳng định: "Các công việc liên quan đang đi đúng tiến trình".
Việc xử lý các dự án này phức tạp vì qua nhiều giai đoạn, thời kỳ khác nhau. Chúng tôi phải đánh giá đồng bộ những tồn tại, nguyên nhân để có hướng giải quyết. Quan trọng là từ việc xử lý những dự án này, rút kinh nghiệm để không phát sinh dự án thua lỗ mới.
Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, nguyên nhân yếu kém của công nghiệp hỗ trợ là do cơ chế chính sách còn chưa đồng bộ, kịp thời, đầy đủ; doanh nghiệp của Việt Nam chủ yếu quy mô vừa và nhỏ, khó tiếp cận vốn, công nghệ, nhân lực nên chưa tham gia được vào các chuỗi giá trị lớn...
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh - cho biết: Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan rà soát, xây dựng một loạt chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, khoa học công nghệ, đào đạo nguồn nhân lực, tham gia các chuỗi giá trị để mở rộng thị trường...
Báo cáo mới nhất của ngành Công Thương cho hay, trong 12 dự án nêu trên, có 6 nhà máy đang vận hành nhưng bị thua lỗ (gồm 4 nhà máy sản xuất phân bón và nhà máy đóng tàu Dung Quất, nhà máy thép Việt Trung); 3 dự án bị dừng thi công do chi phí tăng cao và thiếu vốn (gồm dự án: Sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ; mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên; bột giấy Phương Nam).
Các dự án bị dừng sản xuất do giá thành cao, thua lỗ lớn là: Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất; nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước; Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ - PVTex.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh phát biểu giải trình trước Quốc hội |
Có thực trạng nhờn pháp luật
Về công tác phòng chống buôn lậu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết đây là tình trạng vẫn diễn ra nhức nhối ở nhiều địa phương, nhất là tình trạng buôn lậu thuốc lá, đường,... nguyên nhân là do chế tài của chúng ta chưa đủ mạnh, dẫn đến hiện tượng nhờn pháp luật, các đối tượng buôn lậu cấu kết tinh vi, có hệ thống;...
Bên cạnh đó, sự phối hợp của từng lực lượng phòng chống buôn lậu ở địa phương điểm nóng (hải quan, quản lý thị trường, công an) còn chưa chặt chẽ, thường xuyên dẫn đến hiệu quả đấu tranh còn yếu;
Mặt khác, chất lượng, chuyên môn, phẩm chất của lực lượng phòng chống buôn lậu cũng còn khoảng cách so với đòi hỏi thực tiễn... dẫn đến hiệu quả công tác phòng chống buôn lậu chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Bộ trưởng cũng thông tin thêm về vấn đề kế hoạch phát triển hệ thống hạ tầng lưới điện nông thôn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo; tiến độ xử lý các dự án yếu kém, thua lỗ kéo dài...
“Đúng là có thực trạng nhờn pháp luật, lợi ích cao trong buôn lậu nên các hành vi buôn lậu tổ chức tinh vi, có hệ thống và không giới hạn trong phạm vi một địa phương như trước”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh , có sự đứt khúc trong điều hành, quản lý giữa các cơ quan kiểm tra liên ngành như công an, quản lý thị trường... khiến hiệu quả đấu tranh chống buôn lậu yếu.
Về giải pháp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh – cho biết: Việc tái xuất thuốc lá lậu đã được Chính phủ “tuýt còi” khi mới đây Thủ tướng quyết định “các lô hàng thuốc lá nhập lậu khi tịch thu phải tiêu huỷ chứ không được tái xuất”. Ngoài ra, buôn lậu hơn 1.500 điếu thuốc lá nếu bị bắt giữ sẽ truy trách nhiệm hình sự.
Lãnh đạo ngành Công Thương cũng cam kết trước Quốc hội là: Tăng cường đấu tranh chống buôn lậu quy mô lớn; nâng cao trình độ của lực lượng quản lý thị trường, thành lập Tổng cục quản lý thị trường…