Năm 2017 chỉ có hơn 10% là tố cáo đúng

GD&TĐ - Đại biểu Vương Ngọc Hà – đoàn Hà Giang viện dẫn từ báo cáo của Tổng Thanh tra Chính phủ khi thảo luận về dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi).

Đại biểu Vương Ngọc Hà: Nếu khẳng định ngay người bị tố cáo là người có hành vi bị tố cáo là chưa hoàn toàn chính xác
Đại biểu Vương Ngọc Hà: Nếu khẳng định ngay người bị tố cáo là người có hành vi bị tố cáo là chưa hoàn toàn chính xác

Làm rõ khái niệm người bị tố cáo

Theo đại biểu, khái niệm người bị tố cáo được quy định là: Người bị tố cáo là cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi bị tố cáo. Đại biểu Vương Ngọc Hà cho rằng, cần phải sửa đổi, bổ sung khái niệm này. Bởi vì, khi rà soát trong dự thảo luật có đến 49 từ sử dụng "người bị tố cáo".

Đại biểu thấy rằng có những từ được gắn với thuộc tính như là của một cá nhân. “Cụ thể tôi lấy ví dụ như: Tại điểm c khoản 1 Điều 31 quy định về việc xác minh nội dung tố cáo thì quy định họ tên, địa chỉ của người bị tố cáo” - Đại biểu Vương Ngọc Hà viện dẫn.

Cũng theo đại biểu, trong quá trình xác minh, người xác minh nội dung tố cáo phải tạo điều kiện để người bị tố cáo giải trình và đưa ra những chứng cứ để xác minh.

Đại biểu Vương Ngọc Hà cho rằng, họ và tên chỉ dùng cho một con người cụ thể và việc giải trình hay đưa ra những chứng cứ đối với cá nhân hay tổ chức thì phải được cơ quan, tổ chức đó ủy quyền cho người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đó.

Vì vậy, nếu như dùng từ "người" để bao hàm cho cả cơ quan, tổ chức thì tôi nghĩ có lẽ chưa đầy đủ. Vì vậy tôi xin được đề nghị nên dùng từ "đối tượng" thay cho từ "người".

Theo đại biểu, đối tượng bị tố cáo là các đối tượng mà bị người tố cáo nêu tên và cho rằng có hành vi vi phạm ghi vào trong đơn tố cáo hoặc người tố cáo đến báo với cơ quan có thẩm quyền rằng, một người nào đó có hành vi mà họ cho rằng là hành vi vi phạm.

Đại biểu Vương Ngọc Hà cho biết, theo báo cáo của Tổng Thanh tra Chính phủ thì trong năm 2017 chỉ có hơn 10% là tố cáo đúng, số còn lại tố cáo sai và vừa đúng vừa sai. Vì vậy, những đối tượng bị ghi trong đơn tố cáo mà bị tố cáo sai thì là những đối tượng không có hành vi mà người đã tố cáo.

“Chính vì vậy, nếu khẳng định ngay người bị tố cáo là người có hành vi bị tố cáo là chưa hoàn toàn chính xác. Vì vậy, tôi mong muốn điều này sẽ được chỉnh sửa, bổ sung và quan điểm cá nhân tôi xin được đề nghị đó là, đối tượng bị tố cáo là cơ quan, tổ chức, cá nhân bị người tố cáo báo cho cơ quan có thẩm quyền là có hành vi vi phạm pháp luật” - Đại biểu Vương Ngọc Hà nêu ý kiến.

Bổ sung về địa chỉ nhận đơn tố cáo

Liên quan đến nội dung tiếp nhận tố cáo, Đại biểu Vương Ngọc Hà phân tích, trong thực tế có xảy ra những hiện tượng: một nội dung tố cáo nhưng được gửi đến rất nhiều nơi.

Ví dụ đã có rất nhiều đại biểu Quốc hội cùng nhận được những đơn tố cáo về cùng một nội dung, nếu theo quy trình thì tất cả những nội dung này đều phải được những người nhận được đơn thông báo đến người gửi đơn là đã nhận được đơn tố cáo. Đồng thời chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

“Nếu như vậy rất khó khăn và thực tế đã cho thấy rất khó khăn đối với cơ quan tổng hợp dữ liệu này. Vì vậy, luật của chúng ta lần này có thể giải quyết được vấn đề đó hay không?” - Đại biểu Vương Ngọc Hà nêu vấn đề.

Đại biểu Vương Ngọc Hà mong muốn, luật này cần giải quyết được vấn đề đó, bổ sung về địa chỉ nhận đơn tố cáo, đó là tùy theo từng vụ việc người tố cáo có thể gửi đơn đến một địa chỉ là cơ quan có thẩm quyền theo từng vụ việc mà chúng ta đã quy định rất rõ ràng. Hoặc nếu như không xác định được cơ quan nào có thẩm quyền thì có thể gửi đến cơ quan tiếp dân.

Đại biểu cũng đề nghị, Luật cần bổ sung nội dung địa chỉ để tiếp nhận tố cáo trực tiếp bằng lời nói là các cơ quan tiếp công dân theo quy định.

“Tôi tin rằng những người tố cáo đúng đắn là người có động cơ vì đất nước, vì xã hội, vì sự trong sạch của bộ máy nhà nước nên từ động cơ đó sẽ thúc đẩy họ có hành vi tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật giúp các cơ quan nhà nước nắm bắt giải quyết hiệu quả, làm cho bộ máy trong sạch, chứ không phải họ đòi hỏi quyền lợi cho bản thân như trường hợp khiếu nại hay khiếu nại dẫn đến tố cáo.

Với động cơ trong sáng đó, tôi tin rằng việc gửi đơn đúng địa chỉ cũng như đến đúng nơi để trình bày chắc chắn họ sẽ thực hiện vì họ muốn có một bộ máy trong sạch. Nếu làm được vậy thì đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để chúng ta tuyên truyền cho các công dân thực hiện làm theo đúng pháp luật và góp phần xây dựng nếp sống văn minh” - Đại biểu Vương Ngọc Hà tin tưởng.

"Đề nghị bỏ nội dung hướng dẫn người tố cáo viết bằng văn bản khi đến trực tiếp tố cáo bằng lời nói, vì quy định như thế tạo cho người tiếp công dân có sự lựa chọn là, người đó sẽ hướng dẫn người đến tố cáo phải viết lại bằng văn bản sau đó mới có thể ghi lại bằng biên bản, như vậy làm người đến tố cáo e ngại"- Đại biểu Vương Ngọc Hà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ