Năm 2016: Tuyển mới 2,15 triệu người học nghề

GD&TĐ - Đây là một mục tiêu trọng tâm mà Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ,TB&XH) đã đề ra trong năm 2016. Nhằm hiện thực hóa mục tiêu này, theo Tổng cục Dạy nghề, tới đây sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dạy nghề, đi đôi với đào tạo nghề theo địa chỉ, đặt hàng dạy nghề và giải quyết việc làm sau đào tạo nghề.

Năm 2016: Tuyển mới 2,15 triệu người học nghề

Đặt mục tiêu cao hơn

PGS.TS Dương Đức Lân - Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề - cho biết, trong năm 2016, chỉ tiêu tuyển sinh của Tổng cục vẫn đặt ra cao hơn năm trước, mặc dù có nhiều nhận định việc tuyển sinh học nghề trong thời gian sắp tới sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Tuy nhiên, với những trường tốt vấn đề tuyển sinh đang được đánh giá là khả quan và có nhiều triển vọng.

Năm 2016, ngành dạy nghề phấn đấu tuyển sinh đạt 2,15 triệu người, trong đó trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề là 250.000 người, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng là 1,9 triệu người, trong đó hỗ trợ cho khoảng 950.000 lao động nông thôn (hỗ trợ học nghề theo chính sách Đề án 1956 khoảng 600.000 người).

Hiện nay, Bộ LĐ,TB&XH đang tập trung xây dựng, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch phát triển nhân lực đất nước.

Năm 2016, tiếp tục xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách hỗ trợ học nghề và đẩy mạnh các giải pháp đột phá giáo dục nghề nghiệp theo hướng hội nhập ASEAN.

Trong đó, ưu tiên tập trung đầu tư cho 45 trường được lựa chọn là trường chất lượng cao, nhằm hình thành mạng lưới các trường có đủ năng lực đào tạo một số nghề được các nước tiên tiến trong khu vực và quốc tế công nhận.

Đồng thời, hoàn thành việc xây dựng mạng lưới các trường chuyên biệt, với nhiệm vụ chính là đào tạo cho các đối tượng người dân tộc thiểu số, người khuyết tật; tiếp tục đẩy mạnh việc sáp nhập các trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp.

Đột phá đào tạo nghề

Trước những cơ hội và thách thức từ sự hình thành của Cộng đồng Kinh tế ASEAN, việc đẩy mạnh chuyển giao các bộ chương trình từ nước ngoài cho các nghề trọng điểm được xem là một giải pháp đột phá.

Theo đó, năm 2015, Bộ LĐ,TB&XH đã hoàn thành chuyển giao 20 bộ chương trình đạt tiêu chuẩn quốc tế (8 bộ chương trình từ Malaysia, 12 bộ chương trình từ Úc) theo Quyết định số 371/QĐ-TTg ngày 28/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Chuyển giao các bộ chương trình; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; đào tạo thí điểm các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN, quốc tế” giai đoạn 2012 - 2015.

Theo Quyết định 1808/QĐ-LĐTBXH về việc cho phép sử dụng 12 bộ chương trình chuyển giao từ Úc để đào tạo thí điểm cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng của Úc và cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng của Việt Nam cho 12 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế.

Từ tháng 4/2016, 25 trường nghề tại Việt Nam được lựa chọn tham gia thí điểm sẽ tuyển sinh để thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng 12 nghề trọng điểm theo cấp độ quốc tế.

Theo đó sẽ tuyển 1.025 sinh viên, tổ chức thành 41 lớp tại 25 trường cho 12 nghề tham gia đào tạo thí điểm, thời gian đào tạo từ năm 2015, 2016 kết thúc vào năm 2018. Các lớp đào tạo theo chương trình chuyển giao sẽ không quá 25 sinh viên/lớp.

Cũng theo PGS.TS Dương Đức Lân, nghề trình độ cao là những nghề lao động có kỹ thuật và là lực lượng lao động mang tính cạnh tranh, cho nên chúng ta phải đào tạo để lao động có trình độ ngang tầm các nước tiến tiến và trong khu vực. Năm 2016 sẽ tập trung đào tạo nghề trình độ cao, ở trình độ trung cấp và cao đẳng.

Năm 2015, cả nước tuyển mới dạy nghề cho hơn 2,1 triệu người, đạt 100% kế hoạch, tăng 6,3% so với năm 2014. Trong đó, tuyển mới cao đẳng, trung cấp nghề cho 250.000 người; sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng cho 1,9 triệu người (dạy nghề cho khoảng 550.000 lao động nông thôn).

Chất lượng đào tạo nghề trong những năm gần đây đã đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động thông qua tỷ lệ học sinh, sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp và đúng nghề đào tạo với thu nhập cao đã thu hút học sinh đủ điều kiện học đại học tham gia vào học nghề.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink.

Truyện ngắn: Viết tiếp giấc mơ

GD&TĐ - Chẳng hiểu sao ba mẹ lại treo ảnh Bác trên bàn thờ, ở vị trí cao nhất. Chòm râu dài, ánh mắt hiền từ và cái miệng cười mỉm trấn an tinh thần chị.
Binh chủng đặc biệt ở Trường Sơn

Binh chủng đặc biệt ở Trường Sơn

GD&TĐ - ​Tạo nên sức mạnh Trường Sơn là tổng lực của cả dân tộc, của cả thời đại, trong đó có sự đóng góp của đội ngũ báo chí, văn nghệ sĩ.