Mỹ: Truyền thông là “đồng lõa” trong các vụ thảm sát?

Một trong những chi tiết rùng rợn trong thảm sát ở Orlando, Florida – Mỹ vừa qua là kẻ xả súng đã tạm dừng giết chóc tại hộp đêm Pulse giây lát để lên Facebook tìm thông tin về vụ việc.

Xe các đài truyền hình nối đuôi nhau bên ngoài hiện trường vụ thảm sát ở quán bar Pulse tại TP Orlando. Ảnh: AP
Xe các đài truyền hình nối đuôi nhau bên ngoài hiện trường vụ thảm sát ở quán bar Pulse tại TP Orlando. Ảnh: AP

Theo các nhà điều tra, các từ khóa “Pulse Orlando”, “xả súng" là những từ Omar Mateen, kẻ xả súng giết 50 người và làm bị thương hơn 50 người khác, đã gõ vào điện thoại của hắn.

Hành động của Omar Mateen không khác các hung thủ thảm sát khác, quan tâm về những gì truyền thông viết về mình và một số trường còn tự tay “đạo diễn”, xoay hướng truyền thông.

Hung thủ vụ thảm sát ở Virgina Tech năm 2007 cũng ngừng xả súng giữa chừng để gửi video đến Đài NBC nhận trách nhiệm và giải thích động cơ.

Trong vụ thảm sát ở Isla Vista, bang California năm 2014, hung thủ cũng đăng video vụ việc lên YouTube. Một số kẻ khác thường thảo luận kế hoạch của mình trên diễn đàn mạng.

Theo các chuyên gia nghiên cứu thảm sát, rõ ràng, các phương tiện truyền thông lâu nay đều không giữ vai trò đơn thuần là đưa tin mà mở rộng ra họ là một phần của câu chuyện.

Bởi họ đăng tải một cách dày đặc các thông tin về thảm sát, phủ sóng bi kịch và làm dầy thông tin theo nhiều chiều, truyền cảm hứng cho kẻ giết người mới.

“Đây dường như là cách để chúng cảm nhận được sự công nhận và tôn trọng, điều mà chúng không có trong đời thực. Chúng ta sống trong thế giới mà con người quan tâm đến địa vị xã hội và khán giả của mình” – Ông Dewey Cornell, chuyên gia tâm lý học lâm sàng pháp lý thuộc Đại học Virgina nhận định.

Trên thế giới, nhiều kẻ thảm sát từng để lại thư tuyệt mệnh và thông điệp mô tả chúng được truyền cảm hứng từ vụ thảm sáti ở Trường Trung học Columbine (TP Littleton, bang Colorado) năm 1999.

Sherry Towers, một nhà nghiên cứu tại Trường ĐH bang Arizona, đã tiến hành các nghiên cứu xem xét mối liên hệ giữa vụ thảm sát.

Năm 2014, sau khi có 3 vụ xả súng xảy ra trong khoảng 10 ngày tại các trường học khác nhau, cô tự hỏi liệu bạo lực cộng đồng có tính truyền nhiễm?

Vì vậy, bà Towers đã xây dựng một mô hình thống kê để phân tích cơ sở dữ liệu của hàng trăm vụ nổ súng. Sherry Towers nhận thấy những vụ xả súng làm ít nhất 4 người chết là phổ biến, đủ để giới truyền thông quan tâm, đưa tin rộng rãi.

Các vụ nổ súng chỉ khiến 3 người bị thương, không chết, thường chỉ xuất hiện trên các trang tin địa phương, không có nguy cơ gia tăng. Những vụ thảm sát lớn, được báo chí trong và ngoài nước thông tin rộng rãi, có độ lây lan cao.

Jack Levin - Nhà tội phạm học tại Trường ĐH Northeastern ở TP Boston - nói sau vụ thảm sát ở Trường Columbine, một loạt xả súng xảy ra, được giới truyền thông đăng tải liên tục. Nhưng các vụ thảm sát đã ngừng lại suốt nhiều tháng sau sự kiện khủng bố 11-9-2001 bởi lúc này truyền thông tập trung vào khủng bố nhiều hơn là thảm sát.

“Các phương tiện truyền thông không chỉ có quyền mà còn có trách nhiệm đăng tải thông tin, cập nhật tin tức cho công chúng. Vấn đề là cách những thông tin đó được truyền tải theo kiểu nào. Sự nhấn mạnh thường không tập trung ở nạn nhân mà là kẻ giết người… làm cho chúng trở nên nổi tiếng” – Jack Levin nói.

Sau vụ thảm sát tại rạp chiếu phim ở Aurora, Colorado, vài thân nhân của nạn nhân đề nghị truyền thông không đề cập đến kẻ giết người. Thống đốc Colorado chỉ đề cập đến hắn như một nghi phạm A.

Hiện tại, bên cạnh các phương tiên truyền thông truyền thống, mạng xã hội là phương tiện lan truyền thông tin nhanh nhất mà kẻ sát nhân chọn lựa để tạo danh tiếng cho mình. Như Omar Mateen, hắn vào Facebook, bày tỏ quan điểm chính trị cùng những đe dọa khác trước khi xả súng giết người. 

Theo NLĐ/Los Angeles Times

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...