Trong một sự kiện do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tổ chức ở Washington hồi tuần trước, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Ely Ratner, cho biết, những nỗ lực của Lầu Năm Góc nhằm tiếp cận với phía quân đội Trung Quốc trong những tháng gần đây đã bị phớt lờ hoặc từ chối.
Theo ông Ratner, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin “tin tưởng vào tầm quan trọng của các đường dây liên lạc cởi mở với phía Trung Quốc và đã cố gắng xây dựng các đường dây liên lạc cởi mở với phía Bắc Kinh. Nhưng thật không may là Lầu Năm Góc đã gặp rất nhiều khó khăn khi đề xuất các cuộc điện đàm gặp mặt, đối thoại".
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Tướng Mark Milley, cùng với người đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Đô đốc John Aquilino – và các quan chức dân sự và quân sự khác – đã yêu cầu Bắc Kinh đối thoại, nhưng “những yêu cầu đó [đã] bị từ chối hoặc không được trả lời”, ông Ratner nói thêm.
Lần đề nghị đối thoại mới nhất là giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và người đồng cấp Trung Quốc Lý Thượng Phúc tại Diễn đàn Đối thoại Shangri-La ở Singapore sắp tới. Song phía Trung Quốc "đã không trả lời theo mọi phương án liên lạc".
Ông Ely Ratner giải thích: “Mỹ và Bộ Quốc phòng đã sẵn sàng giải quyết vấn đề giữa quân đội với quân đội, nhưng chúng tôi vẫn chưa có những đối tác sẵn sàng nhất quán về quan điểm đối thoại”.
Quan chức này nhấn mạnh, đối thoại giữa các quan chức quân sự của hai nước là rất quan trọng “để ngăn chặn nhận thức sai lầm và tính toán sai lầm cũng như ngăn chặn các cuộc khủng hoảng vượt khỏi tầm kiểm soát”.
Theo một báo cáo của Financial Times, hồi đầu tháng này, Bắc Kinh đã nói với Washington rằng “có rất ít cơ hội” để ông Lý Thượng Phúc ngồi lại với Lloyd Austin tại Singapore. Lý giải điều này, phía Bắc Kinh cho rằng, vấn đề liên quan đến các lệnh trừng phạt của Mỹ đã áp đặt lên ông Lý với cáo buộc mua vũ khí tiên tiến của Nga.
Vào năm 2018, chính phủ dưới thời của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp đặt biện pháp trừng phạt đối với ông Lý Thượng Phúc và Đơn vị Phát triển Trang bị của Quân ủy Trung ương Trung Quốc. Bộ phận này đã bị trừng phạt do việc mua sắm các sản phẩm từ Rosoboronexport, một công ty xuất khẩu vũ khí doanh nghiệp nhà nước của Nga, bao gồm cả máy bay chiến đấu Su-35 và hệ thống tên lửa đất đối không S-400.
Đến khi ông Lý lên giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Washington chưa từng bày tỏ quan điểm sẽ gỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với ông Lý.
Hai tuần trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller phủ nhận việc Nhà Trắng đang cân nhắc ý tưởng dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với ông Lý Thượng Phúc. Trong lần tới dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 ở Nhật Bản vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng lấp lửng về khả năng dỡ bỏ trừng phạt với ông Lý để xúc tiến cuộc gặp của hai lãnh đạo Bộ Quốc phòng.
Giải thích vấn đề này, ông Ely Ratner cho biết, lệnh trừng phạt nhằm vào ông Lý Thượng Phúc không cản trở các nỗ lực đối thoại với Mỹ của vị Bộ trưởng này bởi còn có nhiều cách khác để liên lạc. "Quả bóng đang ở trên sân của họ vào thời điểm này", ông Ratner khẳng định.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ và Trung Quốc đàm phán lần gần nhất tại hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ở Campuchia vào tháng 11/2022. Thời điểm đó, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc là Ngụy Phương Hòa. Ông Lý Thượng Phúc đã lên chức Bộ trưởng Quốc phòng từ tháng 3 năm nay. Từ đó đến nay ông Lý và người đồng cấp Mỹ chưa có cuộc gặp mặt trực tiếp nào.