Washington đã công bố danh sách đen vào hôm qua (12/1), gọi lệnh trừng phạt là một phần của “những nỗ lực không ngừng nhằm chống lại các chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.”
Theo Thứ trưởng về Khủng bố và Tình báo Tài chính Mỹ Brian Nelson, các lệnh trừng phạt nhắm vào việc Triều Tiên “tiếp tục sử dụng các đại diện ở nước ngoài để mua sắm vũ khí trái phép”.
Choe Myong Hon – một công dân Triều Tiên tại Vladivostok, Nga, bị cáo buộc cung cấp “thiết bị liên quan đến viễn thông” của Nga cho Viện Hàn lâm Khoa học Tự nhiên thứ Hai (SANS) bị Mỹ trừng phạt vào năm 2010.
4 người Triều Tiên tại Trung Quốc cũng bị trừng phạt vì bị cáo buộc mua sắm hợp kim thép, phần mềm, hóa chất và hàng hóa khác phục vụ chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng.
Một người tên là O Yong Ho ở Moscow bị trừng phạt cùng với Roman Anatolyevich Alar quốc tịch Nga và công ty Parsek LLC ở Moscow vì bị cáo buộc có “các hoạt động hoặc giao dịch góp phần quan trọng vào việc phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc các phương tiện vận chuyển chúng của Triều Tiên”.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết những hành động trên diễn ra sau 6 vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên kể từ tháng 9/2021. Trong đó, mỗi vụ đều vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Vụ phóng gần đây nhất diễn ra vào thứ 3 khi Bình Nhưỡng tuyên bố đã phóng thành công một tên lửa siêu vượt âm.
Theo lệnh trừng phạt, bất kỳ tài sản nào của các cá nhân được chỉ định trên nằm ở Mỹ sẽ bị tịch thu. Bất kỳ ai trên thế giới tham gia vào các giao dịch nhất địch với những cá nhân, tổ chức trên cũng có thể phải chịu lệnh trừng phạt của Mỹ - Bộ Tài chính nước này cho hay.