Mỹ thúc đẩy giáo dục STEM

GD&TĐ - Ngày 4/12, Nhà Trắng đã tổ chức lễ ra mắt chính thức một kế hoạch chiến lược 5 năm về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) với tên gọi Kế hoạch “sao Bắc Đẩu”, nhằm “vạch ra một chiến lược cho sự thành công của quốc gia”.

Tổng thống Donald Trump nói chuyện với học sinh trong buổi lễ ký kết một bản ghi nhớ của Tổng thống về giáo dục STEM vào năm 2017
Tổng thống Donald Trump nói chuyện với học sinh trong buổi lễ ký kết một bản ghi nhớ của Tổng thống về giáo dục STEM vào năm 2017

Mở ra cơ hội cho người học

Trước đó, tối 3/12, trong tuyên bố về Kế hoạch “sao Bắc Đẩu”, Nhà Trắng cho biết: “Kế hoạch này đại diện cho một lời kêu gọi hành động khẩn cấp vì một sự hợp tác trên toàn quốc với những người đi học, gia đình, nhà giáo dục, cộng đồng và người sử dụng lao động”.

Kế hoạch “sao Bắc Đẩu” nhắm vào ba mục tiêu cơ bản cần thúc đẩy về STEM: Giúp cho mọi người Mỹ nắm vững các khái niệm STEM cơ bản, như suy nghĩ tính toán, để đáp ứng với thay đổi công nghệ; Tăng khả năng tiếp cận STEM trong số các sinh viên chưa được tiếp cận trong quá trình học trước đây; Khuyến khích học sinh theo đuổi nghề STEM.

Các mục tiêu sẽ hướng dẫn đầu tư liên bang trong tương lai, Kế hoạch “sao Bắc Đẩu” nêu rõ. Kế hoạch này được phát triển bởi sự phối hợp giữa Ủy ban Hội đồng Khoa học và Công nghệ quốc gia về giáo dục STEM và Chính sách Khoa học và Công nghệ của Nhà Trắng.

“Chúng tôi cần sự lãnh đạo quốc gia để tham dự những thách thức này… Chúng ta phải tìm cách mới để đưa nhiều nước Mỹ vào STEM và giữ chúng ở đó” - France Cordova, Giám đốc Quỹ Khoa học quốc gia nêu rõ. Bà chính là người kêu gọi, thúc đẩy và kết nối việc xây dựng kế hoạch với sự tham gia của hàng chục tổ chức, lãnh đạo doanh nghiệp và các nhà giáo dục trên khắp nước Mỹ.

Kế hoạch “sao Bắc Đẩu” được đưa ra trong bối cảnh giáo dục STEM vấp phải nhiều hoài nghi ở Mỹ

Theo Nhà Trắng, kế hoạch sẽ yêu cầu tăng cường quan hệ đối tác giữa các trường học, doanh nghiệp, tổ chức phi lợi nhuận và những người khác để tận dụng các nguồn lực và chuyên môn trong lĩnh vực STEM. “Nó cũng có nghĩa là mở ra cơ hội cho người học dựa trên các kinh nghiệm thu được từ học tập, gây chú ý đối với người sử dụng lao động hay sẽ phục vụ tốt cho việc thực tập, học nghề và tăng kinh nghiệm cho khả năng nghiên cứu”, bản tóm tắt kế hoạch của Nhà Trắng nêu rõ.

Kế hoạch “sao Bắc Đẩu” cũng thúc giục các nhà giáo dục làm cho STEM “có ý nghĩa hơn và truyền cảm hứng hơn” thông qua những thứ như học dựa trên dự án, hội chợ khoa học, câu lạc bộ robot, thách thức sáng tạo và hội thảo trò chơi - bất cứ điều gì thúc đẩy học sinh xác định và giải quyết vấn đề bằng kiến thức từ các ngành khác nhau.

“Sẽ còn rất nhiều việc để làm”

Bên cạnh các yêu cầu cụ thể nêu trên, sáng kiến STEM của Nhà Trắng thông qua Kế hoạch “sao Bắc Đẩu” cũng tìm cách mở rộng việc sử dụng các nền tảng và thiết bị kỹ thuật số cho việc dạy và học, mà các quan chức chính phủ cho rằng sẽ giúp làm tăng khả năng truy cập, cho phép hướng dẫn cá nhân phù hợp với cách học tập của mỗi học sinh khác nhau và hướng tới sự tổng thể hơn.

“Những công cụ này (của STEM) có khả năng làm giảm khoảng cách thành tích trong các cơ sở giáo dục chính thức và nhằm vào mục tiêu cung cấp cho người học cơ hội tiếp thu kinh nghiệm hoặc nâng cao nhanh chóng khả năng tiếp cận các yêu cầu tại nơi làm việc”, Cordova nói.

Nhà Trắng không bình luận về số tiền mà họ đang tìm kiếm để phục vụ cho kế hoạch. Một quan chức cho biết Tổng thống Trump đã dự trù sẽ đưa gói kinh phí dành cho giáo dục STEM vào ngân sách chính phủ liên bang, dự kiến sẽ thông qua trong tháng 2/2019. Nhưng vị quan chức này không nói liệu gói kinh phí mới nhiều hơn gói mà chính phủ liên bang hiện đang cung cấp hay không. 

Đáng chú ý, đã có một số trở ngại gần đây về việc triển khai mô hình giáo dục STEM ở Mỹ, với việc các nhà hoạch định chính sách và các nhà giáo dục nhấn mạnh nó không phải là một “viên đạn bạc” (“silver bullet”, thứ tốt nhất để giết ma cà rồng hay ma sói, theo truyền thuyết phương Tây - ND). Tháng trước, các học sinh trung học ở thành phố New York đã tổ chức một buổi tuần hành để phản đối nền tảng học tập Summit, một chương trình học cá nhân trực tuyến dựa trên sáng kiến Chan Zuckerberg, một tổ chức từ thiện vì lợi nhuận được thành lập bởi Mark Zuckerberg và vợ, Priscilla Chan, tức hai vợ chồng nhà lãnh đạo Tập đoàn công nghệ Facebook. Trước đó nữa, vào tháng 6/2018, một khảo sát đã cho thấy sự quan tâm của học sinh nam đối với nghề nghiệp STEM cũng suy giảm rõ rệt so với khảo sát tương tự trong năm 2017.

Phần lớn những gì chính quyền Tổng thống Trump đang kêu gọi về thúc đẩy giáo dục STEM thực tế đã được tiến hành, cách này hay cách khác, trong một thời gian ở Mỹ. Lấy ví dụ, nhấn mạnh vào quan hệ đối tác chiến lược: Microsoft công bố hôm 3/12 về cam kết đầu tư 10 triệu đô la cho Code.org, một tổ chức phi lợi nhuận, nhằm giúp mang các kỹ năng máy tính đến các cộng đồng bị STEM bỏ quên, để đảm bảo đến năm 2020 mọi bang đều thông qua các chính sách mở rộng truy cập khoa học máy tính. Tuy nhiên, việc thúc đẩy triển khai mang tính quốc gia, với chủ trương chính thức của chính phủ, kế hoạch “sao Bắc Đẩu” là quy mô nhất.

Tất nhiên, thách thức vẫn sẽ rất lớn đang đợi phía trước để hoàn thành sứ mệnh của kế hoạch, với mục tiêu đặt ra cho thời hạn 5 năm tới, đó là việc thiếu giáo viên giảng dạy STEM ở THCS. Thừa nhận thách thức này cũng như nhiều vấn đề khác cần phải giải quyết, Jeff Weld, cố vấn chính sách cao cấp về giáo dục STEM tại Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ của Nhà Trắng cho biết: “Chúng tôi sẽ có nhu cầu cao cấp về các dịch vụ phát triển chuyên nghiệp. Sẽ còn rất nhiều việc để làm”.

Theo US.News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ