Mỹ tài trợ cho các trường đại học thế nào?

GD&TĐ - Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang cắt giảm mạnh mẽ ngân sách dành cho nghiên cứu.

Đại học Columbia, Mỹ đình trệ hoạt động vì bị cắt tài trợ.
Đại học Columbia, Mỹ đình trệ hoạt động vì bị cắt tài trợ.

Điều này khiến các trường đại học hàng đầu của Mỹ, vốn nổi tiếng với nguồn tài chính khổng lồ, đang đối mặt với phép thử nghiêm trọng về khả năng tự chủ và bền vững tài chính.

Từ thời kỳ Đại suy thoái và đặc biệt sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, chính phủ liên bang Mỹ đã đầu tư mạnh vào giáo dục đại học, xem đây là động lực phát triển kinh tế, công nghệ và quốc phòng.

Tính đến năm 2023, các trường cao đẳng và đại học Mỹ đã chi gần 109 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển, trong đó khoảng 60 tỷ USD (tương đương 55%) đến từ nguồn tài trợ của chính phủ liên bang.

Không giống các nước có hệ thống đại học quốc gia, cấp liên bang Mỹ không quản lý các trường đại học công lập. Thay vào đó, các tổ chức hoạt động độc lập, chủ yếu dựa vào một mạng lưới tài chính đa dạng, bao gồm học phí, từ thiện, các hoạt động phụ trợ và đặc biệt là quỹ tài trợ (endowment).

Trong số đó, quỹ tài trợ của Harvard nổi bật với quy mô lên tới 53,2 tỷ USD vào 2024, lớn hơn GDP của nhiều quốc gia nhỏ như Jordan hay Iceland. Các trường khác như Yale, Stanford, Princeton và MIT cũng sở hữu các quỹ từ 23,5 tỷ đến hơn 40 tỷ USD.

Tuy nhiên, các quỹ này, bao gồm tài trợ liên bang và quỹ đầu tư, không phải nguồn tiền linh hoạt. Khoảng 90% giá trị của chúng bị ràng buộc bởi các điều khoản từ nhà tài trợ, chỉ được sử dụng cho các mục đích xác định như học bổng hoặc nghiên cứu khoa học. Theo dữ liệu của Harvard, quỹ tài trợ của trường bao gồm hơn 14,6 nghìn khoản tài trợ cá nhân, mỗi khoản có điều kiện sử dụng riêng biệt.

Bên cạnh tài trợ liên bang và quỹ đầu tư, các trường đại học ưu tú cũng dựa vào quyên góp từ thiện và học phí. Các chiến dịch gây quỹ quy mô lớn có thể huy động hàng tỷ USD, nhưng phần lớn được dùng cho các mục tiêu dài hạn như đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng chương trình đào tạo hoặc trả lương cho các vị trí mới.

Mô hình tài trợ của các trường đại học ưu tú Mỹ có quy mô vượt trội so với phần còn lại của thế giới. Đơn cử, tổng giá trị tài trợ của Đại học Oxford, khi tính cả 43 trường cao đẳng trực thuộc, chỉ khoảng 11 tỷ USD, bằng 1/5 quy mô quỹ tài trợ của riêng Harvard.

Hay đại học Cambridge, một trong những tổ chức giáo dục lâu đời nhất châu Âu, có tổng tài sản ròng khoảng 2,62 tỷ bảng Anh nhưng chỉ tương đương mức tài sản của trường công lập tầm trung tại Mỹ.

Ngược lại, các trường đại học tại châu Âu hay Trung Quốc chủ yếu dựa vào ngân sách Nhà nước và chính sách trần học phí. Quỹ tài trợ thường rất hạn chế và vai trò của các chiến dịch từ thiện kém nổi bật hơn nhiều so với các trường Ivy League tại Mỹ.

Trong khi đó, học phí chỉ chiếm một phần ngân sách và là yếu tố nhạy cảm. Các trường đại học không thể tăng học phí tùy tiện do áp lực xã hội, chính phủ và nhu cầu đảm bảo tiếp cận giáo dục đại học cho sinh viên thuộc nhiều tầng lớp.

Các khoản thu phụ trợ như nhà ở, ăn uống hay dịch vụ giáo dục mở rộng chỉ đủ bù đắp chi phí vận hành, hiếm khi tạo ra dư thừa để đối phó với biến động lớn như cắt giảm ngân sách.

Việc chính quyền Trump cắt giảm hoặc đóng băng các khoản tài trợ nghiên cứu đang tạo ra hiệu ứng dây chuyền nghiêm trọng. Trường Y Harvard dự kiến sa thải nhân sự, đóng cửa một số nghiên cứu và đình chỉ các khoản hỗ trợ cho dự án khoa học.

Đại học Columbia đã ban hành lệnh đóng băng chi tiêu. Viện Y tế Quốc gia (NIH) có nguy cơ mất đến 40% ngân sách, đe dọa trực tiếp các chương trình phát triển vắc-xin, nghiên cứu ung thư và sức khỏe cộng đồng.

Không chỉ các trường đại học ưu tú, mà các tổ chức học thuật nhỏ hơn, các chương trình khoa học chuyên ngành và hệ sinh thái đổi mới địa phương đều có thể chịu ảnh hưởng.

Việc mất đi tài trợ nghiên cứu có thể làm gián đoạn mạng lưới hợp tác quốc tế, làm suy yếu nền tảng đổi mới quốc gia và tạo ra khoảng trống kéo dài trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Dù các trường đại học hàng đầu của Mỹ sở hữu hệ thống tài chính mạnh mẽ, nhưng thực tế cho thấy họ vẫn phụ thuộc đáng kể vào ngân sách liên bang cho hoạt động nghiên cứu. Những thay đổi trong chính sách tài trợ từ chính phủ không chỉ là vấn đề tài chính, mà còn là thách thức về tầm nhìn quốc gia đối với khoa học, giáo dục và tương lai cạnh tranh toàn cầu của Mỹ.

Theo DW

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Zelensky đã ‘mềm hóa’ như thế nào?

Ông Zelensky đã ‘mềm hóa’ như thế nào?

GD&TĐ - Tuyên bố của ông Zelensky đã mềm đi, từ ‘tôi không quan tâm đến điều này’, ‘tôi không có gì để nói với Putin’ đến ‘tôi đang đợi ông ấy ở Istanbul’.