Do rào cản ngôn ngữ và văn hóa?
Tại tất cả các trường ĐH ở Mỹ, một trong những điều SV phải thấm nhuần nhất là tránh xa việc đạo văn. Tuy nhiên, việc số lượng SV quốc tế không ngừng gia tăng, đã làm dấy lên những lo ngại mới về nạn đạo văn và làm sao để có thể đương đầu với hình thức gian lận này.
Tại Trường ĐH Minnesota, khoảng 85% các trường hợp đạo văn bị điều tra bắt nguồn từ các SV có ngôn ngữ mẹ đẻ không phải là tiếng Anh. Nghiên cứu tương tự từ các trường ĐH khác cũng chỉ ra rằng tỉ lệ SV quốc tế bị cáo buộc đạo văn nhiều gấp đôi SV bản địa; đồng thời họ cũng có xu hướng hiểu sai các phương pháp nhằm tránh vi phạm sự liêm chính trong học thuật. Sự khác biệt này có thể được liên tưởng đến các rào cản về ngôn ngữ và văn hóa.
Chiếm một nửa số lượng SV quốc tế ở Mỹ, những SV từ Ấn Độ và Trung Quốc thường gặp phải vấn đề chung là không hiểu rõ về khái niệm đạo văn, cũng như cách tránh sử dụng công trình của người khác. Theo Trung tâm Nghiên cứu GD WholeRen, trong 5 năm qua, tỉ lệ SV đến từ Trung Quốc bị buộc thôi học chỉ vì đạo văn hoặc không trung thực học thuật tăng dần qua mỗi năm, đạt tới con số 33,5% vào năm 2017
Nghiên cứu cũng không loại trừ yếu tố cần cân nhắc về thống kê đạo văn là SV Mỹ có thể giỏi hơn các SV quốc tế khác trong việc tránh bị phát hiện khi sao chép công trình của người khác. Về mặt văn hóa, SV quốc tế có thể đến từ các quốc gia mà việc sử dụng từ ngữ hoặc ý tưởng của người khác không bị coi là đáng phải trừng phạt, bởi văn hóa ở đó cho rằng các công trình cá nhân cũng là các công trình chung. Vì vậy, những SV này không coi trọng lắm việc phải chỉ ra nguồn gốc trích dẫn.
Cũng chính vì sự khác biệt trong quan niệm như vậy, nhiều SV quốc tế giai đoạn đầu đến Mỹ phải vật lộn chỉ để thích nghi với một hệ thống thận trọng và nghiêm khắc hơn trong việc sử dụng công trình của tác giả khác.
Các trường ĐH hành động
Bên cạnh các yếu tố khách quan, các nhà GD và giới nghiên cứu cũng đã chỉ ra áp lực của đào tạo ĐH là một nhân tố góp phần vào tỉ lệ đạo văn gia tăng. Đặc biệt với các SV quốc tế, áp lực về mội trường mới, ngôn ngữ mới, hệ thống đào tạo mới, khiến các tài liệu GD về đạo văn và hướng dẫn học thuật trở lên thiết yếu đối với bất kỳ trường ĐH nào mong muốn hỗ trợ họ.
Nhận thức được điều này, các trường ĐH ở Mỹ đang đẩy mạnh nỗ lực để giải quyết vấn đề thiếu hiểu biết liên quan đến tiêu chuẩn liêm chính học thuật. Các trung tâm dạy viết, các hội thảo bắt buộc và các nguồn lực khác đã trở thành trọng tâm cho các trường, trong việc cố gắng trang bị cho SV quốc tế tương lai của họ kiến thức về vấn đề này. Thậm chí các trường như Western Kentucky University và Columbia University đã yêu cầu SV sắp nhập học phải tham dự hội thảo về liêm chính học thuật.
Các nhà GD phát hiện ra rằng động lực lớn nhất để SV có cái nhìn nghiêm túc về vấn đề đạo văn chỉ xuất hiện sau khi họ nhận được điểm kém hoặc bị cáo buộc đạo văn và được gửi đến trung tâm dạy viết của trường.