Bởi vậy, nhiều người kì vọng, dịp lễ Độc lập (4/7) năm nay sẽ là cơ hội để tìm lại cảm giác xả hơi, gác lại những bất đồng, tranh cãi về chính trị, tôn giáo để tham gia diễu hành, tiệc tùng và ngắm các màn trình diễn pháo hoa, tôn vinh tinh thần đoàn kết.
Thế nhưng, các vụ nổ súng liên tiếp vào đúng ngày này nhằm vào thường dân và cảnh sát đã đẩy nước Mỹ vào bầu không khí ảm đạm.
Vụ đẫm máu nhất xảy ra trên đường phố Highland Park, ngoại ô Chicago, khi đám đông đang diễu hành mừng ngày quốc khánh. Theo cảnh sát, hung thủ đã nổ súng từ tầng thượng của một tòa nhà gần đó, bắn chết 6 người và làm bị thương hơn 30 người khác, vứt lại vũ khí và bỏ trốn. Không lâu sau, cảnh sát đã bắt giữ Robert E. Crimo III, 22 tuổi với tư cách là nghi phạm của vụ xả súng nói trên.
Theo tờ New York Times, trước đó chưa đầy 12 tiếng, 5 người đã bị thương trong một vụ xả súng khác ở khu South Side của Chicago. Chỉ vài giờ sau vụ này, một vụ nổ súng khác đã xảy ra ở Philadelphia khi hàng nghìn người đang dự buổi hòa nhạc và đón xem trình diễn pháo hoa. Hai cảnh sát đã bị thương trong vụ tấn công này.
Vẫn theo New York Times, chỉ trong hôm 4/7, đã có 4 vụ xả súng xảy ra tại Mỹ. Ngoài hai vụ xả súng ở Chicago, một vụ xả súng khác ở thành phố Kansas, bang Missouri làm 2 người chết và 4 người bị thương. Một vụ xả súng khác tại thành phố Richmond, Virginia cũng đã khiến một người chết và làm bị thương nhiều người.
Theo dữ liệu của Gun Violence Archive, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên theo dõi bạo lực liên quan đến súng ở nước Mỹ, từ đầu năm đến nay, có hơn 21 nghìn người thiệt mạng do súng đạn gây ra trên khắp nước Mỹ.
Tổ chức này ghi nhận, ít nhất 309 vụ xả súng hàng loạt trong năm nay trên toàn nước Mỹ. Một vụ việc được xác định là xả súng hàng loạt khi khiến ít nhất 4 người thiệt mạng hoặc bị thương.
Lý giải tình trạng nhiều vụ xả súng xảy ra ở Mỹ có nhiều ý kiến. Một số người cho rằng, nguyên nhân là do tình trạng bạo lực hoặc nạn phân biệt chủng tộc sâu sắc, hay vấn đề sức khỏe tâm thần của người dân không được quan tâm đúng mức.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhiều nước trên thế giới cũng ghi nhận những tình trạng tương tự, nhưng không dẫn đến các vụ xả súng hàng loạt như ở Mỹ.
Nguyên nhân được chấp nhận nhiều hơn cả là do ở Mỹ có số lượng súng khổng lồ và người dân có thể sở hữu dễ dàng. Kết quả một cuộc điều tra, công bố năm 2015 của Giáo sư Adam Lankford thuộc Đại học Alabama, là một minh chứng cho lý giải này.
Theo đó, Mỹ chiếm khoảng 4,4% dân số toàn cầu, nhưng sở hữu 42% số súng trên thế giới. Từ năm 1966 đến 2012, khoảng 31% hung thủ xả súng trên thế giới là người Mỹ.
“Yếu tố lớn nhất để lý giải cho điều này là súng ở Mỹ rất dễ dàng tiếp cận, ngay cả với những người có nguy cơ cao”, Giáo sư Lankford nói và nhận định thêm rằng, khả năng người Mỹ bị giết trong một vụ xả súng ở nơi làm việc hoặc trường học còn cao hơn nguy cơ trúng đạn gần các căn cứ quân sự ở nước ngoài.