Mỹ “nghiêm túc” với nguy cơ chiến tranh Triều Tiên?

GD&TĐ - Quân đội Mỹ đang tiến hành huấn luyện “rất nghiêm túc” cho một cuộc xung đột có thể xảy ra với Triều Tiên, ông Mac Thornberry, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, phát biểu hôm 17/1, dù ông nói ông hy vọng sự chuẩn bị như vậy sẽ không bao giờ được đem ra sử dụng.

Mỹ “nghiêm túc” với nguy cơ chiến tranh Triều Tiên?

Xem xét nghiêm túc mọi lựa chọn

Ông Mac Thornberry cho biết, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang nghiên cứu kỹ lưỡng các lựa chọn của mình - bao gồm xung đột vũ trang. “Chính quyền đang xem xét rất nghiêm túc sự lựa chọn quân sự sẽ bao gồm những gì khi nói tới Triều Tiên”, ông Thornberry nói với một nhóm các phóng viên.

Những nỗ lực huấn luyện đang diễn ra “rất nghiêm túc” - nhà lập pháp hàng đầu của Đảng Cộng hòa nói thêm - “Quân đội đang chuẩn bị và hy vọng sẽ không cần tới những sự chuẩn bị này”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đã nhiều lần nhấn mạnh rằng các nỗ lực để giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên cần được dẫn đầu bằng ngoại giao, dù ông nói rằng Lầu Năm Góc luôn có kế hoạch cho bất kỳ tình huống nào.

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và giữa Bình Nhưỡng và Washington đã trở nên trầm trọng trong những tháng qua, sau khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un liên tục bắn thử tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và vươn tới Mỹ. Trong năm 2017, ông Kim Jong-un cũng cho tiến hành vụ hạt nhân mạnh nhất của Triều Tiên tính tới thời điểm này.

Mỹ và các nước đồng minh luôn cáo buộc lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã từ chối từ bỏ tham vọng phát triển các phi đạn hạt nhân có khả năng tấn công tới Mỹ bất chấp các chế tài ngày càng nghiêm khắc của Liên Hiệp Quốc, làm tăng mối lo ngại về một cuộc chiến tranh mới trên bán đảo Triều Tiên.

Mặc dù quân đội Mỹ thường xuyên diễn tập trên bán đảo Triều Tiên với đồng minh Hàn Quốc, báo The New York Times hôm 14/1 đưa tin một loạt các cuộc tập trận ở Mỹ cho thấy một sự tập trung mới vào việc chuẩn bị quân đội cho một cuộc xung đột với Triều Tiên.

Thực thi nghiêm chế tài trừng phạt

Liên quan đến vấn đề Triều Tiên, hôm 16/1, một cuộc họp do Mỹ và Canada đồng tổ chức đã diễn ra ở Vancouver để thảo luận các cách thức nhằm tăng áp lực lên Bình Nhưỡng, 20 quốc gia tham dự cuộc họp đã đồng ý cứu xét các biện pháp chế tài cứng rắn hơn để gây áp lực buộc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cảnh báo Bình Nhưỡng rằng họ có thể khơi ra một phản ứng quân sự nếu không chọn đàm phán.

Cuộc họp gồm các nước ủng hộ Hàn Quốc trong Chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953 cũng cam kết sẽ hỗ trợ đối thoại mới giữa hai miền Triều Tiên với hy vọng giảm thiểu căng thẳng và nhất trí rằng một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng vừa cần thiết vừa khả dĩ.

“Phương sách của chúng tôi là đưa ra cho họ những lựa chọn tốt nhất - những cuộc đàm phán là lựa chọn tốt nhất” - Ngoại trưởng Tillerson nói tại cuộc họ - “Khi họ nhìn vào tình hình quân sự thì đó không phải là một kết cục tốt đẹp cho họ… Đã đến lúc đàm phán, nhưng họ phải thực hiện bước đi cho thấy họ muốn đàm phán”.

Cuộc họp ở Vancouver cam kết bảo đảm các chế tài của Liên Hiệp Quốc đã được ban hành sẽ được thi hành đầy đủ và các bên tham gia nói trong một tuyên bố chung rằng họ nhất trí “xem xét và thực hiện các bước để áp đặt các chế tài đơn phương và các hành động ngoại giao vượt ra ngoài những yêu cầu của các nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc”.

Dù các nước không đưa ra thêm chi tiết, nhưng ông Tillerson nói tất cả các quốc gia cần phải hợp tác để cải thiện việc ngăn chặn những hoạt động tìm cách né tránh chế tài (chẳng hạn các tàu bán dầu lậu trên biển cho Triều Tiên) và nói rằng phải có “hậu quả mới” cho Triều Tiên “bất cứ khi nào có hành động gây hấn mới”.

Ngoại trưởng Mỹ cũng tuyên bố cuộc họp nhất trí rằng Trung Quốc và Nga, những nước không tham dự các cuộc hội đàm ở Vancouver, phải thi hành đầy đủ các chế tài của Liên Hiệp Quốc.

Các quan chức Mỹ cho biết việc thảo luận về một lựa chọn tấn công quân sự đã mất đi ít nhiều đà tiến kể từ khi Triều Tiên và Hàn Quốc tổ chức cuộc hội đàm chính thức lần đầu tiên trong hai năm qua trong tháng này và Bình Nhưỡng cho biết, họ sẽ gửi các vận động viên đến đến Thế vận hội mùa Đông mà Hàn Quốc sẽ tổ chức vào tháng sau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ