Mỹ mời Trung Quốc góp mặt tập trận hải quân

Trung Quốc sẽ lần đầu tiên góp mặt vào cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới RIMPAC diễn ra cuối tháng này, một cơ hội giúp xoa dịu mối quan hệ đang căng thẳng với Mỹ. 

Các tàu chiến tham gia tập trận RIMPAC 2012. Ảnh: maritime security
Các tàu chiến tham gia tập trận RIMPAC 2012. Ảnh: maritime security

Theo People"s Daily, Trung Quốc sẽ tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương RIMPAC 2014 do Mỹ dẫn đầu với 4 tàu, trong đó có tàu khu trục Hải khẩu mà nước này tự đóng. Lực lượng Trung Quốc sẽ chủ yếu tham gia vào hoạt động diễn tập đối phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống.

"Lực lượng đặc nhiệm Trung Quốc, với các tàu lớn hiện đại thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, thể hiện sự thiện chí và chân thành của Bắc Kinh đối với cuộc tập trận", ông Zhang Junshe, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Hải quân Trung Quốc, nói.

RIMPAC 2014 diễn ra từ ngày 26/6 đến 1/8 ở Hawaii với chủ đề "Năng lực, Thích ứng, Đối tác". Cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới liên quan đến 47 tàu, 6 tàu ngầm, hơn 200 máy bay và 25.000 binh sĩ từ 23 quốc gia. Các nội dung diễn tập bao gồm đổ bộ, phòng không, chống ngầm, chống cướp biển, rà phá mìn, xử lý vật liệu nổ, lặn và cứu hộ.

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc được Mỹ mời tham dự diễn tập kể từ lần đầu tổ chức năm 1971. Bắc Kinh từng góp mặt vào RIMPAC ở vị trí quan sát viên hồi những năm 1990.

Sự tham gia lần này của Trung Quốc được các chuyên gia nước này xem là cơ hội để làm mềm mối quan hệ căng thẳng với Mỹ thời gian gần đây. Chỉ vài ngày trước, tại hội nghị an ninh châu Á, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel lên án Trung Quốc hành động đơn phương, gây bất ổn trên Biển Đông. Mỹ cũng cam kết ủng hộ đồng minh Nhật Bản trong tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. 

Đáp lại, Trung Quốc chỉ trích cáo buộc của Mỹ "đầy tính bá quyền, hăm dọa". Bắc Kinh còn cho rằng Mỹ và Nhật liên kết với nhau để công kích Trung Quốc và hành động này là "không thể tưởng tượng được".

"Trong cuộc tập trận này và nhiều cuộc tập trận chung về sau, Trung Quốc và Mỹ nên học hỏi lẫn nhau thay vì xem nhau như những đối thủ. Trao đổi có thể giúp tránh những sai lầm", Xu Qiyu, một nhà nghiên cứu đại học Quốc phòng Trung Quốc, nói.

Trung Quốc và Mỹ vẫn duy trì các trao đổi quân sự thường xuyên kể từ khi lãnh đạo hai bên tuyên bố thúc đẩy quan hệ trong cuộc gặp ở California năm ngoái. Số cuộc tập trận chung giữa hai nước cũng tăng lên trong những năm qua.

Hồi tháng 4, trong chuyến thăm Trung Quốc, ông Hagel nhất trí Bắc Kinh và Washington sẽ đẩy mạnh các tương tác ở châu Á-Thái Bình Dương.

Theo VnExpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhóm tác giả nghiên cứu bột vỏ sầu riêng làm thức ăn cho vịt giúp nâng cao năng suất và chất lượng vật nuôi.

Vỏ sầu riêng làm thức ăn cho vịt

GD&TĐ - Thức ăn hữu cơ từ bột vỏ sầu riêng lên men giúp vịt mau lớn, tăng sức đề kháng là sản phẩm của nhóm HS Trường THPT Huỳnh Tấn Phát (Bình Đại, Bến Tre).