"Các nước châu Á không được phép lặp lại kịch bản Ukraine trong bối cảnh Mỹ đang thực hiện cái gọi là chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", Ngoại trưởng Trung Quốc Qin Gang (Tần Cương) cho biết điều này trong cuộc họp báo thường niên.
Ông Qin Gang tin rằng Washington đang thúc đẩy việc hình thành các khối xung đột trong khu vực, điều này sẽ dẫn đến việc tạo ra một phiên bản NATO ở châu Á và cắt đứt quan hệ giữa những quốc gia tại đây.
“Khu vực châu Á - Thái Bình Dương của chúng ta sẽ trở thành môi trường cho sự hợp tác cùng có lợi. Chúng tôi không thể cho phép cuộc khủng hoảng Ukraine lặp lại ở châu Á", Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh.
Trong cuộc trò chuyện với tờ PolitExpert (PE), ông Vasily Kashin - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu toàn diện về châu Âu và quốc tế, trực thuộc Trường Đại học Kinh tế Nga đã đưa ra một số nhận định đáng quan tâm.
Theo vị chuyên gia, Washington và NATO đang nỗ lực quân sự hóa khu vực châu Á - Thái Bình Dương, họ mơ về vai trò lãnh đạo tại địa bàn chiến lược này và cố gắng cạnh tranh với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á bằng cách lôi kéo New Zealand, Canada và Nhật Bản vào khối AUKUS.
“Có một xu hướng như vậy, nó đã bắt đầu từ trước chiến dịch quân sự đặc biệt. Mỹ đang cố gắng tạo lập trên cơ sở các liên minh song phương mà họ có trong khu vực (chủ yếu với Nhật Bản và Hàn Quốc) để cho ra đời một liên minh đa phương với nghĩa vụ rõ ràng của các bên, nhằm hỗ trợ nhau tại châu Á".
"Điều này cũng bao gồm sự tham gia của các nước NATO tại châu Âu, sự gia tăng hoạt động và mở rộng vai trò đối với những đồng minh chủ chốt của Mỹ ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia. Họ đang nỗ lực vận động để Ấn Độ tham gia khối này, điều đó gây lo ngại nghiêm trọng cho Trung Quốc”, nhà khoa học chính trị người Nga nhấn mạnh.
Mỹ được cho là có kế hoạch tái sinh Khối ANZUS nhằm kiềm chế Trung Quốc. |
Bản kế hoạch trên có thể được gọi là sự tái sinh của ANZUS - Hiệp ước phòng thủ chung được ký kết vào năm 1951 bởi Australia, New Zealand và Mỹ nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Liên Xô và gia tăng vai trò của Hoa Kỳ trong khu vực Thái Bình Dương.
Thời thế có thay đổi nhưng các mục tiêu vẫn như cũ: Nhà Trắng vẫn đang cạnh tranh với hai đối thủ chính là Nga và Trung Quốc, họ cần mở rộng danh sách những người ủng hộ.
“ANZUS vẫn tồn tại, nó chỉ được khoác lớp áo mới, Mỹ muốn tạo ra một liên minh đa phương hùng mạnh, với chính sách đối ngoại của Trung Quốc, hướng đi chính là chống lại quá trình này”, ông Kashin giải thích.
Nhà khoa học chính trị người Nga kết luận: “Mối liên hệ ngoại giao giữa NATO và các nước châu Á đang gia tăng. Nhiệm vụ là dài hạn, nó sẽ được thực hiện ngay cả sau khi kết thúc giai đoạn chiến sự ở Ukraine".
"Trung Quốc đang cố gắng sử dụng ảnh hưởng kinh tế của mình đối với các quốc gia châu Âu và châu Á để đảo ngược việc thành lập một liên minh quân sự lớn của Mỹ trong khu vực”.