Trong cuộc họp giao ban của Bộ Ngoại giao Mỹ hồi đầu tuần này, phát ngôn viên Vedant Patel đã đưa ra tuyên bố về khả năng Washington áp đặt trừng phạt Ấn Độ liên quan đến việc cùng vận hành cảng Chabahar với Iran.
Ông Patel cho biết: “Chúng tôi biết về những báo cáo rằng Iran và Ấn Độ đã ký một thỏa thuận liên quan đến Cảng Chabahar”.
“Bất kỳ thực thể nào, bất kỳ ai đang xem xét các giao dịch kinh doanh với Iran, họ cần phải nhận thức được rủi ro tiềm ẩn mà họ đang phải đối mặt, đó là nguy cơ bị trừng phạt.”
Người phát ngôn Mỹ cho biết các lệnh trừng phạt do Washington áp đặt đối với Tehran sẽ có hiệu lực và được duy trì mà không có sự miễn trừ nào đối với New Delhi.
Ấn Độ chưa đáp trả những lời đe dọa của Mỹ, nhưng Tehran cho rằng Washington “nghiện” áp đặt các biện pháp trừng phạt.
Trước tuyên bố này, Tiến sĩ Mohammad Marandi, giáo sư văn học Anh và Đông phương học tại Đại học Tehran nhận định rằng, Mỹ có thể làm tổn thương chính mình khi liên tục nhắc đến các lệnh trừng phạt.
Chuyên gia Ấn Độ bình luận: "Mỹ từ lâu đã vượt qua ngưỡng mà các nước sẽ chấp nhận liên quan đến việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quốc gia và thực thể khác nhau.
Mỹ đang cố gắng đưa ra các điều khoản với Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Brazil, Iran, Nam Phi.
Họ càng tạo ra nhiều thù địch và phần còn lại của thế giới càng có động lực lớn hơn để tạo ra các tổ chức tài chính và phương tiện kinh doanh thương mại không bị Mỹ kiểm soát.”
“Về lâu dài, Mỹ đang tự làm tổn thương chính mình hơn bất kỳ ai khác, bởi vì một khi đồng USD trở nên kém quan trọng hơn, điều đó có nghĩa là sẽ có tình trạng dư thừa USD và xảy ra lạm phát mà như chúng ta đang thấy ở Mỹ” ông nói thêm.
Giáo sư Marandi cho rằng, Mỹ và châu Âu đang tiến tới chế độ chuyên quyền lớn hơn, đồng thời, có một sự thức tỉnh trên khắp thế giới rằng: Mỹ và châu Âu không có quyền kiểm soát các sự kiện ngoài lãnh thổ của họ.
Nga và Trung Quốc, Iran đang tiến gần đến xu thế phối hợp để tạo ra hướng đi mới ở hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và Hội nghị thượng đỉnh BRICS tiếp theo.
Ông cho rằng, trong thời điểm này thì hành động Mỹ muốn "tấn công" Ấn Độ, thực sự là không khôn ngoan.
Bộ vận tải biển Ấn Độ đầu tuần này đã công bố thỏa thuận trị giá 370 triệu USD giữa Công ty TNHH Cảng toàn cầu Ấn Độ (IPGL) và Tổ chức Cảng và Hàng hải (PMO) của Iran.
Ấn Độ lần đầu tiên ký thỏa thuận phát triển cảng vào năm 2016, nhưng quá trình này đã bị đình trệ trong hai năm do các lệnh trừng phạt của Mỹ được áp dụng lại sau khi Washington đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran.
Trong vòng 3 năm, Mỹ đã áp đặt hơn 600 lệnh trừng phạt lên Iran.
Năm 2018, Ấn Độ đồng ý tiếp quản hoạt động của cảng, cho phép mở tuyến trung chuyển cho hàng hóa Ấn Độ đến Afghanistan và Trung Á đồng thời tránh tuyến đường bộ qua Pakistan.
Cho đến nay, tổng cộng 2,5 triệu tấn lúa mì và 2.000 tấn đậu đã được vận chuyển thành công từ Ấn Độ đến Afghanistan qua cảng.
Theo Sputnik