Theo các chuyên gia Úc, Mỹ đã đánh mất các lợi thế ở khu vực phía tây Thái Bình Dương và không còn khả năng chống lại Trung Quốc – quốc gia đang liên tục tăng cường sự hiện diện quân sự tại khu vực này. Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân của sự mất ưu thế này là cuộc khủng hoảng tài chính, phát sinh do "sự chậm trễ thường xuyên và biến động thất thường các quỹ của Mỹ".
“Chiến lược quốc phòng của Mỹ ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đang trải qua một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Đây là một cuộc khủng hoảng phát sinh từ sự không phù hợp giữa các mục tiêu chiến lược của Washington và các quỹ hiện có”, các chuyên gia cho biết.
Chính vì điều này, Lầu Năm Góc không có cơ hội tăng quy mô quân đội và mua sắm những vũ khí mới. Việc hủy bỏ và trì hoãn các chương trình quân sự đã dẫn đến sự chậm trễ trong việc hiện đại hóa lực lượng vũ trang.
Ngoài ra, theo các chuyên gia Úc, nguyên nhân của những thiếu hụt tài chính còn là do Mỹ đã liên tục tham gia vào các cuộc xung đột quân sự ở Trung Đông. Những xung đột này đã kéo dài hơn 20 năm, làm ảnh hưởng tới nguồn kinh phí mà Mỹ dự định đầu tư cho việc "đối đầu với các siêu cường".
Liên quan đến việc mất ưu thế của Mỹ ở phía tây Thái Bình Dương, các chuyên gia kêu gọi Washington, cũng như các đồng minh của Mỹ, cụ thể là Nhật Bản và Úc, điều chỉnh lại ngân sách quân sự để chống lại sức mạnh đang ngày một gia tăng của Trung Quốc tại khu vực này.
Theo báo cáo, các lực lượng vũ trang Trung Quốc đã triển khai khoảng 1.500 tên lửa đạn đạo tầm ngắn, 450 tên lửa tầm trung, hàng trăm tên lửa hành trình tầm xa và hiện vẫn đang tiếp tục tăng cường các lực lượng quân sự tại khu vực phía tây Thái Bình Dương.
Trước đó, Lầu Năm Góc tuyên bố rằng họ có ý định đặt các bệ phóng tên lửa tầm trung ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương để chống lại các kế hoạch quân sự đe dọa an ninh khu vực của Trung Quốc.