Mỹ cố sửa vết nứt lớn trong hệ thống toàn cầu

GD&TĐ -Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan tuyên bố, Mỹ đề nghị tuân thủ Hiệp ước New START cho đến năm 2026 nếu Nga cũng làm như vậy.

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan
Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan

Trong bài phát biểu trước nhóm vận động Hiệp hội kiểm soát vũ khí, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan tuyên bố, Mỹ đề nghị tuân thủ Hiệp ước New START cho đến năm 2026 nếu Nga cũng làm như vậy.

Theo ông Sullivan, Washington sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí với Moscow, bao gồm cả việc thay thế hiệp ước New START bằng một hiệp ước mới.

Theo lời ông Sullivan, Mỹ đang cố gắng sửa chữa "những vết nứt lớn trong hệ thống toàn cầu được thiết kế để ngăn chặn chiến tranh hạt nhân đã tồn tại hàng thập kỷ".

Washington sẵn sàng đối thoại kiểm soát vũ khí với Nga và Trung Quốc mà không cần điều kiện. Tuy nhiên, ông Sullivan cũng cẩn trọng nhắc nhở rằng, dù không cần điều kiện nhưng các quốc gia hạt nhân sẽ vẫn cần phải chịu trách nhiệm giải trình về việc tuân thủ các hiệp ước về hạt nhân và vũ khí hạt nhân.

"Không có điều kiện tiên quyết không có nghĩa là không có trách nhiệm giải trình, các cường quốc hạt nhân sẽ vẫn phải chịu trách nhiệm. Đối với hành vi liều lĩnh, chúng tôi vẫn sẽ buộc các đối thủ và đối thủ cạnh tranh của mình phải chịu trách nhiệm về việc tuân thủ các thỏa thuận hạt nhân" - ông Sullivan nhấn mạnh.

Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel trước đó cho biết chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tin rằng Moscow vẫn tôn trọng các giới hạn đối với vũ khí chiến lược được đặt ra trong hiệp ước với Washington.

Cả Nga và Trung Quốc hiện đều không có động thái thảo luận với phía Mỹ về vấn đề này.

Ngày 21/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Moscow tạm ngừng tham gia Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) nhưng không rút khỏi hiệp ước này.

Tổng thống Nga nhấn mạnh rằng trước khi quay lại cuộc thảo luận về việc gia hạn New START, phía Nga muốn hiểu hiệp ước sẽ tính đến cách thức không chỉ kho vũ khí của Mỹ trên đất Mỹ mà còn được tính cả kho dự trữ của Mỹ đặt tại các cường quốc hạt nhân NATO khác, cụ thể là Vương quốc Anh và Pháp.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký luật đình chỉ sự tham gia của Nga vào New START vào ngày 1 tháng 3.

Trong tuần này, Mỹ cũng thực hiện ngừng cung cấp dữ liệu về vũ khí hạt nhân cho Nga theo các điều khoản của hiệp ước New START.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ cũng sẽ ngừng cung cấp cho Nga thông tin từ xa - dữ liệu được thu thập từ xa về đường bay của tên lửa - về các vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm của Mỹ.

Được ký vào năm 2010 và sẽ hết hạn vào năm 2026, hiệp ước New START giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược mà các nước có thể triển khai.

Theo các điều khoản, Moscow và Washington có thể triển khai không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân chiến lược và giới hạn 700 tên lửa mà máy bay ném bom trên đất liền và trên tàu ngầm được dùng để mang chúng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ