Mỹ cắt giảm các nguồn lực của Triều Tiên

GD&TĐ - Trong chuyến thăm Myanmar của đại sứ Mỹ Joseph Yun vừa qua, ông đã cố gắng thuyết phục một đối tác quân sự lâu năm của Bình Nhưỡng tham gia cùng các nỗ lực của Mỹ trong việc hạn chế chương trình hạt nhân của Kim Jong Un.

Ông Joseph Yun (phải), đại diện của Mỹ trong các vấn đề chính sách Triều Tiên, ở Tokyo hồi tháng 4/2017
Ông Joseph Yun (phải), đại diện của Mỹ trong các vấn đề chính sách Triều Tiên, ở Tokyo hồi tháng 4/2017

Chuyến đi biểu tượng

Đây là một nhiệm vụ khó khăn đối với người từng là trọng tâm chú ý của giới truyền thông trong chiến dịch đòi Triều Tiên trả tự do cho công dân Mỹ Otto Wrambier. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, chuyến đi của ông mang tính biểu tượng cho chiến thuật then chốt của chính phủ ông Trump: Cắt giảm nguồn thu của Triều Tiên, bất kể nguồn vốn lớn hay nhỏ.

Điểm dừng chân đầu tiên của ông Yun là ở Singapore, khi ông tham gia Đối thoại hợp tác Đông Nam Á - một diễn đàn thảo luận các vấn đề an ninh. Ngoài nhiệm vụ chính khá rõ ràng này, rất có thể đằng sau chuyến đi còn ẩn chứa một mục đích khác, bởi trong nhiều năm gần đây, các doanh nghiệp có trụ sở ở Singapore bị chỉ trích đã giúp đỡ Triều Tiên tránh lệnh trừng phạt.

Nhộn nhịp chợ vũ khí

Trước cuộc bầu cử năm 2015, quân đội junta, vốn điều hành Myanmar trước đó, được cho là một trong những đối tác lớn nhất của Triều Tiên trong việc mua vũ khí và công nghệ chiến tranh. Số tiền thu được được cho là để tài trợ cho các chương trình vũ khí cùng lối sống xa hoa của các gia đình tinh hoa Triều Tiên.

Mặc dù không còn nắm trọn vẹn quyền lực trong tay, nhưng quân đội Myanmar vẫn có ảnh hưởng đáng kể và được cho là có mối quan hệ chặt chẽ với Triều Tiên những năm gần đây.

Anthony Ruggiero, cựu Phó Giám đốc Bộ Tài chính Mỹ, đồng thời là một chuyên gia trong lĩnh vực sử dụng các biện pháp tài chính như một thứ “vũ khí” cho biết: “Ít nhất là ông ấy sẽ đến đó để nhắc nhở rằng nước Mỹ đang theo dõi”.

Việc cắt giảm các nguồn thu nhập bất hợp pháp của Triều Tiên ngày càng trở nên quan trọng hơn sau các thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa của nước này gần đây.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng đã tăng cường các nỗ lực của Mỹ trong việc giám sát các quốc gia vi phạm luật pháp quốc tế trong các hoạt động với Bình Nhưỡng. Theo ông Tillerson: “Bất kỳ quốc gia nào cung cấp bất kỳ lợi ích kinh tế hay quân sự nào cho Triều Tiên, hoặc không thực hiện đầy đủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, cũng là đang giúp đỡ và thúc đẩy một chế độ nguy hiểm”. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mukuchin cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ cắt giảm các nguồn tiền của Triều Tiên cho đến khi họ hành xử đúng đắn hơn”.

Súng ống và tên lửa

Nhiều công ty ở cả Singapore và Myanmar bị chỉ trích về việc mua hoặc bán vũ khí với Triều Tiên. Một báo cáo gần đây của Liên Hiệp Quốc cáo buộc một công ty tên là Pan Systems Bình Nhưỡng đã sử dụng một mạng lưới các đại lý, công ty và ngân hàng nước ngoài ở Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Singapore và Trung Đông để “vượt rào” lệnh trừng phạt để mua bán các vật liệu liên quan đến vũ khí.

Một đại diện của công ty này ở Singapore phủ nhận bất kỳ mối liên lạc nào của công ty này đối với chi nhánh của công ty ở Bình Nhưỡng. “Họ sử dụng tên của công ty và nói rằng đó là một công ty nước ngoài, nhưng họ tự điều hành tất cả”, Giám đốc quản lý của Pan Systems Louis Low cho biết.

Một vụ việc đáng ghi nhận nữa diễn ra năm 2014, khi Công ty Chinpo Shipping có đăng ký tại Singapore bị cáo buộc vì đã thực hiện các giao dịch với Công ty Quản lý Hàng hải đại dương Triều Tiên - một công ty vốn là mục tiêu của lệnh trừng phạt quốc tế. Sau đó, Công ty Chinpo đã phải chịu các khoản phạt do những vi phạm này.

Những năm gần đây, Myanmar cũng bị chỉ trích đã mua công nghệ tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Trước cuộc bầu cử dẫn đến sự “lên ngôi” của nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi, quân đội của nước này cũng được coi như đồng minh chủ chốt của Triều Tiên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ