Câu trả lời của Mỹ với Triều Tiên

GD&TĐ - Cơ quan Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố hệ thống phòng thủ tên lửa (THAAD) của nước này đã thành công trong việc chặn đứng một tên lửa tấn công được bắn thử nghiệm. Đây được coi như câu trả lời của Hoa Kỳ trước những kết quả mới nhất về công nghệ tên lửa tầm xa của Triều Tiên.

Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD sẽ bảo đảm an toàn cho nước Mỹ?
Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD sẽ bảo đảm an toàn cho nước Mỹ?

Bảo đảm an ninh cho nước Mỹ

Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao THAAD đã bắn hạ một mục tiêu được bắn nhằm vào Alaska. “Tôi không thể tự hào hơn về chính phủ và đội ngũ nhà thầu đã thực hiện thử nghiệm này”, tướng Sam Greaves - phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ - tuyên bố. “Thử nghiệm này chứng minh nhiều hơn nữa cho khả năng của hệ thống vũ khí THAAD và khả năng đánh chặn và triệt hạ các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo”.

Theo Công ty an ninh và hàng không Lockheed Martin, mỗi hệ thống THAAD bao gồm 5 phần chính: Thiết bị đánh chặn, thiết bị phóng tên lửa, radar, bộ kiểm soát hỏa hoạn và thiết bị hỗ trợ. Hệ thống này được thiết kế để bắn hạ các tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung, vốn có tầm bắn ngắn hơn tên lửa đạn đạo mà Triều Tiên thử nghiệm hôm 4/7 vừa qua. Các nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định việc thử nghiệm hệ thống THAAD không liên quan tới các vụ thử tên lửa gần đây của Triều Tiên.

Thoạt đầu, hệ thống radar của THAAD phát hiện ra một tên lửa đang tiến lại gần. Những người quản lý hệ thống THAAD nhận diện mối đe dọa và chuẩn bị gắn một “trái phóng” lên thiết bị phóng mà Lockheed gọi là “thiết bị đánh chặn tên lửa đạn đạo”, theo nguyên tắc phá hủy nó bằng động năng, nghĩa là cản phá tên lửa tấn công sử dụng chính vận tốc tuyệt đối của nó. Mặc dù “trái phóng” không phải là một đầu đạn, tuy nhiên, một số nhà phân tích đã ước lượng sức mạnh của quá trình này khi so sánh với việc phóng đi một viên đạn thật sự.

Hóa giải mối lo từ Triều Tiên?

Theo một vài quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ, với dư chấn từ việc thử tên lửa đạn đạo ICBM của Triều Tiên, quân đội và tình báo Mỹ bắt đầu nhìn nhận một cách cẩn trọng hơn về những tin tức tình báo gần đây nhất về chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Gần đây, Triều Tiên đã khẳng định thử nghiệm thành công một phiên bản nhỏ của vũ khí hạt nhân, phiên bản này có khả năng lắp ráp được vào một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Mặc dù các nhà phân tích cho rằng rất khó để xác minh tuyên bố này, nhưng với mục đích để lên kế hoạch cho các hoạt động quân sự, các chỉ huy Mỹ đã quyết định rằng Bình Nhưỡng hoàn toàn có khả năng đó.

“Tôi biết rằng có nhiều tranh luận về tiến bộ tên lửa của Bình Nhưỡng, nhưng tôi cứ nghe theo những lời Chủ tịch Triều Tiên nói. Tôi phải thừa nhận những tuyên bố ấy là đúng, bởi tôi biết ước vọng của ông ấy là gì”, Harry Harris, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ cho biết.

Sự leo thang của chương trình hạt nhân Bình Nhưỡng cũng dẫn đến một cái nhìn cận cảnh hơn về hiệu quả của hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và đồng minh. Đầu năm nay, quân đội Mỹ đã triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở Hàn Quốc. Sự hiện diện của hệ thống này tại đây bị Trung Quốc, Nga và Triều Tiên phản đối gay gắt, cho rằng chính việc triển khai hệ thống THAAD đang thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang.

Các nhà phân tích cho rằng, một trong những lo ngại lớn nhất của Bắc Kinh là hệ thống radar mạnh mẽ của THAAD hoàn toàn có thể dò xét nội địa Trung Quốc, đi ngược lại với mục đích phòng vệ của hệ thống này. Ngay cả ở Hàn Quốc cũng có những ý kiến phản đối THAAD, bởi việc triển khai hệ thống này được phê chuẩn bởi cựu Tổng thống tai tiếng Park Geun-hye, người hiện nay đang bị xét xử vì tội danh tham nhũng. Người kế nhiệm của bà là Moon Jae-in, vốn theo xu hướng phản đối chiến tranh, hứa hẹn sẽ đưa vấn đề này ra trước Quốc hội.

Tháng trước, một thử nghiệm tên lửa ở Hawaii do Mỹ và Nhật Bản tiến hành đã trượt mục tiêu, nhưng cả hai nước này đều không gọi đó là thất bại. Tháng 5 vừa qua, Lầu Năm Góc đã sử dụng một tên lửa đánh chặn tầm xa bắn hạ thành công một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Thử nghiệm này có liên quan đến một thế hệ tên lửa đánh chặn tầm xa có căn cứ mặt đất của quân đội, vốn gần đây được đặt tại Alaska và California. Chương trình này đã được phát triển hơn 1 thập kỷ, nhưng chỉ thành công khoảng một nửa số thử nghiệm. Mặc dù Lầu Năm Góc gọi đây là một thành công, một số chuyên gia nghi ngờ rằng vẫn còn một chặng đường dài cho đến khi hệ thống tên lửa trị giá 40 tỷ USD được phát triển hoàn toàn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thông báo tuyển dụng

Thông báo tuyển dụng

GD&TĐ - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội thông báo tuyển dụng viên chức (diện xét tuyển viên chức) năm 2024 như sau: