Mỹ cấp hàng nghìn bằng sáng chế cho Trung Quốc, gồm cả lĩnh vực nhạy cảm

GD&TĐ -Bất chấp là lĩnh vực nhạy cảm, Mỹ vẫn cấp hàng nghìn bằng sáng chế khoa học cho các phát minh ở Trung Quốc.

Các cơ quan chính phủ Mỹ cấp hàng nghìn bằng sáng chế cho Trung Quốc, bao gồm cả Bộ Quốc phòng, NASA...
Các cơ quan chính phủ Mỹ cấp hàng nghìn bằng sáng chế cho Trung Quốc, bao gồm cả Bộ Quốc phòng, NASA...

Reuters hôm 29/8 dẫn số liệu từ Cơ quan cấp bằng sáng chế Mỹ cho thấy, các cơ quan Chính phủ Mỹ đã cấp hàng nghìn bằng sáng chế cho các phát minh có trụ sở ở Trung Quốc, bao gồm cả trong lĩnh vực nhạy cảm.

Dữ liệu cho thấy, các cơ quan như Bộ Quốc phòng Mỹ, Cơ quan Vũ trụ Mỹ (NASA) và các cơ quan chính phủ khác đã tài trợ cho các nghiên cứu mang lại 1.020 bằng sáng chế cho các nhà phát minh tại Trung Quốc. Số liệu được lấy từ năm 2010 tới nay. Các bằng sáng chế được cấp bao gồm cả trong các lĩnh vực nhạy cảm như công nghệ sinh học và chất bán dẫn.

Số liệu này thực sự mâu thuẫn với những lời kêu gọi hủy bỏ hoặc đàm phán lại Thỏa thuận Khoa học và Công nghệ mang tính bước ngoặt giữa Mỹ và Trung Quốc, một thỏa thuận hợp tác mà những người chỉ trích cho rằng có lợi không cân xứng cho đối thủ địa chính trị hàng đầu của Washington.

Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ đã cung cấp dữ liệu trong tháng này cho Ủy ban đặc biệt của Hạ viện về Trung Quốc. Vào tháng 6, Ủy ban đã làm việc với Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu về việc liệu nguồn tài trợ của Mỹ có dẫn đến những đột phá của Trung Quốc hay không. Việc điều tra này nhằm mục đích đánh giá rủi ro khi gia hạn hiệp ước về thỏa thuận khoa học và công nghệ giữa hai nước.

Theo báo cáo từ văn phòng cấp bằng sáng chế, cơ quan này đã cấp 1.020 bằng sáng chế từ năm 2010 đến quý đầu tiên của năm 2024. Các nghiên cứu đều được tài trợ ít nhất một phần bởi chính phủ Mỹ và liên quan đến ít nhất một nhà phát minh cư trú tại Trung Quốc. Dữ liệu không nêu chi tiết liệu các thực thể hoặc cá nhân Mỹ có chia sẻ các bằng sáng chế hay không.

Trong số đó, 197 bằng sáng chế về dược phẩm và 154 bằng sáng chế về công nghệ sinh học, cả hai đều là ngành công nghiệp chiến lược của Trung Quốc và Mỹ.

Nguồn tài trợ từ nhiều cơ quan chính phủ Mỹ đã hỗ trợ cho nghiên cứu, dẫn đến 92 bằng sáng chế thông qua nguồn tài trợ của Lầu Năm Góc, 175 từ tiền của Bộ Năng lượng và bốn từ hỗ trợ tài chính của NASA.

Đáng chú ý, NASA đã và đang phải đối mặt với lệnh cấm theo luật pháp Mỹ về việc hợp tác với Trung Quốc hoặc các công ty Trung Quốc.

Nguồn tài trợ từ Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh đã mang lại 356 bằng sáng chế như vậy, nhiều nhất trong số các cơ quan.

Dữ liệu từ Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ không nêu chi tiết các bằng sáng chế được cấp là kết quả trực tiếp đến từ Thỏa thuận Khoa học và Công nghệ Mỹ - Trung. Thỏa thuận Khoa học và Công nghệ song phương sau khi ký kết vào năm 1979 đã đặt nền tảng cho sự bùng nổ trong trao đổi học thuật và thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Các bằng sáng chế bao gồm những tiến bộ trong các lĩnh vực như chất bán dẫn, hóa học phân tử và polyme, kỹ thuật hóa học, công nghệ nano và công nghệ y tế.

Số lượng bằng sáng chế như vậy đã giảm từ mức cao nhất hằng năm là 99 vào năm 2019 xuống còn 61 vào năm 2023. Năm 2024, 16 bằng sáng chế được ghi nhận trong quý đầu tiên mặc dù chính phủ Mỹ ngày càng lo ngại rằng những tiến bộ về khoa học và công nghệ của Trung Quốc gây ra mối đe dọa cho an ninh quốc gia.

Chủ tịch ủy ban đặc biệt của Hạ viện về Trung Quốc, Đại diện đảng Cộng hòa John Moolenaar nói: "Thật đáng báo động khi người nộp thuế Mỹ đã vô tình tài trợ cho hơn 1.000 bằng sáng chế do các tổ chức Trung Quốc sở hữu, trong đó Bộ Quốc phòng chiếm gần 100 bằng sáng chế này."

Bộ Ngoại giao Mỹ, đơn vị chịu trách nhiệm đàm phán lại thỏa thuận với Trung Quốc, cho biết họ vẫn đang trao đổi với phía Bắc Kinh về khả năng gia hạn thỏa thuận.

"Mỹ vẫn cam kết thúc đẩy và bảo vệ lợi ích của chúng ta trong khoa học và công nghệ" - một phát ngôn viên của bộ trả lời Reuters.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ