Mưu sinh trên sóng nước Đà giang

GD&TĐ - Đến mùa con nước, ngư dân ven lòng hồ sông Đà (xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) lại tấp nập ngược xuôi đánh bắt thủy sản...

Ông Mùi Văn Tha, xã Tà Hộc cùng vợ thả lưới đánh cá trên sông.
Ông Mùi Văn Tha, xã Tà Hộc cùng vợ thả lưới đánh cá trên sông.

Đến mùa con nước, ngư dân ven lòng hồ sông Đà (xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) lại tấp nập ngược xuôi đánh bắt thủy sản... Nghề cá đã và đang mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho ngư dân nơi đây...

Coi sông nước là bạn tri kỷ

Đà giang “hung dữ” vốn đã quá quen thuộc với người ngư dân sinh sống ven lòng hồ. Họ quen với cuộc sống quanh năm lênh đênh sóng nước.

Sinh ra và lớn lên bên dòng sông Đà, anh Hoàng Văn Đạo (bản Mường, xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn), được biết đến như là một “phù thủy” trong việc chinh phục các loại cá ở lòng hồ. Mỗi ngày, anh đánh bắt được từ 40 - 60kg cá các loại dù cho điều kiện thời tiết khắc nghiệt đến mấy.

Theo chân anh Đạo lên thuyền đi đánh bắt cá mới hiểu nghề chài lưới vất vả đến nhường nào. Nếu ai không có sức khỏe tốt thì không thể theo nghề bởi dễ bị say sóng. Những ngày nắng như đổ lửa, hay khi mưa gió ngư dân vẫn chỉ mặc trên mình bộ quần áo mỏng manh...

Anh Đạo kể: “Từ nhỏ tôi đã theo bố mẹ đánh bắt cá nên có rất nhiều kỷ niệm với sông nước. Tôi coi sông như là người bạn tri kỷ. Mỗi lần lên thuyền rẽ sóng đi đánh bắt cá, lòng tôi lại bồi hồi đến lạ. Nghề đánh bắt cá rất vất vả, không phải người nào cũng gắn bó lâu dài được. Việc đánh bắt có được cá hay không thì nhiều khi vẫn còn phụ thuộc vào vận may là chính...

Tôi may mắn có duyên với nghề chài lưới, cứ thả lưới ở đâu là ngày sau vớt lên cũng được vài cân cá. Nghề đánh cá ngoài tự nhiên, đòi hỏi phải có sự kiên nhẫn. Thường thì cá bắt được tôi bán đổ cho các tiểu thương ở ngoài cảng Tà Hộc, hoặc những chiếc thuyền lái buôn trên sông Đà”.

Để đánh bắt được các loại cá trong 4 mùa, anh Đạo mua 16 bộ lưới với đủ kích cỡ khác nhau và 150 bộ bát quái. Lưới và bát quái anh thả dọc ven sông Đà qua đêm, ngày hôm sau mới đánh thuyền đi vớt lên. Còn bộ lưới dù và cước dài khoảng 100m, anh dùng thả chìm qua đêm ở giữa sông.

Anh Đạo dùng những viên đá buộc theo chân lưới, cứ cách khoảng 4m lại buộc 1 viên. Sau đó dùng can nhựa buộc so le trên mắt lưới để báo hiệu cho thuyền qua lại. Với cách làm này, anh Đạo vừa tránh được các loại thuyền di chuyển trên sông làm đứt lưới, vừa bắt được nhiều cá hơn.

Anh Đạo chia sẻ: “Cuộc sống đánh bắt cá trên dòng Đà giang tuy không giàu có như các nghề khác, nhưng lại nhiều niềm vui. Với tôi, cứ đủ chi phí phục vụ sinh hoạt và nuôi các cháu ăn học là tốt lắm rồi. Vừa rồi tôi cũng đã tích lũy, có vốn xây được căn nhà để ở, cuộc sống chỉ cần như vậy thôi!”.

Anh Hoàng Văn Đạo, xã Tà Hộc kéo lưới bắt cá.

Anh Hoàng Văn Đạo, xã Tà Hộc kéo lưới bắt cá.

Khấm khá nhờ nuôi cá lồng...

Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở lòng hồ sông Đà thuộc huyện Mường La (Sơn La) cũng có nguồn thu nhập cao và vươn lên thoát nghèo nhờ nghề nuôi cá lồng.

Mường Trai là xã vùng cao của huyện Mường La. Trước đây, người dân chủ yếu canh tác ngô, khoai, sắn. Do vậy, đa phần các hộ đều có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập thấp. Từ khi thủy điện Sơn La tích nước, nghề nuôi cá lồng bắt đầu được quan tâm phát triển.

Nghề nuôi cá lồng thương phẩm mỗi năm đem lại nguồn thu từ 100 - 400 triệu đồng/hộ. Nhờ vậy, mà đời sống người dân lòng hồ ở xã Mường Trai đã có sự đổi thay rõ rệt. Nhiều nông hộ từ chỗ hoàn cảnh khó khăn, thiếu ăn thiếu mặc, nay đã từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Anh Lường Văn Thủy (bản Bó Ban) cho biết: “Làm nương không năng suất, gia đình tôi phải nợ tiền phân bón chồng chất. Nhờ Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng để phát triển nghề nuôi cá lồng, tôi nuôi cá rô phi, trắm cỏ, cá chép. Sau một thời gian, tôi thấy đàn cá phát triển rất tốt trong khi chi phí đầu tư thấp. Vì thế, tôi tìm cách tăng số lượng lồng cá lên để nâng cao thu nhập”.

Để mở rộng quy mô, anh Thủy vay ngân hàng chính sách 30 triệu đồng. Số tiền này anh mua thùng phi, lưới, khung sắt... về làm 8 lồng, thả các loại cá chép, trắm cỏ, rô phi đơn tính.

Ngư dân ở xã Tà Hộc vui mừng khi bắt được cá to.
Ngư dân ở xã Tà Hộc vui mừng khi bắt được cá to.

Để có kinh nghiệm chăm sóc cá, anh tìm đọc kiến thức trên mạng Internet. Anh quan tâm đọc các bài viết về kỹ thuật nuôi và tập tính của các loại cá. Không những thế, anh còn khăn gói đi tìm hiểu kinh nghiệm từ các mô hình nuôi cá lồng ở huyện Cao Phong (Hòa Bình). Sau thời gian tìm hiểu, anh Thủy đã đúc rút kinh nghiệm và vận dụng vào lồng cá của mình. Nhờ vậy mà đàn cá của anh phát triển tốt, ít bị dịch bệnh.

Theo lãnh đạo UBND huyện Mường La, tận dụng lợi thế về diện tích mặt nước lòng hồ sông Đà, huyện đã phối hợp với Chi cục Thủy sản tỉnh Sơn La tổ chức nhiều lớp tập huấn cho các hộ dân.

Học viên chủ yếu là người dân các xã: Mường Trai, Hua Trai, Chiềng Lao, Pi Toong, Nậm Giôn, Tạ Bú, thị trấn Ít Ong, Chiềng San. Cũng nhờ chuyển sang nuôi cá lồng, cuộc sống kinh tế của các hộ gia đình ven lòng hồ sông Đà ngày càng sung túc.

Ông Lò Văn Bân (xã Mường Trai) nuôi cá lồng đến nay đã được 13 năm. Cũng từ mô hình này mà gia đình ông Bân đã xây được căn nhà mới khang trang hơn trước.

Ông Bân tâm sự: “Tôi đầu tư 12 lồng, chủ yếu nuôi các loại cá: Rô phi, chép, trắm cỏ, trôi, lăng. Sau 4 năm đầu tư, tôi đã trả được hết nợ, xây được nhà. Có được tiền đồ như ngày hôm nay, tất cả là nhờ nuôi cá lồng. Bình quân mỗi năm, tôi thu được khoảng 260 triệu đồng từ nuôi cá. Nguồn thu nhập này lớn hơn rất nhiều so với việc làm nương như trước”.

Huyện Mường La hiện có 140 ha mặt nước nuôi thủy sản. Toàn huyện có trên 900 lồng nuôi cá. Trong đó, 150 lồng nuôi cá tầm; gần 650 lồng nuôi cá truyền thống. Tổng sản lượng thủy sản ước đạt trên 2.750 tấn/năm.

Nghề đánh bắt cá và nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà đã và đang cho thấy những hiệu quả tích cực về kinh tế. Song, nhiều ý kiến cho rằng, để nghề đánh bắt thủy sản và nuôi cá lồng phát triển thì rất cần có được đầu ra bền vững cho sản phẩm. Có như vậy thì người dân mới có thể thoát nghèo bền vững.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.