Muôn vẻ Tết xa nhà

GD&TĐ - Năm hết Tết đến, những người đi làm xa háo hức mong đợi ngày trở về sum họp bên gia đình người thân. Sau một năm tất bật kiếm sống, ai cũng mong muốn đem về cho người thân những món quà thật ý nghĩa trong ba ngày xuân. 

Muôn vẻ Tết xa nhà

Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà hàng năm mỗi dịp Tết đến, nhiều công nhân phải ở lại thành phố để tiếp tục mưu sinh, trong lòng vẫn canh cánh mùa xuân nơi quê nhà…

Những gói quà phương xa gửi về

Trong những ngày này, khi Tết Đinh Dậu đang đến gần, đi đến đâu cũng nghe nhiều bạn công nhân trẻ nói chuyện về quê ăn Tết. Đông nhất là khu chợ đêm công nhân (CN) hay những góc ngã tư đường. Quần áo may sẵn, áo lạnh, đồ chơi trẻ em là những thứ được bày bán nhiều nhất. Mỗi ngày sau tan ca, các bạn trẻ tranh thủ mua đồ để làm quà và họ cũng rất... nhạy với thông tin ở đâu có bán hàng rẻ, đẹp để tìm đến.

Chị Nguyễn Thị Thắm, CN khu chế xuất Linh Trung (Thủ Đức) quê ở Ninh Thuận cho biết: “Mấy hôm nay công ty em tăng ca đến gần 8 giờ tối mới về. Cuối năm tăng ca ai cũng thích vì sẽ có thêm một khoản tiền dùng mua quà về tặng người thân. Sau khi tan ca, em đi tìm mấy món ưng ý để mua dần...”.

Cầm lên đặt xuống chiếc áo ấm tại khu vực trước công ty, chị Nguyễn Thị Lan – Công ty may An Phú Châu (Q.9) tâm sự: “Năm ngoái em về rồi nên năm nay ở lại, dành tiền mua mấy chiếc áo gió làm quà cho mấy đứa em ở Nghệ An. Ngoài quê Tết này lạnh lắm”. Còn chị Trần Thị Thơm, một nữ CN làm cho một công ty bao bì Thủ Đức (quê Bình Thuận) tranh thủ sau giờ tan ca đi mua quà về đóng thùng carton giấy rồi dán băng keo kỹ càng chuẩn bị về quê. Thùng quà của chị chỉ là mấy gói trà, cà phê pha sẵn cho ba, chiếc áo len và khăn quàng cổ cho mẹ cùng thêm mấy đôi dép mới cho em. Vậy mà nhìn vào mắt chị, tôi cảm nhận được một không khí rất vui như thể cả một mùa xuân đang về.

Nỗi niềm xa quê

Những ngày này, đi qua các khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn thấy rất nhiều phòng trọ CN còn người ở lại. Tất cả đều có chung tâm trạng nhớ nhà và cô đơn khi phải ăn Tết nơi đất khách. Nhưng họ vẫn phải ở lại vì rất nhiều lý do nhưng không đủ tiền về vẫn là lý do quan trọng nhất. Có người mới ăn Tết ở miền Nam năm đầu tiên, nhưng cũng có người đã ăn Tết xa nhà cả 4 - 5 lần. Với CN xa nhà, cho dù năm đầu hay đã 4 – 5 năm thì cảm giác nhớ nhà và lạc lõng khi phải ăn Tết xa gia đình đều như nhau.

Chị Xuân - Công ty Giày Hiệp Trí - quận 9 (quê Nam Định) ngậm ngùi: “Năm nay là năm thứ hai tôi ăn Tết một mình ở nhà trọ. Mấy người cùng phòng quê ở gần nên về hết. Ăn Tết ở Sài Gòn đã buồn, ăn Tết một mình càng buồn hơn. Đi đâu cũng thấy gia đình người ta sum vầy đông đủ mà tủi phận mình”.

Cùng với dãy trọ chị Xuân còn rất nhiều người phải ở lại ăn Tết như thế. Hầu hết họ là người ở miền Bắc hoặc miền Trung, xa quá không về được. Mấy ngày hôm nay, ngày nào chị Lê Thị Phượng (quê Hà Tĩnh) cũng gọi điện về nhà cho mẹ, nhưng chả nói được gì vì cả hai mẹ con cùng khóc. Chị Phượng kể, bố không còn, nhà giờ chỉ còn mẹ và 2 đứa em trai. Càng gần Tết càng thấy thương mẹ thui thủi một mình. Chị muốn về an ủi mẹ mà không về được. Bao nhiêu tiền dành dụm, đã gửi trước về cho mẹ trang trải gia đình và đóng học cho 2 em, giờ mà về nữa thì hết tiền, không có tiền gửi cho mẹ.

Ăn Tết “kiểu công nhân”

Để Tết trôi qua mau, và tìm chút không khí Tết giữa đất khách, những người CN ở lại Sài Gòn cũng tổ chức ăn Tết theo cách rất riêng, và cái Tết này lắm lúc có thêm những giọt nước mắt. Chị Lê Thị Xuân (khu chế xuất Linh Trung - Thủ Đức) cho biết: “Để Tết đỡ buồn tẻ, chúng tôi thường rủ nhau đi sắm Tết, đi chợ hoa. Nhưng chỉ là đi để ngắm là chính, chủ yếu là hùn tiền lại mua con gà, ít thịt để cúng gọi ông bà về ăn Tết với mình. Đêm Giao thừa, mấy người ở lại cùng khu trọ cũng rủ nhau nhậu tất niên và thường sau đó là... ngồi nước mắt ngắn nước mắt dài”.

Ở lại ăn Tết xa nhà, không ngăn được nổi cô đơn nên cần sự an ủi chia sẻ của những người xung quanh. Nhưng hầu hết, họ thường tìm đến những người đồng hương để tìm sự cảm thông và chia sẻ. Cũng giống như ở quê, ngày Tết CN cũng đến “xông phòng” cho nhau, thăm hỏi, mời nhau ăn miếng bánh, cái kẹo để có cảm giác như đang sống trong tình làng nghĩa xóm. Có người thì để vơi đi nỗi nhớ nhà, tìm đến những nơi vui chơi giải trí như Đầm Sen, Suối Tiên hoặc đi những nơi xa hơn như Long Hải, Vũng Tàu.

Trong những ngày giáp Tết lang thang tại các khu nhà trọ, cùng đi chợ sắm Tết với CN, tôi mới nhận ra rằng, mình vẫn còn hạnh phúc hơn nhiều người, khi Tết này mình vẫn được về quê vui xuân với gia đình, bạn bè.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.