Căng thẳng thường xuyên và với cường độ cao, stress nặng sẽ dẫn đến tình trạng trẻ chán nản, phá vỡ ứng xử… gây ra cảm giác vô cùng khó chịu, thúc đẩy những hành vi mất kiểm soát.
Áp lực học sinh đầu cấp
Tại một phòng khám tâm lý, nhiều câu chuyện được chia sẻ từ học sinh với căng thẳng, áp lực khác nhau. Nhưng hầu hết đều có những biểu hiện rối loạn hành vi cảm xúc, thậm chí dẫn đến trầm cảm, kích động quá mức hoặc thu hẹp giao tiếp… Đặc biệt, giai đoạn đầu cấp, trường mới, bạn mới cũng khiến nhiều học sinh cảm thấy căng thẳng, thiếu tự tin, nhất là với độ tuổi THCS, trẻ lớp 6 ở tuổi dậy thì.
Chị Lê Thị Hằng (Hoàng Mai, Hà Nội) kể rằng, ở bậc tiểu học con chị được nhiều người khen vì ngoan ngoãn. “Khi con vào lớp 6, mọi thứ thay đổi. Quần áo, giày dép, túi xách đều theo sở thích của con. Thấy cái áo màu tối và già so với tuổi, đôi giày ‘hầm hố’, tôi phản đối nhưng con hét toáng lên rồi vào phòng đóng sầm cửa lại. Phân tích kiểu gì cũng không nghe” - chị Hằng cho biết.
Tương tự, chị Trần Phương Lan (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, năm nay có con lên lớp 6. Hàng ngày, chị phải đau đầu với rất nhiều chuyện của con. “Nào là luôn ngủ dậy muộn, hay phát ngôn những câu có vẻ bất cần, quần áo thì không theo một thẩm mỹ có sẵn nào, phòng riêng thì thích sơn màu tối với lý giải là huyền bí, mạnh mẽ, nam tính...”, chị Lan kể.
Có con bước vào độ tuổi dậy thì khiến nhiều cha mẹ như khủng hoảng bởi con thay đổi tâm sinh lý và thường “rất bướng bỉnh”. Thế nhưng, ở chiều ngược lại, các bạn trẻ lại cảm thấy cha mẹ không hiểu mình, luôn coi mình như đứa trẻ con. Do vậy, không ít học sinh cho biết chính các em đang cảm thấy rất áp lực, căng thẳng mà không biết chia sẻ cùng ai.
Lê Nguyễn Huyền My, học sinh lớp 7 ở Hà Nội tâm sự: “Cha mẹ rất ít nghe em kể chuyện trong lớp, luôn bảo ai sao mặc kệ, mình lo tập trung học. Em không thích bố mẹ chê con gái mà nghịch ngợm với nhiều người, chậm chạp hơn bạn A, bạn B... Nếu có mắng thì cũng đừng làm ầm ĩ trước mặt người lạ, chỗ đông người. Những mẩu giấy nháp em viết vui với các bạn đặt ở trong cặp cũng bị bố mẹ tìm đọc. Em thấy bị kiểm soát chặt chẽ và không thích điều này”.
Cần có sự kết nối
Cô Nguyễn Thị Huyền - Trường THCS Cát Linh (Hà Nội) chia sẻ rằng dù đã có kinh nghiệm nhiều năm làm chủ nhiệm nhưng lớp đầu cấp thì cần chuẩn bị tâm lý nhiều nhất, bởi các em bắt đầu lứa tuổi ẩm ương; làm sao cho các em có suy nghĩ, thái độ học tập ổn định hoặc gặp điều gì thì các em vui vẻ bộc lộ chia sẻ, không giấu giếm như xu hướng chung ở tuổi mới lớn.
“Các ca khó đều có chung nguyên nhân là thiếu sự kết nối. Điều này phụ thuộc vào quá trình tương tác của con cái với cha mẹ. Nhất là với tuổi mới lớn, phụ huynh cần thay đổi, không dùng những từ áp đặt con theo kiểu mệnh lệnh, mà ngược lại khơi thông kênh đối thoại, tìm hướng đi cho con. Phải xem con như đối tác, việc gì trong gia đình, bố mẹ cũng nên hỏi ý kiến, hỏi quan điểm của con”, cô Huyền nhận định.
Cô Huyền phân tích thêm, cha mẹ nên bỏ những chê bai như “lớn mà không biết gì”, “chậm chạp”, “hậu đậu”... Thay vào đó, hãy tự hào và hạnh phúc, thể hiện những cảm xúc tích cực và tuyên dương vì những điều con làm được. Hỏi ý con, tìm cách khéo léo, dẫn dắt, định hướng con thông qua sự kết nối... Tuổi ẩm ương cũng là tuổi cho những sáng tạo. Con có phòng riêng, con thích sơn màu hay trang trí màu kiểu gì thì cha mẹ nên tôn trọng, miễn đừng lố lăng phản cảm.
“Những căng thẳng, áp lực học đường dễ xảy ra ở tuổi dậy thì. Các em có những phát triển theo hình thái người lớn, trưởng thành về mặt sinh học.
Hormone thay đổi, không cân bằng nên có những cảm xúc vui buồn lẫn lộn. Lúc này, không phải con hư mà là kiểm soát hành vi không tốt, hay cáu gắt, phản đối… Cha mẹ nên hiểu và chấp nhận ứng xử, đối thoại, đừng yêu cầu con phải thế này thế kia... Hãy lắng nghe và đặt câu hỏi, giải thích, cái nào tốt, cái nào không để hạn chế sự quá bùng nổ”, cô Huyền cho hay.
Nguyễn Mạnh Quân, học sinh một trường THCS ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho hay: “Vào lớp 6, các bạn đến từ nhiều trường khác nhau, thầy cô mới nên em thấy mình lớn lên. Vì thế, em muốn ở lớp cũng như về nhà, mẹ xem mình như người lớn, chứ đừng chăm sóc giống em trai đang học lớp 2. Quần áo, giày dép, đồ đạc hãy để em tự chọn. Nhưng mẹ cứ ép em phải theo sở thích của mẹ. Em thấy mất tự do nên chỉ muốn ‘phá đám’ ý kiến của người lớn”.