Muốn thành công, hãy tự học!

Muốn thành công, hãy tự học!

(GD&TĐ) - Tự học, tự bồi dưỡng có ý nghĩa quan trọng đối với tất cả các lĩnh vực ngành nghề trong đời sống xã hội. Đặc biệt, đối với nghề dạy học, càng đòi hỏi người GV phải tự học suốt đời để  hoàn thiện mình và nâng cao chất lượng giảng dạy. Hay nói như một nhà tâm lý giáo dục: Một giáo viên giỏi là một giáo viên luôn tranh thủ thời gian để tự học.

Nghiên cứu về tự học có thể thấy: Tự học, tự bồi dưỡng là con đường phát triển của mỗi người. Bằng việc tự học, tự bồi dưỡng ở các mức độ, hình thức khác nhau, con người sẽ tiếp thu, lĩnh hội, vận dụng và phát triển các kinh nghiệm, kiến thức của xã hội loài người  ở mức độ khác nhau. Hay nói một cách tổng quát, việc tự học, tự bồi dưỡng chính là quá trình tạo ra hệ thống giá trị mới trong nhân cách của con người. Nhất là trong thời đại ngày nay lượng tri thức của loài người không ngừng gia tăng theo cấp số nhân, trong khi nhu cầu nhận thức là vô cùng. Hơn nữa, thời gian đào tạo ở nhà trường có hạn. Nhà trường trước kia đã vậy, ngày nay cũng không thể chuyển tải hết các tri thức phong phú đa dạng đó. 

Xuất phát từ yêu cầu của thời đại như vậy, đòi hỏi mỗi giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục phải luôn ý thức rằng để đáp ứng yêu cầu đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, mỗi nhà giáo phải không ngừng bồi dưỡng mở rộng tầm nhìn, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Hơn nữa lao động sư phạm của người thầy ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển nhân cách mỗi học sinh. Muốn phát huy khả năng sáng tạo cũng như giúp học sinh phát triển tư duy trong môi trường học tập luôn thay đổi thì mỗi nhà giáo phải gương mẫu, phải đảm bảo các yêu cầu về năng lực nghề nghiệp. Vì thế việc tổ chức dạy học theo tinh thần đổi mới đòi hỏi mỗi giáo viên phải có kiến thức vừa sâu vừa rộng, biết cách vận dụng khéo léo giá trị tinh hoa của nhân loại vào bài giảng. Giáo viên phải nắm vững mục tiêu và quan điểm dạy học hiện đại, yêu cầu về nội dung chương trình và từng đối tượng học sinh nhằm phát huy tối đa khả năng phát triển trí tuệ, đánh thức óc tò mò, sáng tạo của học sinh.

Tự học giúp GV tự hoàn thiện mình
Tự học giúp GV tự hoàn thiện mình

Chưa bao giờ việc tự học, tự bồi dưỡng lại có nhiều những điều kiện thuận lợi như ngày nay, ở tất cả các ngành học, bậc học đều có loại hình đào tạo phong phú đáp ứng nhu cầu toàn dân học tập, xã hội học tập như: chính quy, tại chức, bồi dưỡng thường xuyên, từ xa... với những mô hình tổ chức được thiết lập mở... Cùng với đó là sự phát triển của khoa học, công nghệ, trước hết là công nghệ thông tin đã làm thay đổi bản chất của việc tự học, tự bồi dưỡng. Nhờ có máy tính, mạng Internet, kho tàng tri thức của nhân loại đã được lưu trữ, xử lý và trao đổi dễ dàng trên phạm vi toàn cầu. Giờ đây người học có thể học tập qua nhiều kênh, bằng nhiều phương thức, hình thức. 

Vấn đề là ở chỗ trong việc tự học, điều quan trọng hàng đầu là xác định rõ mục đích học tập và xây dựng động cơ hoạt động đúng đắn; phải tự mình lao động để tạo điều kiện cho việc học suốt đời; muốn tự học thành công, phải có kế hoạch sắp xếp thời gian học tập, phải bền bỉ, kiên trì thực hiện kế hoạch đến cùng, không lùi bước trước mọi trở ngại; phải triệt để tận dụng mọi hoàn cảnh, mọi phương tiện, mọi hình thức để học; học đến đâu, ra sức luyện tập thực hành đến đó... Đặc biệt là phải xác định rõ nội dung tự học, tự bồi dưỡng liên quan chặt chẽ và phục vụ hữu ích cho công việc dạy học và giáo dục của người giáo viên, hay nói cách khác là phải có ý thức cần gì học nấy, lấy công tác của mình làm trung tâm, toàn bộ hoạt động tự học, tự bồi dưỡng nhằm phục vụ công việc chuyên môn của mình. Bên cạnh đó phải biết kết hợp việc tự học của cá nhân với kế hoạch bồi dưỡng của tập thể. Mỗi người cần nắm bắt thông tin, bố trí thời gian phù hợp để có thể tham dự các lớp bồi dưỡng theo chuyên môn phù hợp với mục đích của mình. Đồng thời phải chuẩn bị và tạo tiềm lực về tri thức khoa học, tri thức văn hóa xã hội, trình độ ngoại ngữ, tin học để khi điều kiện cho phép có thể theo học để nâng cao trình độ chuẩn và trên chuẩn. Trong quá trình tự bồi dưỡng phải biết coi trọng phương pháp. Bởi chúng ta không chỉ tiếp nhận những tri thức cụ thể mà cần nắm vững tri thức mang tính phương pháp để từ những tri thức này sẽ sản sinh ra những tri thức bộ phận và truyền cho người học.

Vấn đề mấu chốt không thể không nhắc đến là mỗi giáo viên, mỗi người làm công tác giáo dục cần phải thấy được bản chất của vấn đề tự học chính là quá trình tự mình động não, suy nghĩ, sử dụng các năng lực trí tuệ và hiểu biết vốn có của mình để chiếm lĩnh một hiểu biết nào đó của nhân loại và biến nó thành sở hữu của riêng mình. Hay nói cách khác là mỗi giáo viên, mỗi người làm công tác quản lý giáo dục phải biết phát huy chính từ nội lực vốn có của mình, phải tìm cách để đánh thức, lay động nội lực của chính mình một cách thường xuyên và hiệu quả.

Triết lý giáo dục thế kỷ XXI đã được Hội đồng quốc tế về giáo dục cho thế kỷ XXI trình bày trong cuốn “Học tập: Một kho báu tiềm ẩn” thể hiện tư tưởng chủ đạo là: Lấy “Học thường xuyên, học suốt đời” làm nền móng, xây dựng 4 trụ cột giáo dục là: “Học để biết. Học để làm việc. Học để cùng sống với nhau. Học để làm người” hướng tới một “Xã hội học tập”. Và thực tế cũng đang cho thấy chỉ có tự học mới có thể có điều kiện giúp chúng ta học tập được thường xuyên và suốt đời. Tự học là một cách tự bồi dưỡng, tự làm giàu kiến thức cho mình vừa đơn giản, tiết kiệm vừa hiệu quả. Và có thể nói một cách khái quát: Yếu  tố quyết định tự học chính là thái độ của người học; xuất phát từ nhận thức, mục đích học của người học mà người học tự xác định cho mình một động cơ tự học phù hợp. Vì vậy trách nhiệm của mỗi nhà giáo và quản lý giáo dục là gương mẫu tự học, phải suy nghĩ, tìm biện pháp để thổi lên ngọn lửa của phong trào tự học, tự bồi dưỡng trong các nhà trường. 

Minh Tư

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ