Muốn ngăn ‘cát tặc”, phải có nguyên liệu thay thế cát tự nhiên

GD&TĐ - Thời gian qua, tình hình khai thác cát diễn biến rất phức tạp, gây mất an ninh trật tự ở địa phương; “cát tặc” lộng hành, manh động, bất chấp sự ngăn cản của lực lượng chức năng và người dân.

Tàu khai thác cát trái phép bị bắt giữ (ảnh theo báo công an nhân dân)
Tàu khai thác cát trái phép bị bắt giữ (ảnh theo báo công an nhân dân)

Tình trạng khai thác cát trái phép tràn lan dẫn đến nguồn tài nguyên này có nguy cơ bị cạn kiệt và gây ra tình trạng xói mòn, sạt lở hai bên bờ sông, làm thay đổi dòng chảy tự nhiên, thất thoát tài nguyên, tác động xấu đến các công trình ven bờ, gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người dân.

Để ngăn chặn “cát tặc” nhiều người dân sống ven sông phải lập đội tự quản để bảo vệ đất sản xuất; một số lãnh đạo chính quyền địa phương thì bị “cát tặc” nhắn tin khủng bố và người dân thì bị đe dọa, hành hung do ngăn cản việc khai thác cát trái phép.

Việc khai thác cát trái phép hiện nay rất khó kiểm soát, ngăn chặn. “Cát tặc” thường hoạt động diễn ra vào ban đêm, khai thác tại vùng giáp ranh giữa các địa phương; thay đổi liên tục địa điểm khai thác… Khi chính quyền địa phương ra quân xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu dừng việc khai thác, kể cả tịch thu phương tiện, tang vật vi phạm… nhưng cũng như “bắt cóc bỏ đĩa”; các đối tượng khai thác cát trái phép tiếp tục có hành vi liều lĩnh và manh động động hơn. Và không loại trừ có hiện tượng “bảo kê”, tiếp tay của một số cán bộ, công chức để cho “cát tặc” ngang nhiên hoành hành.

Một số chính quyền địa phương đã có chỉ đạo quyết liệt, nhưng tình hình khai thác cát trái phép không hề thuyên giảm mà có chiều hướng biến tướng, hoạt động tinh vi hơn. Nguyên nhân là do nhu cầu cát cung cấp cho thị trường xây dựng đang tăng trưởng “nóng” bởi sự bùng nổ dân số và phát triển nhanh chóng của đô thị. Nguồn cát hiện nay phục vụ cho nhu cầu xây dựng trong nước đang thiếu trầm trọng, trong khi đó các doanh nghiệp khai thác cát thì được cấp phép liên tục xuất khẩu dẫn đến khan hiếm nguồn cát, giá cả cát tăng vọt, làm cho một số công trình xây dựng phải điều chỉnh dự toán.

Do nhu cầu cát tăng cao nên các giải pháp đã triển khai để chặn chặn “cát tặc” chỉ mang lại hiệu quả tức thời, và không phải là cách lâu dài, bền vững. Việc cung cấp cát để phục vụ cho hoạt động xây dựng trong nước là không thể trì hoãn và là nhu cầu tất yếu của sự phát triển đô thị.

Để giải quyết bài toán này, trước mắt cần tạm dừng việc cấp phép cho các doanh nghiệp xuất khẩu cát để đảm bảo cung ứng nguồn vật liệu này cho hoạt động xây dựng trong nước. Về lâu dài cần phải tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế dần cát tự nhiên hiện nay.

Vừa qua, Thủ tướng đã có Quyết định 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 về việc phê duyệt đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng. Thực hiện nghiêm túc quyết định này sẽ tăng cường bảo vệ môi trường và giảm sử dụng tài nguyên hiện nay. Mục tiêu của Chính phủ là đến năm 2020 phải xử lý và sử dụng khoảng 75 triệu tấn tro, xỉ, thạch cao vào sản xuất vật liệu xây dựng.

Như vậy, chủ trương tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế cát tự nhiên đã được tính đến nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững và hạn chế dần việc sử dụng cát tự nhiên. Nếu không thực hiện tốt việc này, thì tình trạng khai thác cát trái phép vẫn tiếp diễn, không kiểm soát, gây thiệt hại rất lớn cho người dân, nhẹ thì mất đất sản xuất, nặng mất nhà cửa, nhất là người dân sống ven sông khu vực đồng bằng sông cửu long.

Để ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép, bên cạnh việc phải thực hiện đồng bộ các giải pháp như xử phạt, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; truy cứu trách nhiệm hình sự; hạn chế xuất khẩu cát; tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân không tham gia khai thác cát trái phép… Vấn đề quan trọng là phải khẩn trương tìm kiếm nguồn vật liệu xây dựng mới để thay thế cát tự nhiên nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng trong nước. Có như vậy, mới ngăn chặn tình trạng “cát tặc” đã và đang diễn biến phức tạp tại các địa phương hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?
Nhiều nhà tuyển dụng e ngại làm việc với “gen Z” vì sự khác biệt thế hệ.

'Gen Z' và 'mác' lười biếng

GD&TĐ - Trên một số diễn đàn, hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm làm việc, nhiều nhà tuyển dụng, quản lý cho biết cảm thấy khá e ngại khi làm việc với thế hệ trẻ...