Muốn con thành người, bố mẹ đừng cho tiền...

GD&TĐ - Những đứa con được bố mẹ chiều chuộng, tạo điều kiện vật chất rộng rãi, lại thường hư hỏng. Nói như Tiến sĩ Phan Quốc Việt, chuyên gia tâm lý thì: “Con nhà giàu ở Việt Nam ngày càng nghèo đi". Lý do vì sao?

Muốn con thành người, bố mẹ đừng cho tiền...

Trong kho tàng trí tuệ của cha ông ta để lại qua những lời răn, thành ngữ, có câu nói rằng “Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào”. Tuy nhiên, có thể do trong thế kỷ 19, 20, đất nước ta phải trải qua thời gian quá dài bị đô hộ, chiến tranh, đói kém triền miên, nên tâm lý tích của nả để dành cho con cháu sau này rất phổ biến.

Có vợ chồng nông dân, cả đời cày cuốc, làm lụng, không dám sắm một tấm áo mới cho mình trong cả năm, không dám ăn quá hai bữa thịt cá trong một tuần, chỉ dưa cà mắm muối, đậu lạc, nhưng lại dám vung cả trăm triệu đồng cho con mua xe máy xịn, mua điện thoại đắt tiền, học ở trường thành phố.

Có những cặp vợ chồng buôn bán bất động sản, giàu có ngất trời, không tiếc tiền tỉ đầu tư cho con du học nước ngoài, mua xe hơi cho con đi làm, trang bị đồ ngoại từ đầu đến chân cho con, để con nhìn thấy khối tài sản khổng lồ mà con sẽ hưởng khi bố mẹ qua đời...

Những bố mẹ kể trên thường tự hào rằng mình sống vì con cái, hy sinh tất cả cho con, để con được sống trong điều kiện sung sướng hơn mình, và hy vọng con sẽ biết ơn mình cả đời.

Nhưng hầu hết các trường hợp không như kỳ vọng của họ, những đứa con được bố mẹ chiều chuộng, tạo điều kiện vật chất rộng rãi, lại thường hư hỏng. Lý do tại sao?

Đó là vì tự bé, chính bố mẹ đã tạo cho con thói quen hưởng thụ vật chất từ thành quả lao động của người thân. Chúng dễ dàng có được những gì mình muốn nên không trân quý lao động, không biết đồng cảm, xót thương sự vất vả của chính cha mẹ để tạo ra điều kiện sống dễ dàng hơn cho mình.

Những đứa trẻ sống trong điều kiện đủ đầy và được chiều chuộng này trở thành người ích kỷ và lười biếng. Chúng luôn bám vào bố mẹ như những cây tầm gửi, không thể tự lập sống cuộc đời của mình được. Vô tình, chính cha mẹ đã “cắt” đứt đôi chân của con mình, triệt tiêu sự phát triển năng lực và giá trị riêng của con.

Tiến sĩ Phan Quốc Việt, chuyên gia tâm lý, người từng phải nhận nhiều “ca bệnh” con nhà giàu để điều trị, nhận định rằng: “Con nhà giàu ở Việt Nam ngày càng nghèo đi".

Từ điều kiện và sự chiều chuộng của gia đình, những cậu ấm cô chiêu con nhà giàu luôn đi từ sự hưởng thụ, tới sa đọa, dần dần mất mục đích sống. Nặng nhất là đòi tự tử. Mỗi khi bố mẹ không đáp ứng một yêu cầu nào đó là đòi tự tử.

Do đó, cách thương con đúng đắn nhất là cho con được thành người, chứ không phải cho con tiền của của bố mẹ.

“Không bao giờ để con biết bố mẹ có nhiều tiền. Mà nếu con có biết, thì cũng phải thể hiện rõ ràng cho con hiểu rằng con sẽ không được hưởng số tiền đó. Đồng tiền của bố mẹ hầu hết chỉ làm hại con cái mà thôi”, chị Hồng Tín - một người mẹ từng nhiều lần căng thẳng vì bị con dọa tự tử khi chị không đáp ứng một yêu cầu trái khoáy nào đó của con, chia sẻ.

Muốn con được thành người, bạn phải để con đi bằng chính đôi chân của mình, phải để con tự lập, ra ngoài xã hội tự ứng xử, tìm kiếm và phát huy năng lực bản thân để được xã hội công nhận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ