Con gái đi học về bảo: hôm nay con làm toán có 4 điểm mẹ ơi. “Sao thế con, bài khó à?”. “Không mẹ, không quá khó, chỉ tại con tính nhầm ngay từ đầu, nên cả bài sai theo, mà bài đó 4 điểm lận”. Tôi nghĩ, con nói thế là con đã biết mình sai chỗ nào rồi. “Không sao, sai lần này, lần sau sẽ rút kinh nghiệm, con gái mẹ sửa sai được mà”.
Điều tôi hài lòng ở con là, con sai chỗ nào, con thất bại chuyện gì, cũng không bao giờ giấu mẹ. Không giống nhiều trẻ khác, điểm thấp về sợ ăn đòn, chỉ đến khi họp phụ huynh, cha mẹ mới tá hỏa.
Con thất bại chuyện gì, cũng không bao giờ giấu mẹ. (Ảnh minh họa). |
Không phải bỗng dưng mà tôi có được “thắng lợi” đó. Quan điểm của tôi là luôn lạc quan trước bất cứ khó khăn nào, để con học hỏi cách ba mẹ vượt khó khăn ấy thế nào. Cũng giống như hôm nay, tôi tỏ ra lạc quan trước điểm 4 của con, không gây áp lực cho con.
Tuy nhiên, trong cuộc sống, không thể tránh những điều không như ý, nhưng nếu đã không thể tránh khỏi thì hãy vui vẻ chấp nhận nó, bởi vì chúng ta có rất nhiều cơ hội sửa sai, cơ hội làm lại từ đầu, nên cứ luôn tỏ ra lạc quan, để mang lại niềm hy vọng cho con cái.
Trẻ em, không ít đứa có biểu hiện buồn rầu, ngại tiếp xúc với người lạ, sợ làm sai, sống thu mình, là do thiếu tự tin, luôn cho rằng mình không xuất sắc. Cha mẹ nếu không giúp con xây dựng niềm tin, tinh thần lạc quan, là một thiệt thòi cho con.
Trẻ có những biểu hiện, suy nghĩ như trên, sau này sẽ khó trở thành một đứa trẻ hạnh phúc, thành công. Đó là rào cản lớn, cản trở bước tiến trên con đường trưởng thành của trẻ. Lạc quan là xu hướng tích cực, mà cha mẹ phải làm gương. Nếu nhà có chuyện khó khăn, cha mẹ cùng bàn bạc, rồi tìm cách giải quyết khó khăn để con học hỏi, chớ không nản lòng mà chấp nhận khó khăn.
Trẻ em, không ít đứa có biểu hiện buồn rầu, ngại tiếp xúc với người lạ, sợ làm sai, sống thu mình. (Ảnh minh họa). |
Chẳng hạn, khi phát hiện ra người thân bị bệnh trầm trọng, cha mẹ không nên than khóc, buồn phiền, mà hãy tin vào sự chữa trị của bác sĩ, bắt tay động viên người thân chữa bệnh, đừng làm mọi thanh viên trong gia đình hoang mang.
Tinh thần lạc quan bắt nguồn từ gia đình. Cha mẹ lạc quan, tự tin, hài hước, thậm chí tạo ra những tình huống đối mặt với khó khăn, để cùng trẻ giải quyết theo tinh thần lạc quan. Nhờ thế mà trẻ luôn giữ một tâm thế tích cực, chịu được áp lực tâm lý, khắc phụ khó khăn, vì đã có cha mẹ làm cho trẻ tin tưởng mọi điều trở nên tốt đẹp.
Vợ chồng tôi luôn nhắc nhở nhau rằng không được tùy tiện trút bực dọc lên con cái, càng không thể hiện sự bi quan trước con, không thể hiện mâu thuẫn trước con, mà động viên nhau sống vui vẻ để mang lại sự thoải mái cho con cái.
Lạc quan đi đôi với sự tự tin. Có một học giả từng cho rằng, khi đối diện với khó khăn, lạc quan giống như bộ giáp có thể chống chọi mọi sự tấn công. Khi đối mặt với khó khăn, tự tin giống như chiếc chìa khóa, mở ra tấm lòng dũng cảm để tiến về phía trước.
Không khí gia đình ảnh hưởng tính cách trẻ. (Ảnh minh họa). |
Trẻ con vì nhận thức còn non nớt, hay lấy sự đánh giá của người khác để đánh giá bản thân. Đánh giá xấu, trẻ sẽ tự ti. Đánh giá tốt, trẻ được khích lệ. Nếu được cha mẹ tin tưởng, trẻ cũng sẽ tin tưởng bản thân, dần sẽ lạc quan, tự tin.
Không khí gia đình ảnh hưởng tính cách trẻ. Tạo cho trẻ niềm lạc quan là tạo ra năng lượng dồi dào, nhìn mọi việc đều tích cực. Cha mẹ có thể không cho con một số tiền lớn, nhưng niềm tin góp nhặt mỗi ngày, sự lạc quan được vun đắp mỗi ngày, là món quà vô giá cho con sau này.