Vậy phải làm sao để trẻ rời khỏi chiếc điện thoại mà không cần phải quát mắng, ép buộc hay khiến con gào khóc, ăn vạ?
Sự bùng nổ của khoa học công nghệ khiến các thiết bị thông minh như điện thoại, máy tính bảng… trở nên vô cùng phổ biến. Điều này đang đẩy những đứa trẻ rời xa các hoạt động ngoài trời để tự biến mình thành “con nghiện smartphone”. Một khi đã “nghiện” thì rất khó để có thể kéo con ra khỏi sức hút của những thiết bị điện tử này.
Nhiều gia đình đã cho trẻ làm quen với máy tính, smartphone, máy tính bảng từ rất sớm với lý do để con học hỏi nhiều hơn, thông minh hơn, tiếp cận được những xu hướng mang tính thời đại… nhưng khi sử dụng một cách thường xuyên sẽ khiến trẻ xao nhãng, có xu hướng ít giao tiếp mọi người xung quanh và phụ thuộc quá nhiều vào thiết bị điện tử sẽ dẫn đến nghiện.
Tình trạng nghiện điện thoại làm suy giảm khả năng tập trung, suy giảm thị lực khiến trẻ học tập kém hơn. Nghiện điện thoại cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển tính cách và giao tiếp của trẻ, khiến trẻ dễ cáu gắt, bướng bỉnh và không thích trò chuyện với người khác. Đặc biệt, tình trạng sử dụng điện thoại không kiểm soát ở trẻ còn có thể gây ra các căn bệnh về tâm lý như tự kỷ, rối loạn hành vi…
Hiện nay, phần lớn các phụ huynh Việt Nam đang bị động trong việc cho trẻ sử dụng những thiết bị này, một số còn có khuynh hướng dỗ trẻ bằng điện thoại, để những thiết bị này “giữ trẻ” thay mình. Họ không kiểm soát được thời gian, nội dung trẻ đang xem và hoàn toàn bỏ qua tác hại mà những thiết bị này gây ra đối với trẻ.
Việc “cai nghiện” cho trẻ cũng rất gian nan, mất nhiều thời gian và công sức. Vì vậy, ngay từ đầu hãy tránh để trẻ bị “nghiện” sử dụng những thiết bị này.
- 1. Đặt điện thoại khỏi tầm nhìn của trẻ
Muốn con từ bỏ thói quen lạm dụng điện thoại thì cha mẹ cần phải là người làm gương cho con. Cha mẹ chỉ nên sử dụng các thiết bị điện tử khi ngồi vào bàn làm việc. Hạn chế sử dụng các thiết bị này trước mặt trẻ, không cổ súy cho việc trẻ biết sử dụng điện thoại quá sớm.
Thời gian cả nhà sinh hoạt cùng nhau như quây quần bên mâm cơm thì các thành viên trong gia đình nên tham gia trò chuyện, bàn luận và hỏi han đến trẻ nhiều hơn. Khi trẻ không nhìn thấy chiếc điện thoại thì các bé sẽ không mè nheo để đòi chơi, mà sẽ tập trung vào các hoạt động khác với cả gia đình.
2. Để trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời
Chơi đùa bên ngoài chính là yếu tố giúp trẻ không còn cần đến điện thoại. Cha mẹ có thể đạp xe cùng con trong công viên gần nhà mỗi buổi chiều sau khi tan học, cũng có thể cho con chơi cầu lông với các bạn nhỏ hàng xóm hoặc đưa con đi bơi vào cuối tuần, đi câu cá…
Không chỉ thể chất mà cả các kỹ năng giao tiếp, khả năng sáng tạo… cũng được phát huy hiệu quả nhờ những hoạt động như vậy. Trẻ sẽ không chỉ tìm thấy sự thú vị trong cuộc sống mà còn có thể tương tác với thế giới bên ngoài nhiều hơn thay vì chỉ chăm chăm vào màn hình điện thoại.
3. Khuyến khích trẻ đọc sách
Cha mẹ phải làm gương vì trẻ thường học theo hành vi của cha mẹ mình. Nếu người mẹ thích đọc sách, trẻ cũng sẽ có thói quen tương tự. Đọc sách là hình thức ít có sự tương tác ngược lại và tất nhiên không thú vị như smartphone. Nhưng đọc sách sẽ giúp cha mẹ gắn kết với trẻ, đồng thời giúp tăng kiến thức cho cả cha mẹ lẫn con trẻ.
Trẻ thường xuyên tiếp xúc với sách sẽ thúc đẩy việc trẻ yêu thích việc đọc sách do đó cha mẹ nên trang bị một giá sách trong nhà, với những thể loại mà trẻ ưa thích để trẻ có thể đọc bất cứ khi nào.
4. Cho trẻ làm giúp việc nhà
Làm việc nhà rất tốt cho trẻ, nên mẹ hãy tập cho con làm việc nhà từ sớm. Tham gia các công việc nhà cũng giúp trẻ tăng thời gian hoạt động và giảm bớt việc chơi điện thoại. Hãy tạo hứng thú cho trẻ bằng cách coi việc nhà như những trò chơi, bé sẽ thích hơn và không cảm thấy khó chịu.
Thời gian làm việc nhà cùng nhau cũng chính là lúc mà trẻ có thể trò chuyện với cha mẹ, đồng thời cha mẹ cũng sẽ dạy trẻ các kỹ năng sống có giá trị trong lúc trò chuyện, chẳng hạn dạy trẻ như biết cách nấu những món đơn giản, biết những mẹo nhỏ thú vị trong lúc làm việc nhà….
5. Chọn những món đồ chơi bổ ích, hấp dẫn cho trẻ
Để trẻ quên đi chiếc điện thoại, cha mẹ có thể cho con chơi những món đồ chơi hấp dẫn mà hữu ích khác như lego, trò chơi xếp hình, bảng số, chữ, hình khối… Đây đều là những món đồ chơi hữu ích trong việc phát triển trí tuệ của trẻ.
Chúng ta không cần phải mua quá nhiều đồ chơi cho trẻ, hãy mua những món mà trẻ có thể sáng tạo lắp ghép thành những món mới, hơn là mua loại đồ chơi chỉ có một chức năng vì sẽ làm trẻ nhanh chán. Hãy cùng chơi với trẻ để con cảm thấy hứng thú hơn.
6. Dành nhiều thời gian bên trẻ
Có nhiều phụ huynh vì bận rộn nên dùng điện thoại như một người “giữ trẻ” tận tâm giúp mình trông nom trẻ. Cũng chính vì thế mà trẻ càng dễ trở nên nghiện điện thoại.
Bạn nên dành nhiều thời gian hơn cho con, trò chuyện thật nhiều với trẻ. Chắc chắn bất cứ đứa trẻ nào cũng thích được chơi với bố mẹ hơn là chiếc điện thoại.