Muôn cách giữ ấm cho trò ở vùng cao Tây Bắc

GD&TĐ - Rét đậm, rét hại liên tục diễn ra trong những ngày gần đây nên các trường ở vùng cao Tây Bắc đã linh hoạt các biện pháp “sưởi ấm” cho trò.

Lớp học tại Trường Mầm non Quang Minh, huyện Vân Hồ (Sơn La) được trang bị quạt sưởi.
Lớp học tại Trường Mầm non Quang Minh, huyện Vân Hồ (Sơn La) được trang bị quạt sưởi.

Nơi có điều kiện dạy học thì vẫn duy trì. Nơi khó buộc phải cho các em nghỉ...

Nghỉ học… tránh rét

Huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai những ngày này xuất hiện băng giá khi nhiệt độ ở các xã vùng cao nơi đây có lúc giảm xuống 0 độ C. Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, 6 trường học trên địa bàn đã cho học sinh nghỉ học để phòng chống rét. Trong đó, có 3 trường trên địa bàn Y Tý – xã thường xuyên ảnh hưởng bởi các đợt rét đậm, rét hại.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bát Xát, cho biết: “Phòng đã yêu cầu các trường thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, kịp thời báo cáo chính quyền, địa phương quyết định cho học sinh nghỉ học. Ngoài ra, phòng yêu cầu các trường phải chủ động tổ chức kiểm tra lớp học, nhà ở của học sinh bán trú. Quan điểm làm sao đảm bảo đủ điều kiện giữ ấm cho học sinh trong những ngày rét đậm, rét hại. Bên cạnh đó, các trường phải tuyên truyền đến phụ huynh để giữ ấm cho học sinh khi đến trường học tập”.

Từ trưa 20/2, nhiệt độ dao động từ 1 – 4 độ C. Ngày 21/2, Trường Mầm non xã Y Tý, huyện Bát Xát đã cho học sinh tạm thời nghỉ học. “Trong những ngày tiếp theo, nếu nhiệt độ vẫn còn thấp, chúng tôi sẽ tiếp tục cho học sinh nghỉ” - cô Hà Thị Bền, Hiệu trưởng nhà trường cho hay.

Trước ảnh hưởng của rét đậm, rét hại, 56 trường học tại huyện Mộc Châu và Vân Hồ của tỉnh Sơn La cũng cho học sinh nghỉ học. Trong đó, huyện Mộc Châu có 34 và Vân Hồ có 22 trường.

Ông Ngô Ngọc Toàn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mộc Châu, cho hay: “Trên địa bàn huyện có 1 trường mầm non tư thục và 1 nhóm trẻ được trang bị đầy đủ điều hòa nên vẫn cho học sinh đến trường. Còn ở những nơi chưa đủ điều kiện để đảm bảo giữ ấm, nhà trường sẽ cho học sinh tạm thời nghỉ học để đảm bảo sức khỏe”.

Tỉnh Lai Châu có 38/344 trường phải cho học sinh nghỉ học trong đợt rét đậm, rét hại này. Những trường cho học sinh nghỉ tập trung ở các huyện: Sìn Hồ, Phong Thổ, Tam Đường, Than Uyên.

Theo cô Lương Thị Dẫu, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ, nhiệt độ ở đây giảm sâu, có lúc xuống dưới 2 độ C nên nhà trường đã cho học sinh nghỉ học. Trước khi nghỉ, giáo viên đã trao đổi với phụ huynh những biện pháp đảm bảo chống rét cho học sinh như: Cho con mặc áo ấm, hạn chế ra khỏi nhà.

Học sinh bán trú Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Tả Ngảo (Sìn Hồ) có đủ chăn ấm.
Học sinh bán trú Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Tả Ngảo (Sìn Hồ) có đủ chăn ấm.

Chung tay giữ ấm cho trò

Toàn huyện Sìn Hồ (Lai Châu) có 13 trường (7 trường mầm non và 6 trường tiểu học) cho học sinh nghỉ học. Ông Phạm Văn Phôi, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sìn Hồ (Lai Châu), thông tin: “Chúng tôi quán triệt các trường tổ chức hoạt động học tập, giáo dục và sinh hoạt phù hợp với thời tiết của từng khu vực, từng thời điểm. Đối với những trường có học sinh nội trú, bán trú, phòng GD&ĐT yêu cầu đảm bảo chế độ ăn hợp lý, đủ dinh dưỡng, nước uống phải đủ nóng, phòng ngủ không để gió lùa và có đủ chăn ấm”.

Năm nay, Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ có 708 học sinh. Trong đó, có 296 học sinh bán trú. Do mưa, rét nên trường đã cho học sinh nghỉ học. Tuy nhiên, vẫn có hơn 100 học sinh bán trú đang nghỉ tại trường.

Cô Hoàng Thị Oánh, Phó Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Đối với những em đang ở tại trường, chúng tôi đã liên hệ với gia đình để phụ huynh mang thêm áo và chăn ấm cho các em. Đồng thời, kiểm tra lại cơ sở vật chất, đảm bảo phòng ở không bị gió lùa vào”.

Tại thị xã Sa Pa (Lào Cai), trong ngày 21/2, đã có 9 trường cho học sinh nghỉ học. Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các trường chủ động triển khai phòng chống rét cho học sinh. Đối với trường bán trú, cần đảm bảo đầy đủ thức ăn và thực phẩm sạch. Các trường cũng phải xây dựng chế độ ăn hợp lý, chỗ nghỉ ấm áp và chuẩn bị thuốc sử dụng khi cần. Các cơ sở giáo dục không tổ chức hoạt động ngoài trời trong những ngày rét đậm, rét hại. Đồng thời, thông tin với gia đình để phụ huynh quan tâm, nhắc nhở con em mình mặc đủ ấm. Các trường cũng không bắt buộc các em mặc đồng phục trong những ngày rét đậm.

“Đối với trường vùng cao, bán trú, chúng tôi cũng đề nghị nhà trường chủ động kêu gọi ủng hộ quần áo ấm, đệm, thiết bị sưởi ấm cho học sinh. Chúng tôi cũng khuyến cáo các trường không nên đốt lửa, than trong phòng kín để tránh gây ngộ độc khí” – bà Nguyễn Thị Nhạn, Phó Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Sa Pa chia sẻ.

Để học sinh thoải mái vận động mà không sợ bị buốt, lạnh, Trường Mầm non Quang Minh, huyện Vân Hồ (Sơn La) rải thảm xốp ở tất cả lớp học. “Ngoài ra, lớp học đều đóng kín cửa và sử dụng quạt sưởi nên trong lớp rất ấm. Phụ huynh có thể an tâm cho trẻ đến trường. Cơm của trẻ ăn bán trú luôn được giữ ấm, đảm bảo cơm, canh đều nóng hổi khi đến tay các cháu”, cô Hoàng Thị Hà, Hiệu trưởng nhà trường bộc bạch.

Trường Mầm non Ban Mai, xã Huổi Một, huyện Sông Mã (Sơn La) có 747 trẻ theo học. Lường trước sự khắc nghiệt của thời tiết, tập thể cán bộ, giáo viên trong trường đã chủ động kêu gọi các tổ chức thiện nguyện chung tay chia sẻ với khó khăn của học trò. Hàng trăm chiếc áo ấm đã sớm được chuyển đến từ đầu đông nên cô trò ở đây yên tâm vượt qua giá rét. - Cô Vũ Mai Lan, Hiệu trưởng Trường Mầm non Ban Mai 

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.

Nhóm sinh viên và thiết kế trạm lắp ráp giúp tăng năng suất trong các nhà máy.

Trạm lắp ráp tùy biến theo nhân trắc học

GD&TĐ - Trạm lắp ráp điều chỉnh vị trí và cao độ bàn làm việc, hộp đựng chi tiết theo nhân trắc học của công nhân, bảo đảm thoải mái, không gây mệt mỏi…

Ảnh minh họa/ITN.

Tránh học tập thụ động với ChatGPT

GD&TĐ - Việc học sinh sử dụng ChatGPT để làm bài một cách thiếu động não, tư duy, bị trí tuệ nhân tạo dẫn dắt, bị mất đi sự tự chủ là đáng lo ngại.