Xua tan mùa đông lạnh giá
Thầy Vũ Xuân Quế sinh ra và lớn lên tại Thái Bình. Tốt nghiệp trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên, anh về công tác tại tỉnh Quảng Ninh. Sau đó, do cơ duyên, đã gắn kết anh với giáo dục Lào Cai. Trước khi về Trường THCS &THPT Bát Xát, anh công tác tại Trường THPT số 4 Văn Bàn.
Nhiều năm gắn bó với khí hậu khắc nghiệt vùng cao, thầy Quế hiểu cái lạnh “buốt xương” rừng núi đã tác động không nhỏ tới sức khỏe và tỉ lệ chuyên cần của học sinh. Chính vì vậy, ngoài thương học trò không đủ áo ấm mặc anh còn nhận thấy cần có nước ấm sinh hoạt hàng ngày cho học trò.
Và rồi sáng kiến hệ thống nước nóng công suất lớn, miễn phí cho học sinh (HS) nội trú trong mùa đông được lắp đặt tại Trường THCS và THPT Bát Xát được triển khai. Trên cơ sở sáng kiến của thầy Vũ Xuân Quế, các thầy cô giáo trường THCS và THPT huyện Bát Xát đã nghiên cứu và lắp đặt thành công hệ thống 3 bếp ủ, cung cấp hơn 4.000 lít nước nóng mỗi ngày.
GV và HS của trường gọi với tên thân thương “Công nghệ tuổi thơ” bởi nó xuất phát từ ý tưởng: “Còn nhỏ tôi thường vùi cám nuôi lợn giúp bố mẹ. Dù chỉ sử dụng lượng trấu nhỏ nhưng sau 1 đêm nồi cám 30-50l không chỉ sôi mà còn nhừ. Điều đó trở thành cơ sở để tôi nghĩ ra nguyên tắc ủ nước nóng cho HS”.- Thầy Quế chia sẻ.
Hệ thống bếp ủ nước nóng bằng trấu không chỉ giúp 350 HS bán trú của trường không phải sử dụng nước lạnh vào mùa đông mà còn góp phần nâng cao sức khỏe HS, tiết kiệm điện và năng lượng và đặc biệt tuyên truyền hiệu quả cho công tác bảo vệ rừng.
Đáng nói, hệ thống ủ nước nóng có chi phí đầu tư ban đầu chỉ hơn 20 triệu đồng cộng với chi phí bảo dưỡng khoảng 2 triệu đồng/năm. Như vậy chỉ với 22 triệu nhưng 350 HS bán trú Trường THCS &THPT Bát Xát đã có nước nóng sử dụng trong suốt mùa đông 2 năm qua và những năm tiếp theo.
Hệ thống sử dụng công nghệ ủ giữ nhiệt cũng được đánh giá cao bởi hạn chế tối đa thất thoát nhiệt; không phải bố trí HS trông coi trực tiếp quá trình đun nước mà nước nóng vẫn có thể cung cấp 24/24h. Hệ thống bảo ôn có thể tích lớn đủ để lưu trữ nước hàng ngày khi không dùng hết hoặc hạn chế thất thoát nhiệt khi chưa sử dụng.
Đặc biệt, hệ thống tận dụng được các nhiên liệu chất đốt giá rẻ tại địa phương từ phế phẩm nông nghiệp như: trấu, mùn cưa, lõi ngô, củi vụn… Việc vận hành hệ thống đơn giản, HS có thể chủ động và làm được mà vẫn đảm bảo an toàn…
Mũi tên hướng tới nhiều đích
Tần Tảo Mẩy – HS bán trú của trường THCS & THPT Bát Xát cho biết: Có nước nóng sử dụng miễn phí 24/24 không chỉ tiện lợi, tốt cho sức khỏe mà thời gian để vào rừng kiếm củi, đun nước sinh hoạt chúng em sẽ dành cho việc học tập. Được dùng hệ thống nước nóng 24/24 em và các bạn thích được đến trường hơn bởi nhà trường thầy cô đã luôn quan tâm và đảm bảo tốt cho cuộc sống.
“Một trong những mục tiêu của giáo dục Lào Cao và nhà trường là an toàn trường học. Như vậy, có nước nóng để sử dụng hàng ngày trong mùa đông sẽ góp phần đảm bảo sức khỏe HS. Tránh tình trạng mất an toàn khi HS lên rừng lấy củi đun nước tắm. Hơn thế, được chăm sóc tận tình, HS sẽ cảm thấy thêm yêu trường lớp, cố gắng học tập…” - thầy Thèn Văn Thủy – phụ trách, quản lý bán trú HS nói.
Có thể nói, các dự án khoa học kĩ thuật trong ngành giáo dục không ít nhưng những dự án thiết thực, cần thiết với cuộc sống cho thầy trò vùng khó như hệ thống bếp ủ nước nóng bằng trấu của thầy Quế và đồng nghiệp vô cùng cần thiết và nhân văn.
Đặc biệt HS ở lứa tuổi THCS và THPT nếu công tác vệ sinh thiếu đảm bảo, không chỉ phòng ở bán trú mất vệ sinh, điều kiện sống thiếu thốn ảnh hưởng tới sức khỏe… mà kiến thức kĩ năng vệ sinh thân thể cũng không thể trống.
Về mặt xã hội việc áp dụng sáng kiến bếp ủ nước nóng bằng trấu sẽ giúp cho công tác tuyên truyền không chặt phá rừng thêm sâu rộng, hiệu quả. Phụ huynh HS yên tâm hơn khi gửi con tới trường.
Công tác quản lý, duy trì sỹ số và tỷ lệ chuyên cần của các nhà trường sẽ nâng lên đáng kể. Thầy cô giáo, nhân viên nhà trường có thêm động lực để công tác và cống hiến…
“Hệ thống nước nóng công suất lớn, miễn phí cho học sinh tới nay đã được triển khai tại hơn 10 trường học trong và ngoài tỉnh. Nhiều trường xin chuyển giao công nghệ.
Song thời gian tới tôi và đồng nghiệp sẽ tiếp tục nâng cấp để tối ưu hệ thống này. Tất cả những việc chúng tôi làm chỉ với mong muốn mang lại cho HS, GV có thêm điều kiện, cơ sở vật chất để yên tâm với học tập, sinh hoạt khi xa gia đình…” – Thầy Vũ Xuân Quế chia sẻ.