Trong vòng 100 - 150 năm qua, nhờ những tiến bộ khoa học và y học mà rất nhiều căn bệnh nguy hiểm bị khống chế và loại trừ khiến con người ngày càng sống lâu hơn. Dưới đây là một số thành tựu y học quan trọng giúp tăng tuổi thọ và nâng cao chất lượng sống.
1. Lý thuyết về mầm bệnh
Ngay từ rất sớm trong cuộc đời, chúng ta đã được dạy về vi trùng. Học sinh thường xuyên được nhắc nhở rửa tay. Tuy nhiên, điều này khá xa lạ vào giữa thế kỷ 19. Lúc đó, người ta tin vào thuyết tự sinh, cho rằng bệnh tật xuất hiện từ hư không, theo đúng nghĩa đen.
Cho đến năm 1861, nhà vi sinh vật học người Pháp, Louis Pasteur, đã chứng minh cho cộng đồng khoa học và thế giới rằng bệnh tật không phải “tự phát sinh”. Thay vào đó, nó được gây ra bởi các sinh vật cực nhỏ, còn được gọi là “vi trùng” hay mầm bệnh.
Cộng đồng khoa học cuối cùng đã chấp nhận lý thuyết này, dẫn đến hàng nghìn ca bệnh truyền nhiễm được cứu sống, chẳng hạn như sốt thương hàn, cúm, kiết lỵ.
Sự hiểu biết về cách thức bệnh hình thành và lây lan trở thành nền tảng quan trọng cho những tiến bộ về y học và khoa học, đồng thời có tác động tích cực đến tuổi thọ của con người.
2. Thuốc gây mê
Đã có nhiều tiến bộ về phẫu thuật trong những năm gần đây, nhưng việc sử dụng thuốc gây mê được xem là quan trọng nhất.
Trước khi gây mê được sử dụng rộng rãi, không hiếm trường hợp bệnh nhân chọn cái chết thay vì phải mổ cấp cứu để tránh đau đớn. Phẫu thuật từng được xem như giải pháp cuối cùng khi các bác sĩ không còn cách nào khác. Giải pháp mổ xẻ hoàn toàn đáng sợ, đặc biệt khi bệnh nhân không được cung cấp nhiều thuốc phiện, rượu hoặc dây da để cắn. Mặc dù vậy, các cuộc phẫu thuật thường không thành công.
Việc sử dụng thuốc gây mê trong phẫu thuật được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1846 bởi William G. Morton, người sử dụng ether sulfuric trên một bệnh nhân có khối u ở cổ. Tuy ngay từ đầu, việc sử dụng thuốc gây mê có phần khó lường và nguy hiểm, nhưng khi nó trở nên phổ biến, việc thực hành trở nên tinh vi hơn. Giờ đây, nguy cơ tử vong liên quan đến gây mê là rất thấp. Điều này cho phép nhiều bệnh nhân được tiếp cận với các ca phẫu thuật cứu sống, làm tăng đáng kể tuổi thọ của con người theo thời gian.
3. Trí tuệ nhân tạo trong y học
Công nghệ AI trong y học. |
Trí tuệ nhân tạo (AI) là một công nghệ có tiềm năng đáng kinh ngạc trong mọi lĩnh vực khoa học, bao gồm cả y học. Hiện tại, các hệ thống AI được sử dụng theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như chẩn đoán bệnh, giao tiếp giữa bác sĩ với bệnh nhân, duy trì hồ sơ y tế, lập danh mục đơn thuốc, điều trị từ xa. Mặc dù, việc sử dụng AI hiện tại đã giúp cứu sống nhiều người và tối ưu hóa các quy trình y tế, nhưng tiềm năng cho tương lai còn rất lớn. Sắp tới, AI có thể sàng lọc bệnh tật, cá nhân hóa việc điều trị cho bệnh nhân và thậm chí chỉnh sửa gen.
4. Phẫu thuật nội soi
Phẫu thuật nội soi. |
Một tiến bộ đáng kể khác trong y học là phẫu thuật nội soi. Đây là loại phẫu thuật chỉ cần một vết rạch nhỏ hơn nhiều so với phẫu thuật truyền thống. Tiến trình này có thể được thực hiện với ít rủi ro hơn bằng cách sử dụng ống và các camera ngày càng nhỏ.
Phẫu thuật nội soi lần đầu tiên được thực hiện vào những năm 1980, đôi khi còn được gọi là phẫu thuật xâm lấn tối thiểu.
Tiếp cận với các phẫu thuật ít nguy hiểm hơn đã cứu sống rất nhiều người thông qua các biện pháp phòng ngừa và sẽ tiếp tục giúp tăng tuổi thọ của chúng ta.
5. Ghép tạng
Nội tạng tổn thương và hư hỏng là nguyên nhân gây tử vong phổ biến trong suốt lịch sử loài người. Do đó, trong nhiều thập niên, các nhà khoa học đã tìm cách cấy ghép các bộ phận trong cơ thể để duy trì sự sống của bệnh nhân. Ca cấy ghép nội tạng thành công đầu tiên (một quả thận) diễn ra vào năm 1954 được thực hiện bởi bác sĩ David Hume và Joseph Murray.
Chưa đầy 10 năm sau, năm 1963, y học đã thành công trong ca ghép phổi đầu tiên. Vào năm 1966, một tuyến tụy đã được cấy ghép, năm tiếp theo là các ca cấy ghép gan và tim. Tiến trình này đã ngày càng phổ biến và được thực hiện hàng trăm (hoặc hàng nghìn) ca mỗi năm, cứu sống nhiều bệnh nhân.
Khi công nghệ tiến bộ, các ca cấy ghép nội tạng đã được thực hiện từ động vật sang người, được gọi là Xenotransplantation. Trong tương lai gần, các bộ phận thay thế nội tạng có thể được tạo ra bằng máy in 3D hoặc thậm chí được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm hoặc cơ sở y tế!
6. Kháng sinh
Thuốc kháng sinh. |
Vào năm 1928, nhà khoa học người Scotland, Alexander Fleming, tình cờ phát hiện một loại nấm mốc trong đĩa petri dùng nuôi cấy tế bào ở phòng thí nghiệm. Khám phá này chính là penicillin, loại kháng sinh đầu tiên trên thế giới.
Việc sản xuất hàng loạt penicillin bắt đầu trong Thế chiến II, bởi các nhà khoa học Howard Florey và Ernst Chain. Nhờ sự phát triển và đóng góp của nhiều nhà khoa học và bác sĩ trên khắp thế giới, thuốc kháng sinh đã cứu sống nhiều người và hiệu quả của nó sẽ còn kéo dài hơn nữa.
7. Thuốc ức chế ACE
Thuốc ức chế men chuyển Angiotensin - ACE (Angiotensin Converting Enzyme) được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Thông thường, chúng được sử dụng cho người bị huyết áp cao, bệnh tim hoặc bệnh thận.
Về cơ bản, ACE làm giãn hoặc mở rộng mạch máu, giúp lượng máu chảy từ tim của bệnh nhân tăng lên. Thuốc có thể giúp giảm huyết áp, cũng được kê đơn cho các trường hợp suy tim, tiểu đường và những người có nguy cơ đột quỵ.
Tiến bộ y học này không chỉ là một biện pháp phòng ngừa để bảo vệ bệnh nhân khỏi suy nội tạng, nó còn cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống cho nhiều bệnh nhân kể từ khi thuốc được giới thiệu vào năm 1975.
8. Lọc thận
Lọc thận. |
Lọc thận là một phương pháp điều trị liên quan đến việc loại bỏ chất thải và chất lỏng dư thừa ra khỏi máu của bệnh nhân, khi thận của họ không hoạt động bình thường. Máu của bệnh nhân được lọc bởi máy lọc sau đó đưa trở lại cơ thể. Nói cách khác, nó giống như bệnh nhân đang sử dụng một quả thận nhân tạo bên ngoài.
Mặc dù đây không phải là một giải pháp hoàn hảo, nhưng nó đã cứu sống rất nhiều người. Trong nhiều trường hợp, lọc máu được sử dụng như một giải pháp trì hoãn, trong khi bệnh nhân chờ thận hiến tặng phù hợp. Đáng ngạc nhiên là tiến bộ y học này đã được hình thành ở Hà Lan trong thời gian nước này bị Đức Quốc xã chiếm đóng vào Thế chiến thứ hai.
Tiến sĩ Willem Johan Koff là người đã tạo ra chiếc máy lọc máu đầu tiên (dialyzer) bằng cách sử dụng phụ tùng thay thế, bao gồm lon soda và các mảnh ghép từ máy giặt. Sự sáng tạo của ông và sự cải tiến không ngừng của cộng đồng y khoa đã cứu sống nhiều bệnh nhân mắc bệnh thận, giúp họ kéo dài sự sống.
9. Công nghệ hình ảnh
Trong nhiều thế kỷ, các thầy thuốc không thể nhìn thấy các bộ phận của cơ thể (khi bệnh nhân còn sống). Tất cả điều này đã thay đổi với sự phát minh ra tia X vào cuối thế kỷ 19 của nhà vật lý người Đức, Wilhelm Conrad Rontgen.
Ngay sau đó, một bệnh viện ở Glasgow đã mở Khoa X-quang đầu tiên trong lịch sử y khoa. Cho đến những năm 1950 và 1960, việc sử dụng siêu âm và CT cho các chẩn đoán y khoa đã phổ biến rộng rãi.
Năm 1973, Paul Lauterbur đã tạo ra MRI (hình ảnh cộng hưởng từ), một trong những công cụ đầu tiên mà các chuyên gia y tế sử dụng để chẩn đoán chính xác. Hình ảnh Y học đã mang lại rất nhiều lợi ích và ngày nay vẫn đang phát triển khi công nghệ này vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Sự tiến bộ của công nghệ hình ảnh Y học là vô cùng quan trọng đối với từng bệnh nhân và các nhà khoa học trong việc hiểu về cơ thể nói chung.
10. Vắc-xin
Vắc-xin có thể là công cụ tuyệt vời nhất mà nhân loại có để phòng chống dịch bệnh. Vắc-xin lần đầu tiên được phát minh vào cuối thế kỷ 18, thời điểm virus đậu mùa hoành hành trên toàn thế giới, gây ra vô số ca tử vong và nhiễm trùng.
Edward Jenner là người đầu tiên sử dụng vắc-xin để chống lại dịch bệnh này. Cuối cùng, bệnh đậu mùa đã bị diệt trừ. Các loại vắc-xin quan trọng khác ra đời trong những năm 1800 và 1900 bao gồm bệnh dại, bệnh lao, bệnh tả, bệnh bại liệt.
Do sự cần thiết, công nghệ mới đã được sử dụng để phát triển vắc-xin. Thông qua công nghệ mRNA, các loại vắc-xin mới hiện đang được khẩn trương phát triển.