Tủa Thàng hôm nay dần thay da, đổi thịt, đời sống được nâng cao. Song, đó đây trong nhân dân vẫn còn lắm nỗi niềm không khỏi băn khoăn…
Theo chân tân Bí thư Huyện ủy Tủa Chùa (Điện Biên) cùng đoàn công tác huyện, chúng tôi đến xã Tủa Thàng, huyện Tủa Chùa vào một chiều cuối năm Canh Tý (2020). Với tôi, chuyến đi này cách đợt gần nhất cũng chừng 10 năm. Với ngần ấy thời gian, quả thực Tủa Thàng đã có rất nhiều thay đổi.
Vùng cao “hội nhập”…
Tủa Thàng cách trung tâm huyện lỵ Tủa Chùa khoảng 30 km về phía Nam. Thời chống Pháp, Tủa Thàng vốn là căn cứ cách mạng của Chi bộ Đảng Tuần Lai. Đây cũng là nơi đồng bào nuôi dấu du kích xung phong Quyết Tiến.
Còn nhớ, khoảng hơn 10 năm về trước, nghe theo tiếng gọi của Đảng, hàng trăm hộ đồng bào ven sông Đà của Tủa Thàng tự nguyện nhường lại làng bản, đất đai sản xuất cho lòng hồ Thủy điện Sơn La.
Tủa Thàng có khoảng 1.000 hộ dân với gần 6 nghìn nhân khẩu, hầu hết là đồng bào Mông và đồng bào Thái. Họ đoàn kết cùng chung sống từ nhiều đời nay ở các thôn bản, quần tụ theo từng cụm dân cư.
Những năm trở lại đây, cùng với sự quan tâm, đầu tư, mạnh mẽ và có hiệu quả của Nhà nước, cấp ủy và chính quyền xã Tủa Thàng đã chung sức, đồng lòng với nhiều nỗ lực không biết mệt mỏi nhằm mục tiêu đưa kinh tế - xã hội ngày một phát triển. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc trong xã cũng vì thế mà nâng cao.
Trong không gian hẹp chừng vài chục mét vuông phòng họp của Đảng ủy, chính quyền xã, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền Tủa Thàng phấn khởi báo cáo với đoàn công tác huyện những kết quả vượt bậc về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự và đặc biệt là thành tựu trong phát triển y tế, giáo dục của xã nhà.
Nghe báo cáo, lãnh đạo huyện ai nấy đều rạng ngời niềm vui vì trên quê hương Cách mạng này, người dân bao đời nay vẫn chung sức, đồng lòng xây dựng Tủa Thàng ngày càng giàu đẹp, văn minh. Nhưng khi đứng trước thời cơ và vận hội mới của đất nước, ngay cả những bản làng vùng cao, vùng sâu, vùng xa cũng không tránh khỏi bị tác động. Khi một số hủ tục chưa kịp xóa bỏ để thích nghi với cái mới thì một bộ phận người dân đã sớm du nhập những tiêu cực của thời hiện đại.
“Các bác thử tính xem. Chúng ta không lẽ lại không tìm ra được giải pháp hay sao? Nghe các đồng chí công an báo cáo là chúng ta có đủ loại hình tội phạm, trộm cắp. Tôi quan tâm đến tội phạm ma túy, đến hệ lụy mà ma túy mang lại. Rồi những hủ tục chưa thể xóa bỏ như: Nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tự tử lá ngón… diễn ra còn phổ biến.
Không lẽ với bề dày truyền thống đoàn kết, bề dày về lịch sử Cách mạng suốt bao đời nay, chúng ta lại không thể tuyên truyền để nâng cao ý thức cho bà con ta được sao?”, ông Vùi Văn Nguyện - Bí thư Huyện ủy Tủa Chùa chia sẻ với lãnh đạo Đảng ủy, UBND và đội ngũ cán bộ xã Tủa Thàng.
“Hiến kế” để giữ trò…
Cũng bởi vì quá lo lắng cho sự an toàn của học sinh nên các giáo viên ở Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Trung học cơ sở (THCS) Tủa Thàng đã không ngần ngại “hiến kế” để bảo vệ học trò.
Trường THCS Tủa Thàng có gần 1.000 em đang theo học. Học sinh ở đây sống rải rác ở các bản làng trong xã, song do địa hình rộng, giao thông khó khăn, nhiều bản cách trường đến hơn chục cây số. Ban đầu thì một vài gia đình vẫn bố trí xe máy đưa đón con đi học mỗi ngày. Về sau họ mua luôn cho con em mình một chiếc xe để đến trường. Ban đầu thì 1, rồi hai, ba… rồi về sau thì học sinh đi xe nhiều quá.
Cô giáo lại thêm lo vì bản thân các em chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện. Các em lại chưa được học về Luật Giao thông nên trong lúc di chuyển thường phóng nhanh, vượt ẩu, gây nguy hiểm cho chính mình và những phương tiện cùng lưu thông. Thế là cô giáo đề xuất với ngành công an nên “mạnh tay” với những trường hợp như vậy.
“Thưa các đồng chí, thực sự là chúng tôi tuyên truyền cũng nhiều, cam kết cũng nhiều. Nhưng khổ nỗi, không làm sao để cho các con hiểu được. Nếu cấm không cho các con đi xe máy đến trường thì các con bỏ học, rồi lại ăn lá ngón tự tử. Cứ có cái gì xảy ra thì gia đình họ lại đổi tại cô giáo. Trong khi, các con ra ngoài có biết làm chủ tốc độ đâu, nguy hiểm, nguy cơ tai nạn cao.
Vậy nên cũng mong muốn bên Công an huyện nên có những giải pháp phù hợp, vừa là để răn đe, vừa là để cùng nhà trường, chính quyền chung tay giáo dục học sinh ý thức chấp hành pháp luật”, cô giáo Trương Thanh Tịnh - Hiệu trưởng Trường THCS Tủa Thàng bộc bạch.
“Thật ra chúng tôi rất chia sẻ với những cái khó của thầy cô ở đây. Các cô đã hết lòng vì học sinh, vì tương lai con trẻ. Tuy nhiên, chúng ta nên giải quyết vấn đề này một cách thấu tình đạt lý. Chúng ta không thể dung túng, bao che cho cái sai. Song cũng không thể nói bắt cháu này, bắt cháu kia là bắt ngay được.
Vì với một vài trường hợp, họ có mỗi cái phương tiện để đi lại. Giữ xe họ 2 ngày, họ lại tìm đến lá ngón để tự vẫn. Vậy nên chúng tôi luôn tin rằng với uy tín của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền xã, uy tín của cán bộ, đảng viên, đặc biệt các thế hệ già làng, trưởng bản ở đây, chúng ta sẽ tuyên truyền để bà con hiểu được và chấp hành tốt”, ông Vùi Văn Nguyện trao đổi.
Phát huy truyền thống cách mạng
Ở vùng cao với nhận thức của đồng bào các dân tộc thiểu số còn hạn chế thì thực sự là điều gì cũng có thể xảy ra. Tuy nhiên, ở Tủa Thàng người dân nơi đây vẫn bao đời đoàn kết, chung sức, chung lòng để dựng xây quê hương.
Phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ, chính quyền xã Tủa Thàng, huyện Tủa Chùa đã xây dựng định hướng phát triển kinh tế - xã hội, vận động nhân dân thay đổi tập quán canh tác chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, nhằm đẩy mạnh công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thân cho đồng bào.
Bước vào thời kỳ đổi mới, chính quyền và nhân dân xã Tủa Thàng tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Sau 65 năm xây dựng và phát triển, Tủa Thàng có nhiều đổi mới về diện mạo nông thôn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng sung túc, ấm no.
Tủa Thàng thực sự “thay da đổi thịt” từ khoảng một thập niên trở lại đây, với sự đầu tư mạnh mẽ của Nhà nước thông qua các chính sách, chương trình, dự án cùng sự đoàn kết thống nhất của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc đã triển khai thực hiện có hiệu quả các nguồn vốn, chương trình. Qua đó đưa Tủa Thàng từ vùng quê nghèo đói trở thành vùng nông thôn đáng sống của huyện Tủa Chùa.
Tủa Thàng hôm nay, cơ sở hạ tầng thiết yếu đã được đầu tư xây dựng đồng bộ. Đường giao thông từ trung tâm xã đến các thôn được đầu tư, đi lại thuận lợi cả 4 mùa; nhiều công trình thủy lợi kiên cố, tạo điều kiện cho người dân khai hoang ruộng nước... Khu vực trung tâm xã được quy hoạch hiện đại, nhiều hộ phát triển kinh doanh, dịch vụ sầm uất.
“Trước đây, đường giao thông trên địa bàn chủ yếu là đường đất, mùa mưa đi lại rất khó khăn, nhất là các đường liên thôn chỉ là đường dân sinh. Song đến nay, 2/9 thôn đã có đường bê tông nội bản và 100% tuyến đường giao thông từ trung tâm xã đến các thôn đã được mở mới, rộng hơn, giúp người dân đi lại thuận lợi, thông suốt cả 4 mùa. Đó là điều kiện thuận lợi để đồng bào chúng tôi vươn lên trong lao động, sản xuất, hàng hóa được thông thương…”, ông Giàng A Sang, Chủ tịch UBND xã Tủa Thàng chia sẻ.
Từ ngày dòng sông Đà hung dữ được con người chế ngự, xây đập tích nước làm thủy điện, Tủa Thàng đã khai thác lợi thế “cận giang” để phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân. Vốn là một xã vùng cao, 100% người dân vốn quen với nghề gieo trồng trên nương, giờ hàng trăm hộ gia đình đã chuyển đổi sang làm thủy sản, có thu nhập cao và ổn định. Cũng vì thế mà đời sống nhân dân ngày một nâng cao hơn trước.
Mặc dù vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức, song với truyền thống cách mạng, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Tủa Thàng đang tiếp tục đoàn kết phấn đấu hoàn thành những mục tiêu đã đề ra trong giai đoạn mới, 2020 - 2025, đặc biệt là hoàn thành Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới vào năm 2025.
Chia tay Tủa Thàng, tôi vẫn nhớ như in từng kiến nghị của các thầy cô với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, giữ môi trường sống và học tập an toàn cho học sinh… Vẫn nhớ như in từng lời chia sẻ, bộc bạch và từng giải pháp tháo gỡ khó khăn trước những hủ tục lạc hậu vốn tồn tại suốt bao nhiêu đời nay trong cuộc sống người dân vùng cao.
Truyền thống cách mạng là điểm tựa, thời cơ và vận hội mới lại là thách thức không nhỏ với đội ngũ lãnh đạo nơi vùng cao Tây Bắc này…!