Nhiều người đã phải trả giá đắt cho cú vấp ngã đầu đời, phải đối mặt với những khoản nợ nần lớn. Trong đó, có người đã nỗ lực vượt qua thử thách, tiếp tục dấn thân để chạm được tay tới thành công, có người gục ngã.
Lựa chọn táo bạo không dành cho số đông
Gia đình khá giả, trúng tuyển vào một trường đại học có tiếng tại TPHCM, Đoàn Minh Lân, 19 tuổi (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) quyết định không nhập học mà khởi nghiệp với việc mở tiệm cà phê. Tiền vốn Lân xin từ gia đình và “hùn vốn” từ ba người bạn cùng chí hướng, đam mê. Sau 6 tháng khai trương, quán cà phê của Lân đóng cửa do không đủ nhân lực đáp ứng khối lượng công việc.
Một năm sau, với quyết tâm phải thành công, Lân chuẩn bị thật kỹ trước khi khởi nghiệp lần hai với quán bánh ngọt. “Lần đầu em thua lỗ hơn 200 triệu đồng nhưng lần thứ hai này em đã đủ vốn trả ba mẹ. Tuy công việc còn bấp bênh, gặp nhiều khó khăn, nhưng em tin em có thể thành công. Đối với em, không gì là không thể, miễn là có sức lực, có vốn thì ắt sẽ thành công”, Lân chia sẻ.
Cũng có ước mơ khởi nghiệp và làm chủ, Trần Trúc My, 29 tuổi (Đức Trọng, Lâm Đồng) quyết tâm khởi nghiệp từ ngày mới có kết quả trúng tuyển đại học. Tại TPHCM, trong quá trình học đại học, My thuê căn nhà 4 tầng và kinh doanh thêm các mặt hàng may mặc, quần áo thiết kế, giỏ xách thời trang… E ngại gia đình lo lắng, nhưng My vẫn cố gắng gồng gánh để vượt qua. Tiền nhà, tiền hàng, tiền khách nợ dần vượt quá sức My.
Lúc cầm trên tay bằng đại học cũng là lúc My thông báo với gia đình số tiền nợ khổng lồ sau thời gian “khởi nghiệp” là hơn 4 tỷ đồng. “Thương tôi, gia đình bán một căn nhà ở quê để trả nợ. Nhưng vì đam mê kinh doanh nên tôi vẫn chưa thể dừng lại. Vì nhà có sẵn cơ sở vật chất nên tôi tiếp tục mở shop kinh doanh thời trang người lớn và con nít.
May mắn là lần này có sự đồng hành của gia đình, lại không tốn chi phí thuê mặt bằng và có kinh nghiệm “xương máu” trong kinh doanh nên tôi không để khách nợ nhiều nữa. Công việc ổn định, hiện tôi đang quản lý chuỗi 3 shop quần áo và 2 quán cà phê. Thu nhập tốt đã giúp tôi trả hết được nợ trước đây cho gia đình”, My phấn khởi khoe.
Những dự báo về thị trường lao động cho thấy, có khoảng 75% lực lượng lao động ở Việt Nam bị tác động bởi cách mạng công nghiệp 4.0. Nhiều bạn trẻ sau tốt nghiệp THPT đã chọn hướng đi khởi nghiệp táo bạo. Họ thay vì bước vào các trường đại học, cao đẳng đã lựa chọn con đường khác, táo bạo hơn: Khởi nghiệp ngay hoặc vừa khởi nghiệp, vừa theo học đại học. Nhiều chuyên gia về lao động đánh giá, đây là tín hiệu đáng mừng. Nhưng để đạt được thành công lâu dài, người khởi nghiệp phải thực sự am hiểu thị trường, chấp nhận áp lực và nỗ lực rất nhiều.
Muốn thành công, phải am hiểu
Ông Trần Anh Tuấn - chuyên gia dự báo nhân lực, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM đánh giá, xu hướng khởi nghiệp, tự làm chủ, tự tạo việc làm của giới trẻ sau khi tốt nghiệp THPT ẩn chứa nhiều vấn đề đáng lo ngại. Một bộ phận thế hệ trẻ đang sống rất thờ ơ, tự do, thoải mái, không có kỷ luật, làm việc như những cỗ máy, nhưng lại cho rằng, thành công của bản thân là phải được làm chủ, việc nhẹ, lương cao.
“Nếu không thay đổi suy nghĩ, vội vàng bắt tay vào khởi nghiệp, người trẻ chắc chắn sẽ thất bại. Vì muốn phát triển và thành công lâu dài, người khởi sự phải đảm bảo, duy trì kỷ cương trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng được uy tín trong xã hội. Thực tế, để các bạn trẻ khởi nghiệp thành công, thành công lâu dài đòi hỏi và phụ thuộc vào nhiều yếu tố mang tính quyết định. Trong đó, một trong các yếu tố quan trọng là người khởi nghiệp phải giỏi nghề, nắm rõ sở trường bản thân, am hiểu công nghệ, nền tảng số”, ông Tuấn phân tích.
Theo ông Tuấn, công nghệ đa nền tảng với nhiều tính năng, thuật toán đã giúp các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đạt hiệu quả. Việc cập nhật xu hướng, làm chủ công nghệ giúp các bạn khởi nghiệp ít vốn, xây dựng chuỗi quản trị hàng hóa, người lao động trực tiếp tham gia bán hàng cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cá nhân khi khởi nghiệp phải am hiểu pháp luật kinh doanh, những quy định liên quan đến pháp luật, hình thành, xây dựng tốt các mối quan hệ hợp tác, tìm kiếm cộng sự… Đồng thời, họ phải xây dựng đội ngũ, rèn luyện các kỹ năng kinh doanh như: Tác phong, lề lối làm việc nghiêm túc, giao tiếp tốt, ứng xử, quan hệ, xây dựng thương hiệu khi khởi nghiệp, văn hóa doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh.
“Nếu có nguồn lực, có vốn đầu tư dồi dào sẽ thúc đẩy, hỗ trợ rất nhiều cho các bạn trẻ có nhiều ý tưởng sáng tạo, quyết tâm cao, khao khát khởi nghiệp. Thực tế, khởi nghiệp không thể tránh khỏi những rủi ro. Việc biết chấp nhận rủi ro, dám đối đầu với khó khăn, nắm rõ mục tiêu vươn tới sẽ giúp các bạn trẻ có nghị lực vượt qua thử thách. Họ cũng sẽ biết kìm hãm những ham muốn tầm thường để đạt được thành công lâu dài, trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao, gặt hái thành công ở nhiều vị trí”, ông Tuấn lý giải.
Các chuyên gia cũng cho rằng, giới trẻ muốn khởi nghiệp thành công, đạt hiệu quả và lâu dài, cần phải tích cực phát huy khả năng sáng tạo, tạo ra sản phẩm mới, khác biệt, có tính ứng dụng cao, có thể chọn những ngành nghề truyền thống kết hợp với công nghệ.
Chuyên gia dự báo nhân lực Trần Anh Tuấn cho biết, hiện có nhiều lĩnh vực mà giới trẻ có thể khởi nghiệp, bao gồm: Hoạt động ứng dụng, sáng kiến trong ngành công nghiệp; ngành kinh doanh dịch vụ cung ứng thực phẩm, thức ăn, linh kiện điện tử, sản phẩm dinh dưỡng - làm đẹp, du lịch; ngành công nghệ nông nghiệp - thủy - hải sản như bảo vệ thực vật, bảo quản thực phẩm, thú y. Phương thức kinh doanh rất đa dạng như tổ chức sản xuất, bán hàng giao tận nơi, online, mở cửa hàng…