Mực thơm Hương Mạc, trung hiếu vẹn nguyên

GD&TĐ - Với 11 người đỗ đại khoa, Hương Mạc (làng Me) xứng đáng ghi danh vào các làng khoa bảng Việt Nam. Đây cũng là quê hương thầy giáo Đàm Thận Huy nổi tiếng trong sử Việt có nhiều học trò đỗ đạt.

Hương Mạc là làng khoa bảng với 11 vị đại khoa.
Hương Mạc là làng khoa bảng với 11 vị đại khoa.

Hương Mạc (Từ Sơn - Bắc Ninh) trước đây có tên là Cổ Mặc phường. Đến đời Trần đổi là Trung Mi phường gồm 12 thôn. Đời Lê lúc đầu lại đổi Trung Mi phường thành Ông Mặc xã, sau lại chia tách: Ông Mặc và Hoa Thiều.

Đời vua Minh Mệnh triều Nguyễn lại tiếp tục đổi tên thuộc tổng Nghĩa Lập, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn trấn Kinh Bắc - một trong tứ trấn phên dậu của kinh thành Thăng Long.

Đất mực thơm trấn Kinh Bắc

Sách cổ về khoa thi hương năm 1894 tại gia đình ông Đàm Thận Côn làng Hương Mạc.

Sách cổ về khoa thi hương năm 1894 tại gia đình ông Đàm Thận Côn làng Hương Mạc.

Trước khi tuẫn tiết, Đàm Thận Huy gửi thư cho gia đình: “Con người ta sinh ra trong khoảng trời đất, lấy trung, hiếu làm vinh, chăm lo đến tước trời thì tước người sẽ đến. Các con nên theo lời dạy của thánh hiền: Phải biết thế nào là trung, thế nào là hiếu. Sau khi ta chết, hãy thận trọng, chớ có theo Ngụy triều, nhận chức tước của Ngụy triều, được thế thì ý nguyện của ta cũng thỏa”.

Theo nghiên cứu của Viện Hán Nôm, Hương Mạc là nơi có nền giáo dục phát triển rất sớm, sản sinh ra nhiều danh nhân khoa bảng nổi tiếng. Theo 2 cuốn “Kinh Bắc xứ cao khoa hiền hoạn” do Tú tài Nguyễn Nam Thanh soạn năm Thành Thái 5 (1893) và cuốn “Cổ Mặc danh công truyện ký” do Độn Phu Nguyễn Tử Trinh soạn năm Chính Hòa 2 (1681) đã ghi chép, thì xã Hương Mạc có 23 người đỗ đại khoa (đứng đầu huyện Đông Ngàn).

Nơi đây đặc biệt có nhiều nhà nho tài hoa lỗi lạc và từng nắm giữ nhiều chức quan trọng trong triều đình phong kiến. Như Nguyễn Giản Thanh, thi đỗ Trạng nguyên khoa Mậu Thìn (1508), hai lần đi sứ Trung Quốc, tương truyền do tài ứng đối nên được vua nhà Minh phong là Trạng nguyên.

Đàm Thận Huy đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ khoa Canh Tuất (1490) là thành viên hội Tao Đàn và được vua Lê Thánh Tông từng ngự bút khen rằng: Thiên hạ đệ nhất danh thi nhân (là người giỏi thơ nhất trong thiên hạ).

Ông còn là thầy giáo của nhiều vị đỗ đại khoa trong vùng. Đặc biệt khoa thi năm Mậu Thìn (1508) ông đã đào tạo được 3 vị đỗ đại khoa tam khôi: Nguyễn Giản Thanh - Trạng nguyên, Hứa Tam Tỉnh - Bảng nhãn, Nguyễn Hữu Nghiêm - Thám hoa.

Đàm Công Hiệu (cháu 6 đời của cụ Đàm Thận Huy) nổi tiếng hay chữ và là thầy dạy học của An Vương Trịnh Cương...

Truyền thống văn hiến mà nổi bật là khoa cử và con đường làm quan của người Hương Mạc thật hiếm thấy, nó thật xứng đáng với lời ca ngợi của người xưa “đất mực thơm có tiếng của vùng”.

Hương Mạc hiện nay còn những công trình văn hóa nổi trội như đình làng Hương Mạc có từ thời Lê, xây dựng lại vào thời Nguyễn và đến tận bây giờ nó trở thành một công trình kiến trúc khang trang bề thế, và một số nhà thờ của các bậc đại khoa cùng hệ thống tư liệu thần tích, hương ước, sắc phong…

Gia đình trung nghĩa

Tiết nghĩa từ - đền thờ tiến sĩ Đàm Thận Huy.

Tiết nghĩa từ - đền thờ tiến sĩ Đàm Thận Huy.

Hương Mạc nay gần như đã phố hóa, nhưng những câu chuyện truyền đời về các vị đại khoa của làng thì vẫn như nguyên vẹn. Trong số đó phải kể đến cụ Đàm Thận Huy – một danh nho nức tiếng tài đức và nổi tiếng trung nghĩa.

Theo các tư liệu lịch sử, Đàm Thận Huy sinh năm 1463 mồ côi cha từ khi còn thơ ấu. Năm 28 tuổi thi đỗ Đồng tiến sĩ xuất thân khoa Canh Tuất, niên hiệu Hồng Đức thứ 21(1490).

Vì tài văn chương nổi bật, ông trở thành thành viên của hội Tao Đàn thập nhị bát tú, do vua Lê Thánh Tông làm Nguyên suý. Tháng Giêng năm Canh Ngọ, niên hiệu Hồng Thuận thứ 1 (1510), Lê Tương Dực ban công những người ứng nghĩa, phong tước công cho bảy người, tước hầu cho hai người. Đàm Thận Huy vì có công ứng nghĩa trong nên được thăng Hình bộ thượng thư kiêm Hàn lâm viện thị độc, Chưởng Hàn lâm viện sự.

Tháng Hai năm ấy, Đàm Thận Huy được cử làm chánh sứ sang nhà Minh trình bày sự việc Tương Dực phế truất Uy Mục và cầu phong. Sau khi đi sứ trở về, ông được thăng Lại bộ thượng thư, kiêm coi Chiêu văn quán, Tú lâm cục.

Ngay từ năm 1522, khi biết được toan tính của Mạc Đăng Dung, vua Lê Chiêu Tông đã được một số đình thần trung tín bày kế lên vùng Thượng xứ Kinh Bắc xây dựng căn cứ chiến lược. Ngày 16 tháng 8 năm ấy, các bề tôi: Đàm Thận Huy, Hà Phi Chuẩn, Nghiêm Bá Ký, Nguyễn Xí... đã được vua Lê Chiêu Tông cho đem mật chiếu về Yên Thế chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa chống lại Mạc Đăng Dung.

Theo gia phả họ Đàm ở Hương Mạc, năm 1522 vua Lê Chiêu Tông trốn khỏi tay quyền thần Mạc Đăng Dung ra ngoài tập hợp tướng sĩ các trấn Cần Vương, đã có mật chiếu giao cho Đàm Thận Huy việc xây dựng căn cứ tổ chức lực lượng Cần Vương ở hai huyện Yên Thế và Tân Yên (Bắc Giang ngày nay).

Đàm Thận Huy chiêu mộ được hơn 30 người cùng làng theo mình lên Bắc Giang gây dựng một đạo nghĩa binh khoảng 6.000 người đưa về Gia Lâm giao chiến với Mạc Đăng Dung. Đã có lúc các lực lượng Cần Vương chiếm ưu thế trước họ Mạc, nhưng sau vì quân ít, thế yếu, ông đã không địch nổi họ Mạc, phải rút về căn cứ ở hai xã Song Vân và Ngọc Thiện, huyện Tân Yên bây giờ.

Nhận thấy đã đến lúc thế cùng lực kiệt, vào nửa đêm ngày mùng 3 tháng 8 năm Bính Tuất (1526), Đàm Thận Huy đã hướng về nơi phát tích Lam Sơn của nhà Lê khóc lạy rồi uống thuốc độc tự tử để giữ khí tiết trung thần tại khu rừng Lăng Cao, cách phủ Mọc không xa, nay là làng Chợ, xã Cao Xá (Tân Yên), gần ngòi Bến Ghềnh.

Khi Đàm Thận Huy mất, hai người con gái của ông là Đàm Thị Dung Hoa và Đàm Thị Quế Hoa tiếp tục cầm quân chống giặc thêm ba ngày nữa mới chịu tuẫn mình xuống dòng sông Sỏi bảo toàn danh tiết. Để tưởng nhớ công ơn hai người phụ nữ ưu tú đó, người dân địa phương lập đền tôn thờ với tên gọi là Cầu Khoai hay còn gọi là đền Cô.

Năm 1527, Mạc Đặng Dung đoạt ngôi nhà Lê, xem Đàm Thận Huy là người trọng nghĩa nên đã cho rước hài cốt ông về chôn ở làng và ban sắc, phong tước hầu cho ông. Tương truyền khi sắc ấy rước về đến chợ Dầu thì bỗng bùng cháy mất. Mọi người kinh sợ cho là ông linh thiêng, không thèm nhận sắc phong của Nguỵ Mạc.

Năm Bính Ngọ (1666), triều vua Lê Huyền Tông, triều đình tuyên dương 13 công thần tiết nghĩa đời Chiêu Tông, phong Đàm Thận Huy là Tiết nghĩa Đại Vương, ban thụy là Trung Hiến. Triều đình còn xếp ông vào hàng kiệt tiết, cho dân lập đền thờ ở làng Hương Mạc, đặt tên là “Tiết nghĩa từ”, lệnh cho quan huyện hàng năm, mùa xuân, mùa thu phải đến tế. Từ đó, trải các triều đều có sắc phong tặng.

Quê ngoại Đại thi hào Nguyễn Du

Các lễ hội, tục lệ cổ vẫn được làng khoa bảng Hương Mạc lưu giữ rất đầy đủ.

Các lễ hội, tục lệ cổ vẫn được làng khoa bảng Hương Mạc lưu giữ rất đầy đủ.

Ở Hương Mạc xưa, khi đất Kim Thiều chưa tách ra, câu chuyện về sự hiếu học và đỗ đạt mãi được lưu truyền ở nhiều dòng họ khác nhau. Ví như họ Trần, từ vị tiên tổ thứ nhất đến hết đời thứ ba, học vấn chỉ dừng ở bậc tú tài (thời phong kiến thi đậu tú tài là một niềm vinh dự lớn, nhiều nơi cả làng ra nghênh đón khi sĩ tử thi đậu trở về). Nhưng đến đời thứ 4 trở đi, ngày càng nhiều người đỗ đại khoa.

Nhiễm Khê (SN 1472), tuổi trẻ đã thể hiện tài năng văn thơ uyên bác. Tham gia thi hội đậu tam trường. Sau được phong chức giáo thụ ở Quốc Tử Giám. Khi mất, được truy phong “Thái bảo thiện dụ hầu”. Đời thứ 5 có Ngạn Húc, 28 tuổi đã đỗ đầu kỳ thi hương, sau thi đình đỗ tiến sĩ (1538).

Phi Nhỡn đời thứ 6, đỗ tiến sĩ ở tuổi 45, theo phò vua Mạc đến tận đất Cao Bằng. Con cháu sau này từ đời thứ 7 đến đời thứ 14 vẫn nối nghiệp khoa cử, nhiều người đỗ đạt cử nhân, nối nghiệp tổ tiên lập thân bằng đường khoa cử.

Cụ Trần Ôn - ông ngoại của Đại thi hào Nguyễn Du là người con của dòng họ Trần, thuộc đời thứ 9, làm quan Câu Kê. Cụ có con gái là bà Trần Thị Tần lấy Nguyễn Nghiễm. Bởi vậy, xã Hương Mạc nay còn được coi là quê ngoại của Nguyễn Du.

Tại Hương Mạc còn tồn tại các di tích chứng minh cho một thời vàng son khoa bảng, như đền thờ cụ Tiết nghĩa Đàm Thận Huy, đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Giản Thanh, đền thờ Quốc sư Đàm Công Hiệu, đền thờ Quận công Đàm Đình Cư, đền thờ cụ Hoàng giáp Đỗ Đại Uyên, cùng một số thư tịch, sắc phong các triều đại.

Trong kho tư liệu ở Bảo tàng Bắc Ninh hiện đang lưu giữ cuốn sách chữ Hán ghi chép về khoa thi hương năm Giáp Ngọ niên hiệu Thành Thái 6 (1894) sưu tầm được tại gia đình ông Đàm Thận Côn. Cuốn sách có kích thước dài 24cm, rộng 15cm lòng viết chữ Hán thể chân phương trên giấy dó màu vàng sẫm, bìa ngoài trang trí hoa văn màu nhũ bạc đề tài tứ linh.

Sách không ghi tên người biên soạn cũng như niên đại viết sách. Nội dung cuốn sách được chia làm 2 phần: Ban giám khảo kỳ thi gồm Tam Tuyên Tổng đốc Cao Xuân Dục - Chánh chủ khảo, Thị giảng học sĩ Nguyễn Gia Thoại - Phó khảo, Đốc học Lê Bá Đôn và tiến sĩ Đặng Như Vọng - Giám khảo, Hoàng giáp Phạm Như Xương, tiến sĩ Dương Thúc Linh, Phó bảng Nguyễn Đình Văn - Phân khảo, Giám sát ngự sử chưởng ấn Lưu Phương Hợp và Nguyễn Văn Quỳ.

Phần hai ghi chép tên tuổi, quê quán của 60 vị đỗ Cử nhân (khoa thi này có hơn mười ngàn sĩ tử dự thi nhưng chỉ lấy đỗ 60 Cử nhân và 200 Tú tài).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ