Mùa Xuân của thị

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Một giờ sáng, thị thức dậy. Lạ. Sao hôm nay thị dậy sớm thế nhỉ? Không có việc gấp, thị dậy làm gì?

Ảnh minh họa: ITN
Ảnh minh họa: ITN

Khép cửa phòng ngủ, thị ra phòng khách. Bật điện. Ngồi xuống. Quàng tay lấy một cuốn sách trên kệ. Những con chữ ngủ rũ, chả thèm bắt chuyện với thị. Đặt sách về vị trí, dạo vài bản piano rất phù hợp với thị lúc này. Tiếng đàn sẽ giúp thị bộc lòng, cũng có khi vợi lòng. Cơ mà đất trời đang say giấc. Nhạc nhẽo giờ này là vô duyên hoặc điên. Ngồi không thì nhạt thếch. Thị pha một ly cà phê – cốt để thưởng mùi và sưởi ấm. Hương cà phê luồn vào mũi thị, chạy vào các ngõ ngách tế bào, rồi lên não đánh thức những trang kí ức xám hồng lẫn lộn.

Thuở sinh viên, thị có một tình yêu tạm gọi là đẹp. Yêu xa và mỗi tuần một lá thư qua lại. Một năm hai lần gặp gỡ: Hè và Tết. Thị dốc lòng chăm cây tình khôn lớn, tự tay đan áo tặng người yêu. Anh người yêu tặng thị những cuốn sách và đĩa nhạc mà thị thích. Thị học văn và anh ta bập bẹ viết thơ tình. Những bài thơ chả vần vè gì nhưng thị rất khoái và thuộc được khối.

Ra trường tận bốn năm mới cưới vì tình yêu ấy không ít trắc trở, hợp tan. Thị hạ sinh con trai đầu lòng. Mấy năm sau, thị sinh con gái. Thế là đủ nếp đủ tẻ nhưng sự cô lẻ càng ngày càng đeo bám thị. Chồng thị phong tình, ham vận đỏ đen. Thị có chút vốn thì dốc hết giúp chồng khởi nghiệp. Sau này thị mới biết, lẽ ra thị không nên tin chồng đến thế, không nên hết lòng hết dạ với chồng đến thế. Chồng thị như con ngựa bất kham, thích bay nhảy làm xa. Thị vò võ nuôi con một mình ở nhà.

Có một con thì nuôi một con. Có hai con thì nuôi hai con. Năm thỉnh mười thoảng, chồng thị ghé về đôi ba ngày rồi lại đi, đi miết. Mọi vất vả trong nhà dồn cả lên đôi vai gầy của thị. Nhà đẻ cách gần trăm cây số. Nhà chồng xa gấp đôi nhà đẻ. Con cái ăn ngủ, đau ốm, học hành, ngoan quậy... chỉ mình thị biết, thị liệu, thị mừng, thị lo, thị cười, thị khóc...

Khi chồng thị dính phốt bên ngoài thì xách balô về, thị phải trả tiền taxi khi anh ta xuống xe. Chồng nghỉ ngơi mấy tuần rồi cũng muốn kiếm việc gần vợ con. Chỗ chồng thị muốn thì họ không nhận, chỗ họ nhận thì chồng thị không muốn... Chéo ngoe chéo ngoắt như vậy mấy tháng.

Cuối cùng, chồng thị quyết định đi làm công ty. Một dạo lại nhảy việc từ công ty này sang công ty khác, từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác... trong khi ngày trước hắn học kỹ thuật điện lạnh. Rồi Covid, rồi tinh giảm người làm. Thế là chồng thị lại ở nhà. Thị tất bật đi làm, chăm con. Chồng thị thừa thời gian ôm điện thoại cả ngày lẫn đêm. Con nhỏ ốm, thị bảo con lớn ra quán nước gọi bố về đưa em đi khám.

Thằng bé lon ton chạy đi, rồi lại chạy về bảo: “Bố lắc đầu, mẹ ạ”. Thị một mình đưa con vào viện như bao lần khác. Đêm, con khóc quấy, thị một mình bế trái tim bé bỏng dỗ dành, ruột gan héo nẫu, chân tay rã rời. Ấy thế mà chồng thị vẫn nằm im lìm với chiếc điện thoại luôn sáng màn hình. Thì ra, chồng đi xa hay về gần thì mọi việc cũng đều đến tay thị. Con thiếp ngủ, thị chẳng còn sức mà nghĩ nữa, oặt ngủ nhọc nhằn và luôn canh cánh nỗi lo về con.

Là cậu ấm trong gia đình có bát ăn bát để, chồng thị quen dựa dẫm, ỷ lại. Năm lần bảy lượt thua đậm cá độ, lô đề... mà bố mẹ chồng vẫn bênh, vẫn bao. Thành ra, chồng thị cứ ung dung trượt dốc. Thị động viên, khuyên nhủ, trách giận... đủ cách mà đâu vẫn hoàn đấy. Thị ngán ngẩm nhưng chọn rồi thì phải chịu cho con có bố, có mẹ.

Ảnh minh họa: ITN

Ảnh minh họa: ITN

Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng. Giọt nước tràn ly khi gia đình chồng đề nghị vợ chồng thị ly hôn giả để chồng thị tiện làm thủ tục sang nước ngoài làm cùng anh trai. Giả hay thật cũng là ly hôn. Thị không thích ly hôn nên bảo chồng không đi nước ngoài nữa. Bao nhiêu người nước ngoài còn sang nước mình, sao mình cứ phải mong đổi đời ở nơi xa Tổ quốc. Tu chí làm ăn thì đâu chả sống được.

Chồng thị ban đầu cũng xuôi theo nhưng gia đình thúc quá nên hắn lại căng. Càng lúc càng Chí Phèo phá bĩnh. Hắn thậm chí còn ném sách vở của thị ra sân – dù đó là miếng cơm manh áo của cả gia đình. Thị làm nghề dạy học. Sách với thị là ân tình sâu đậm. Thị chết lặng nhìn những cuốn sách mà thị nâng niu, những cuốn sách ngày ngày cùng thị đến trường... chúng đang nằm ngổn ngang dưới đất.

Hắn chửi: “Sách không mài ra tiền, đốt hết, vứt hết”. Thị cay đắng dặn thằng con dọn sách vào vì thị sắp muộn giờ làm. Tan trường, thị về, sách không còn trên sân, thị nghĩ chúng đã được dọn vào nhà. Nào ngờ, tiến thêm vài bước, thị thấy chúng đã nằm chất chồng trong sọt rác, tràn cả ra ngoài. Thị nhìn con, con mếu máo nhìn bố. Thị ngồi thụp xuống, chua chát ngập tràn lòng, nhưng thị không khóc. Thị không còn nước mắt để khóc nữa.

Thị đồng ý về tòa án huyện quê chồng làm thủ tục ly hôn. Tòa hỏi:

- Anh chị thỏa thuận phân chia tài sản chung như thế nào?

- Chúng tôi không có tài sản chung để chia – Chồng thị trả lời.

- Anh chị thỏa thuận nhận nuôi con như thế nào? – Tòa lại hỏi.

- Tôi nuôi con – Thị trả lời.

- Tôi đồng ý – Chồng thị nói.

- Anh sẽ chu cấp tiền nuôi con hàng tháng bao nhiêu? – Tòa hỏi tiếp.

Chồng thị im lặng, thị đành lên tiếng:

- Tạm thời không chu cấp, thưa quý tòa.

.......

Rời tòa án, thị linh cảm những điều không như ý rồi sẽ ập đến. Bất cứ lúc nào. Nhưng thôi, giữ người muốn ở, không giữ được người muốn đi. Cố chấp chỉ làm khổ người, khổ mình. Sống như vậy thật ngột ngạt. Những ngày qua, thị cũng chẳng sung sướng gì. Thôi thì tùy duyên.

Thị chào bố mẹ chồng rồi lên xe về cùng hai con nhỏ. Chồng thị ở lại với lý do “bận chút việc riêng”. Một tháng trôi qua, hai tháng, ba tháng... chồng thị vẫn chưa về, cũng chưa gọi điện hỏi thăm con cái ốm khỏe ra sao, ăn ngủ thế nào. Thị còn giận nên cũng không gọi lại. Các con mỗi ngày đều hỏi: “Sao bố lâu về thế?”. Thị xoa đầu chúng, bảo: “Bố bận việc ở quê, khi nào xong, bố sẽ lên”.

Thình lình, thị nghe tin chồng thị sắp cưới. Chắc nhà chồng lại mất một khoản lớn để chồng thị kết hôn giả với người nước ngoài. Giấc mơ đổi đời của chồng và gia đình chồng sắp thành hiện thực chăng? Rồi đây, các con thị sẽ không được gặp bố trong mấy năm liền. Xa xôi thế, đi lại tốn kém. Thị nén giận, gọi điện xem tình hình thực hư thế nào. Nhưng chồng thị không trả lời. Thị nhắn tin cũng không lời hồi đáp dù tin nhắn báo chồng thị đã xem. Thị lờ mờ vỡ lẽ: Trong giả có thật. Người ta cao mưu quá. Mà thị lại ngây thơ, khờ khạo.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Hôm nay, chồng thị cưới. Cô dâu chẳng phải người nước ngoài mà chính là hàng xóm, ngay sau nhà chồng cũ. Cô ấy cũng ly hôn được một thời gian, chưa sinh con. Chẳng biết họ lên kế hoạch cưới nhau từ lúc nào. Nhà chồng và chồng cũ của thị tuyệt nhiên im lặng – không ai, không người nào gọi cho mẹ con thị để nói một lời ly biệt. Thị biết thông tin do người trong họ nhà chồng gọi báo và an ủi. Dù từng có dự cảm không vui nhưng thị không ngờ sự việc diễn ra nhanh đến vậy. Thị chưa kịp định thần. Thị sẽ phải trả lời các con sao đây? Thị òa khóc như một đứa trẻ. Thị khóc một trận thật đã.

Thị không nhớ bao nhiêu năm rồi thị mới lại có trận khóc đầm đìa thế này. Thì ra người đàn bà dù mạnh mẽ đến đâu cũng có phút thật yếu lòng. Thì ra, thị không thực sự bản lĩnh như thị nghĩ... Nhưng thị cũng không thể đắm chìm trong khổ đau và nước mắt. Thị không được phép suy sụp. Thị phải tự vực mình làm chỗ dựa cho hai con. Thị giờ không chỉ là mẹ, thị còn phải làm bổn phận của những người lẽ ra sẽ có mặt trong cuộc sống của mẹ con thị. Thị sẽ phải cố gắng nhiều hơn; phải hi sinh giấc mơ, bước tiến của mình để bù đắp, che chở, nuôi dạy các con khôn lớn, trưởng thành.

Thị cầm điện thoại, soạn một tin nhắn mà thị nghĩ đây sẽ là lần cuối cùng gửi cho chồng cũ: “Hôm nay là một ngày đẹp trời, em chúc vợ chồng anh hạnh phúc, chúc đại gia đình luôn sung túc, yên vui”. Tin nhắn gửi đi, thị chả quan tâm người nhận đọc chưa dù lúc này là sáu giờ sáng. Cất niềm riêng vào hư vô, thị đứng dậy chuẩn bị bữa sáng cho hai con – như mọi ngày.

Mặt trời ửng hồng phía Đông. Những tia nắng ấm áp đùa giỡn trên chiếc balô màu hồng của con gái thị. Ba mẹ con lại cùng đến trường trên chiếc xe quen thuộc. Vừa đi, thị vừa kể cho các con những câu chuyện về bạn sóc, bạn thỏ, bạn nhím... Con gái thị cười tít mắt khi nghe mẹ kể đến đoạn này:

- ... Thế là, bạn sóc đi học quên chào mẹ, bạn thỏ học chữ “ô” thì quên chữ “o”...

- Bạn sóc chưa ngoan, mẹ nhỉ? Chúng mình đi học thì phải chào mẹ chứ. Bạn thỏ chưa nhớ bài. Chữ “ô” là chữ “o đội mũ” cho đỡ nắng, đỡ ốm. Chữ “ơ” là chữ “o thêm râu” như râu của bố mình, mẹ nhỉ? – Con gái thị nhanh nhảu góp chuyện.

- Đúng rồi, con gái mẹ giỏi quá, ngoan quá. – thị khen con gái xong thì quay sang nói với con trai:

- Bạn nhím ăn xong không biết dọn bát, không biết quét nhà. Con trai mẹ thấy thế nào?

- Dạ, bạn nhím cần chăm chỉ giúp mẹ, như con này. Con biết dọn bát, quét nhà, nhặt rau, trông em, gấp quần áo... - Con trai thị hào hứng liệt kê.

- Hai con của mẹ đều ngoan, lên lớp nghe lời cô giáo, vui chơi với các bạn rồi chiều về kể cho mẹ nghe nhé.

- Vâng ạ. - Hai con đồng thanh đáp, cũng là lúc xe của thị đến cổng trường.

Con gái vào trường mầm non, con trai vào trường tiểu học. Hai trường giáp cổng nhau. Trường của thị đi ngược lại một đoạn.

Một ngày làm việc lại bắt đầu. Gặp thị, học trò cúi chào lễ phép. Chúng vừa yêu, vừa quý, vừa nể, vừa sợ... vì thị là một cô giáo vừa tâm huyết, tâm lý, hòa đồng, hài hước nhưng cũng rất nghiêm túc, công minh. Nhiều học trò khó khăn, cá biệt được thị quan tâm, giúp đỡ mà nay rất nên người. Chúng vẫn về chúc mừng thị nhân ngày Nhà giáo hằng năm. Học trò và các con là mùa Xuân của thị. Chúng giúp thị trẻ trung, yêu đời và không mất hẳn niềm tin vào cuộc sống. Chẳng ai biết đêm qua thị mất ngủ. Chẳng ai biết đêm qua thị đã khóc. Chẳng ai biết hôm nay gã cưới…

Đất trời sang ngày mới. Lòng người cũng mới theo. Thị bước vào lớp với nụ cười thật Xuân và rạng rỡ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ