Mùa vui ở Sín Thầu

GD&TĐ - Đường đã “bò” vào tận trung tâm xã, có thể đi lại được bằng xe máy. Nhờ thế mà bà con có thể buôn bán, phát triển kinh tế gia đình, đón Tết vui hơn.

Xuống chợ vui xuân
Xuống chợ vui xuân

Tết ấm nơi biên cương

Người Hà Nhì ở Sín Thầu ăn Tết theo Âm lịch. Sau khi thu hoạch xong vụ lúa (cuối tháng 10 Âm lịch), các già làng trưởng bản cùng cán bộ xã sẽ họp để thống nhất một ngày ăn Tết chung. 

Lịch Tết của đồng bào không cố định như Tết Nguyên đán của miền xuôi, nhưng phải vào ngày Thìn. Bởi theo quan niệm Rồng là con vật mạnh mẽ nhất trong tứ linh và 12 con giáp, ăn Tết vào ngày này dân bản sẽ được mạnh khỏe cả năm.

Ngày Tết bắt đầu với lễ mổ lợn độc đáo. Vào canh ba, rét lạnh thấu xương, màn sương đang treo dày khắp núi rừng, là thời điểm thích hợp để nhà nhà thi mổ lợn. 

Theo quan niệm của người Hà Nhì, nhà nào mổ xong sớm thì sang năm mới sẽ phát tài phát lộc. Việc mổ lợn cũng đòi hỏi rất nhiều thủ tục và phải là người có kinh nghiệm mới được giao trọng trách. 

Những dụng cụ chuẩn bị cũng hết sức cẩn thận: Dao phải sắc; bàn, chậu, nồi... phải cọ rửa sạch sẽ. Chú lợn được vinh dự làm đồ cúng phải trói riêng ở gốc cây cạnh nhà từ hôm trước. 

Công việc mổ lợn được thực hiện từng bước, trang trọng theo một nghi lễ. Sau khi bị trói, con lợn được cân trước sự chứng kiến của đại diện dân làng để xem đồ lễ nhà ai nặng nhất. 

Con lợn cân xong bị đè chặt trên bàn mổ nhưng chưa bị chọc tiết ngay. Một phụ nữ trong nhà - thường là người mẹ - sẽ lấy một ít nước pha rượu cùng với muối trộn gạo rắc vào tai, vào mõm lợn với mong muốn năm sau, đàn lợn trong gia đình sẽ hay ăn chóng lớn hơn nữa. 

Phần mổ thịt là công đoạn quan trọng nhất trong cả màn thi, đây cũng là lúc kiểm chứng trình độ của những người cầm dao. Con lợn được tách ra theo từng phần với những ý nghĩa khác nhau. 

Phần bụng từ xương ức cho tới sát đuôi được cắt thành từng khối chữ nhật đều đặn, tượng trưng cho đất. Phần đuôi được khoét vào hai bên hông thật khéo để thành một hình tròn, tượng trưng cho mặt trăng, bởi người Hà Nhì ăn Tết theo Âm lịch.

Không khí chuẩn bị Tết rất náo nhiệt. Mỗi người một việc cùng xắn tay chuẩn bị cho mâm cỗ tất niên. Đàn ông thì xẻ thịt, đàn bà con gái thì chế biến. 

Tất cả các món ăn đều làm từ thịt lợn: Thịt luộc, thịt kho dưa, xúc xích, thịt đông... Phụ nữ Hà Nhì có thể chế biến hàng chục món ăn từ con lợn thịt trong ngày Tết và phần lớn số này được đem gác bếp tích trữ ăn dần. 

Khắp bản ngày Tết rượu tràn như dòng Mo Phí mùa nước. Bà con tưng bừng qua nhà nhau chúc tết, nhà nào cũng sẵn một bàn cỗ ăm ắp thức ăn…

Những vị khách đặc biệt của bà con Sín Thầu trong ngày Tết là bộ đội các đồn biên phòng 405, 317, Leng Su Sìn, Si Pa Phìn... Đã thành thông lệ, năm nào các chiến sĩ cũng xuống ăn Tết với bà con. 

Trẻ con trong bản đứa nào cũng mong các anh xuống để được tập trung ở sân bóng vui đùa thỏa thích. Những đêm giao lưu văn nghệ, vòng xòe tưởng như bất tận. 

Thiếu nữ Hà Nhì tươi tắn như bông hoa rừng trong những bộ trang phục truyền thống rực rỡ. Vào ngày Tết thứ hai, từ sáng sớm, phụ nữ và trẻ em xúm xít quanh chiếc cối làm bánh, còn cánh đàn ông trai tráng thì vắt lưới lên vai ngược suối đi bắt cá. 

Hớn hở nhất là tụi trẻ con. Chúng cứ líu tíu quanh mẹt bánh dày nóng hôi hổi, thơm phức đang mỗi lúc một đầy thêm. Tối đến, chương trình văn nghệ chào mừng ngày Tết của người Hà Nhì được cả bản đón chờ trong niềm háo hức.

Người Hà Nhì chuẩn bị cho ngày Tết
 Người Hà Nhì chuẩn bị cho ngày Tết

Bản xa thoát nghèo

Sín Thầu là xã duy nhất có 100% người dân tộc Hà Nhì sinh sống, họ cùng nghe một tiếng gà gáy với đồng bào các dân tộc của hai nước bạn Trung Quốc và Lào. 

Mấy năm nay được nhà nước quan tâm nên đời sống của người dân đã bớt đi rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, năm 2006, từ nguồn vốn đường vành đai biên giới mở tuyến đường nối liền trung tâm huyện tới bản A Pa Chải. 

Từ khi có đường mới, đời sống kinh tế, văn hoá - xã hội của nhân dân trong vùng đã có nhiều đổi mới. Cụ Pờ A Sáng, một người chứng kiến nhiều khó khăn cũng như đổi thay của Sín Thầu cho biết: 

“Trước đây, từ huyện vào phải đi hơn 50 cây số đường rừng, lội qua 5 con suối. Vào mùa mưa, nước suối dâng cao, cách duy nhất để qua là dùng bè mảng tự tạo. Nông sản bà con làm ra dùng không hết, có bán cũng chẳng ai mua, muốn bán con trâu, con bò không biết, bán cho ai…” 

Cũng chính vì đường đi khó khăn, nên việc giao lưu hàng hóa của bà con mất nhiều thời gian. Muốn mua đồ về dùng chỉ có mỗi cách băng rừng, ra thị trấn, mất hai ngày trời. 

Giao thông cách trở làm ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Từ ngày có đường, thì ngô, thóc, con gà, vịt… đều được tiêu thụ. Bà con muốn bán con trâu, bò có các thương gia đưa ô tô vào tận bản để mua. 

Kinh tế bớt khó khăn, nhiều nhà có của ăn, của để đã sắm ti vi, xe máy… Cứ như thế, việc phát triển kinh tế ngày càng thuận lợi, bà con dân tộc đã xua đuổi được “con ma đói nghèo”, mở ra một cuộc sống mới đỡ cơ cực hơn, có điều kiện cho con cái học hành…

Sín Thầu hiện có 250 hộ dân, bà con đã biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đưa các giống lúa cho năng suất cao thay thế giống địa phương. 

Xã có 7 mô hình trang trại vừa và nhỏ sản xuất theo mô hình VACR cho thu nhập từ 30 triệu đồng/năm. Khi gia súc, gia cầm bị bệnh hoặc có dịch bệnh móng thì có cán bộ thú y vào tận nơi hướng dẫn cách phòng ngừa, nên gia súc bị bệnh ít hơn so với trước.

Cùng niềm vui xuân sớm, người Hà Nhì giờ đây đã tích cực sống thân thiện, gần gũi với môi trường. Họ nhất loạt loại bỏ các loại súng săn, cùng nhau bảo vệ rừng và thú hoang. 

Trước đây, trai tráng trong các bản, làng thường vào rừng săn thú về ăn Tết, đón Xuân nên con nai, con hoẵng, chim rừng... cứ bị hạ dần. Những tay săn cự phách vang bóng một thời cũng quyết tâm “giải nghệ” và chuyển hẳn sang làm mô hình kinh tế trang trại, chăn nuôi gia súc. 

Tết đến, họ lại thịt lợn, bò trong chuồng để chia nhau. Năm cũ đã qua đi, năm mới lại đến. Bỏ tất cả đằng sau những vất vả nhọc nhằn, người Hà Nhì ở Sín Thầu đón mùa xuân sớm, xuân bình yên, no ấm ở miền biên ải nơi cực tây Tổ quốc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ