Mua thuốc trên mạng: Coi chừng “tiền mất, tật mang“!

Nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của người dân tăng cao khiến thị trường dược phẩm trên mạng internet ở nước ta phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là việc quản lý mua bán, kinh doanh thuốc “online” đang bị buông lỏng nên người tiêu dùng, nhất là người bệnh đang phải đối mặt không ít nguy hại, và có khi còn “tiền mất, tật mang”!

Mua thuốc trên mạng: Coi chừng “tiền mất, tật mang“!

Tốn tiền, thêm bệnh

Chỉ cần vài lần nhấp chuột với thao tác đơn giản, ai cũng có thể tìm ra những trang web với vô vàn quảng cáo về buôn bán, cung cấp nhiều loại thuốc chữa bệnh hấp dẫn. Chẳng hạn, trên trang www.muare... giới thiệu loại thuốc Vidatox có nguồn gốc từ Cuba, với lời quảng cáo rất hấp dẫn, rằng đây là loại dược phẩm đặc biệt được bào chế từ nọc bọ cạp xanh có tính kháng tế bào ung thư và kháng viêm rất cao, làm cho khối u không phát triển... Tuy nhiên, chúng tôi được biết, thuốc này là hàng xách tay và chưa được Bộ Y tế thẩm định, cấp phép lưu hành.

Mua thuoc tren mang: Coi chung

"Thần dược" tăng vòng ngực.

Cũng trên trang web nói trên, chủ nhân của một số điện thoại khác lại “nổ” về loại thuốc tăng cân đặc biệt có tên là Bổ Tỳ Hoàn xuất xứ Malaysia, với giá chỉ có 300.000 đồng/lọ/30 viên. Đáng chú ý, cùng với nhiều loại biệt dược, thực phẩm chức năng, vitamin, kháng sinh được rao bán tràn lan, quảng cáo như “thần dược” thì các loại thuốc dành cho “chuyện ấy”, thuốc gây nghiện (đòi hỏi việc mua bán, sử dụng phải tuân thủ nghiêm ngặt chỉ dẫn của bác sĩ) cũng tràn ngập trên rất nhiều trang mua bán trực tuyến.

Cũng trên trang mạng, nhiều loại thảo mộc được quảng cáo là cây thuốc như cây xáo tam phân, cây nở ngày... có công dụng ngăn ngừa các bệnh ung thư. Sau khi bỏ ra gần chục triệu đồng để mua cây xáo tam phân ngâm rượu uống, anh Hồ Hoàng Anh (Q.7) ngậm ngùi: “Nghe nói loại cây này chữa bệnh rất công hiệu nên tôi bỏ tiền mua ngâm rượu uống dần và chia sẻ cho người thân trong gia đình. Tôi uống đều đặn hàng ngày, vậy mà đến khi đi khám sức khỏe định kỳ thì lại phát hiện thêm bệnh mới..."

Tại một trang quảng cáo mỹ phẩm và thực phẩm chức năng, có rao loại thuốc Placenta Laennec tiêm trắng da, chiết xuất từ nhau thai người, xuất xứ từ Nhật, giá đến 14 triệu đồng/hộp (đắt như “thần dược”): “Được nghiên cứu và sản xuất từ nguyên liệu nhau thai tốt nhất, kích thích tế bào mới sinh sản, làm cân bằng trao đổi chất bên trong cơ thể, giúp cơ thể khỏe mạnh, đặc biệt là các chức năng về gan. Loại bỏ nếp nhăn, nếp nhăn mắt, mụn...”.

Qua điện thoại, chúng tôi gặp một người phụ nữ tên Thanh, tự xưng là đại lý bán hàng của một công ty kinh doanh thực phẩm chức năng, địa chỉ tại đường Duy Tân, Q.Phú Nhuận. Bà Thanh cho biết, sản phẩm 100% chiết xuất từ nhau thai người dưới dạng dung dịch, không phụ gia, chất bảo quản được nhập khẩu nguyên hộp. Sản phẩm này hiện đang bán rất chạy, có phân phối tại nhiều cửa hàng ở TP.HCM. Nếu có nhu cầu lấy hàng trên 5 hộp sẽ được chiết khấu từ 5-10%...

Mua thuoc tren mang: Coi chung

Nhau thai được bày bán như "thần dược".

Một trang web khác (ghi địa chỉ giao dịch tại Q.7) rao bán loại thuốc nhau thai có tên Laennec P.O Human dạng viên nén, giá 6,3 triệu đồng/hộp, và “nổ”: “Tinh chất nhau thai người được sản xuất, đóng gói từ Nhật Bản, sản phẩm có thế mạnh giúp tăng cường sinh lý, bản lĩnh đàn ông!” Thế nhưng, khi chúng tôi đến tận nơi hỏi mua hàng thì được cho biết, đây là mặt hàng cao cấp nên phải đặt trước tiền mới có hàng... và được nghe “nổ” thêm: “Ngoài công dụng tăng cường sinh lý, thuốc còn giúp hỗ trợ điều trị các bệnh mãn tính như viêm gan do rượu bia, gan nhiễm mỡ và viêm gan do virus."(!)...

Mua thuoc tren mang: Coi chung

Nhiều loại thuốc được "nổ" trị bách bệnh, không nhãn mác tại Q.5, TP.HCM.

Cần sớm có biện pháp quản lý hữu hiệu

Theo y học cổ truyền, nhau thai là bộ phận cung cấp chất dinh dưỡng hỗn hợp cần thiết cho thai nhi. Vì vậy, nó chứa các chất bổ dưỡng (như acid amin, các acid béo, một số vitamin và chất khoáng) để chữa các bệnh suy nhược gầy yếu, thiếu máu, hiếm muộn, thiếu sữa sau khi sinh... Tuy nhiên, chưa có một công trình nghiên cứu nào chứng minh thực sự nhau thai có các công dụng đó.

Ngược lại, vào tháng 6/2015, các nhà khoa học tại Đại học Northwestern (bang Illinois, Mỹ) đã nghiên cứu tác dụng của nhau thai người và nhau thai các loài động vật có vú khác và đưa ra kết luận: Không có bất kỳ bằng chứng khoa học nào chứng minh ăn nhau thai sau khi sinh sẽ tốt cho sức khỏe. Nhau thai không hề giúp cho phụ nữ giảm đau sau khi sinh, hay giúp tăng tiết sữa, đẹp da, bổ sung chất sắt cho cơ thể, tăng cường sự gắn kết giữa mẹ và con...

Hiện nay, "vô" mạng xã hội ai cũng có thể dễ dàng tìm thấy các "loại hình" quảng cáo, chia sẻ phương thuốc đông y gia truyền tự phát. Chúng tôi đã gọi điện thoại dò hỏi nhiều người quảng cáo bán những loại thuốc gia truyền, phần lớn họ đều thừa nhận không có giấy phép kinh doanh và không hề là thầy thuốc.

Việc nhiều trang mua bán trực tuyến rao bán thuốc chữa bệnh quá dễ dàng, khiến việc sử dụng thuốc giả, thuốc kém chất lượng ngày càng gia tăng, gây nguy hiểm đến tính mạng người tiêu dùng, song cho đến nay, dường như vẫn chưa có cơ quan chức năng nào đưa ra các biện pháp quản lý hữu hiệu, cụ thể. Do đó, để bảo đảm an toàn sức khỏe và tính mạng của mình, người tiêu dùng nên cẩn trọng khi mua thuốc qua mạng, nhất là những thuốc, theo quy định phải kê đơn, phải có chỉ dẫn của bác sĩ; nếu không rất dễ chịu cảnh “tiền mất, tật mang”!

"Do bị bệnh viêm đại tràng nên tôi lên mạng tìm thuốc đông y, thấy có rất nhiều trang bán thuốc gia truyền bảo đảm hết bệnh. Sau khi liên lạc qua điện thoại và được người bán (tự xưng là thầy thuốc) tư vấn tôi liền mua về, Thế nhưng, sau nhiều tháng uống liên tục, chẳng những tôi không khỏi bệnh mà phổi còn "khò khè" và có đờm trong mũi...” - anh Trịnh Văn Cường (ngụ Q.3) cho biết!

Theo Người Tiêu Dùng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.