Mùa thi đi qua, tình người đọng lại

Mùa thi đi qua, tình người đọng lại

(GD&TĐ) - Hai đợt của kỳ thi ĐH năm 2013 đã khép lại, nhưng dư âm sẽ vẫn còn đọng mãi trong lòng mỗi người dân và toàn xã hội, bởi đó là một kỳ thi đầy ắp tình người.

Chú Phiên cõng con gái về ký túc, nơi hai cha con ở trọ trong 3 ngày thi.
Ông Vũ Văn Phiên cõng con gái Vũ Thị Hoài sau khi môn thi kết thúc (4/7)

Những nghị lực phi thường

Thật hiếm kỳ thi nào các sĩ tử lại có ý chí quyết tâm chinh phục đỉnh cao trí thức như năm nay. Nhiều hình ảnh, câu chuyện xúc động về ý chí, nghị lực phi thường của các thí sinh dự thi mà dẫu có viết đến hàng trang giấy, kể hàng giờ cũng chưa diễn tả hết. Nhất là đối với những thí sinh bị khuyết tật, mặc dù số phận đã không mỉm cười với các em, nhưng các em đã vượt lên chính mình, khiến cả xã hội khâm phục.

Tại Trường Đại học Đà Lạt (Lâm Đồng), thí sinh K’Hoàng (23 tuổi), dân tộc K’Ho, sống tại xã Phan Sơn, huyện Bắc Bình (Bình Thuận) bị dị tật không thể đi lại, nhà nghèo, nhiều năm nay K’Hoàng đã một mình đi xe lăn, ở trọ trên thị trấn cố gắng tự túc mọi sinh hoạt để theo học và quyết tâm dự thi vào Khoa Công nghệ Thông tin.

Hay thí sinh Nay Đroeng ở buôn Ji A, xã Krông Năng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai dù bị dị tật bẩm sinh, không có bàn chân và bàn tay nhưng vẫn nỗ lực cùng người cha nghèo trong gia đình đông con vượt hàng trăm cây số về Quy Nhơn ứng thí.

Cũng tương tự như Nay Đroeng, trường hợp của em Phan Thị Kim Vân (quê ở xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) sinh ra đã bị dị tật do nhiễm chất độc màu da cam không thể tự đi lại được, nhưng Phan Thị Kim Vân tràn đầy niềm khao khát được đến trường, quyết tâm thi đậu đại học với giấc mơ trở thành luật sư bảo vệ lẽ phải, sự công bằng. Em đã được bố là ông Phan Châu Nguyên (57 tuổi) chở bằng xe máy vượt hơn 100 km từ nhà ra Đà Nẵng đến tận điểm thi Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng).

Còn tại Hội đồng thi Học viện Bưu chính Viễn thông (Hà Nội), nhiều người rơi lệ khi chứng kiến ông Vũ Văn Phiên ở xã Hùng Dũng, huyện Hưng Hà (Thái Bình), cựu chiến binh từng tham gia kháng chống Mỹ cõng con gái Vũ Thị Hoài, bị liệt do nhiễm chất độc da cam tới trường thi để thực hiện ước mơ, hoài bão, khiến những người có mặt cảm phục trước nghị lực vượt khó của cô học trò khuyết tật.

Tại Hội đồng thi Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, hai mẹ con “tí hon” Trần Thị Liên và Võ Thị Thanh Thảo (quê ở tổ 5, phường Nguyễn Trãi, TP.Kon Tum) mắc bệnh xương thủy tinh di truyền có cùng chiều cao khiêm tốn là 1,25m dắt nhau đi thi trước sự cảm phục của nhiều người . ..

Cũng tại hội đồng thi này, hai chàng trai sinh đôi ở làng SOS cùng quyết tâm thực hiện khát vọng vượt qua số phận. Đó là hai anh em Võ Ngọc Bảo và Võ Hữu Báu (cùng SN 1994) - ở thôn 7 xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, Quảng Nam. Dù nhà nghèo nhưng 4 năm cấp THCS, cả hai anh em đều là học sinh giỏi. Đủ điều kiện, hai anh em đăng ký vào học tại làng SOS Đà Nẵng và suốt 3 năm liền “rinh” nhiều học bổng.

Năm nay, Bảo nộp hồ sơ đăng ký dự thi vào hai ngành điện - điện tử (khối A, ĐH Bách khoa) và công nghệ thực phẩm (khối B, ĐH Nông-Lâm Huế); Báu cũng dự thi hai khối tương tự gồm hai ngành xây dựng dân dụng (ĐH Bách khoa) và bác sĩ đa khoa (ĐH Y-Dược Huế)…

Còn biết bao thí sinh khác đã vượt qua số phận để đến với kỳ thi thực hiện ước mơ, hoài bão của mình, thể hiện bản lĩnh, quyết tâm của thế hệ trẻ Việt Nam.

123
Cơm chay phục vụ miễn phí cho các thí sinh 

Cả xã hội đồng lòng tiếp sức

Ở điểm thi nào người ta cũng dễ dàng bắt gặp những việc làm tình nghĩa, từ những bữa cơm chay ấm tình của các nhà sư, đến sự chỉ dẫn tận tình của những SV khoác áo xanh tình nguyện … và ấn tượng sâu đậm hơn đó là hình ảnh những chiến sỹ cảnh sát giao thông chở sĩ tử đến trường thi trên những chiếc xe máy, những chiến sĩ bộ đội dùng xe lội nước chở thí sinh vượt qua mưa lũ để đến điểm thi kịp thời đã làm lay động hàng triệu triệu trái tim.

Cùng với những hoạt động hỗ trợ thí sinh được triển khai từ những năm trước, kỳ thi năm nay, nhiều đơn vị trong cả nước đã có các hình thức mới trong chương trình hỗ trợ thí sinh, tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh.

Cho đến tận bây giờ người dân vẫn không thể quên được hình ảnh những chiến sỹ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Nguyên đã dùng những chiếc xe lội nước, xe tải chuyên dụng, xe chỉ huy và xuồng cứu hộ để vận chuyển người nhà và thí sinh đến các điểm đăng ký dự thi đại học, cao đẳng bị ngập lụt.

Hay thật sực xúc động hình ảnh các chiến sĩ Cảnh sát giao thông Hà Nội không những tích cực đảm bảo an toàn  giao thông, bình an cho kỳ thi, mà còn thường xuyên... chở thí sinh và người nhà đi tìm phòng trọ.

Ðáng chú ý, cứ mỗi đợt thi, ở bất kỳ bến xe, ngã tư, trước điểm thi... lực lượng thanh niên, sinh viên tình nguyện cả nước đều tích cực giúp đỡ, hỗ trợ thí sinh và người nhà thí sinh nhiệt tình, chu đáo,không quản nắng nóng, mưa lũ, đêm tối túc trực giúp đỡ thí sinh dự thi.

SVTN tiếp sức mùa thi của Trường ĐH Vinh đang hướng dẫn thí sinh và người nhà thí sinh
SVTN tiếp sức mùa thi của Trường ĐH Vinh đang hướng dẫn thí sinh và người nhà thí sinh

Hình ảnh đội tiếp sức mùa thi ở ga Sài Gòn túc trực từ hai giờ sáng để giúp những thí sinh trên chuyến tàu đầu tiên trong ngày; những sinh viên tình nguyện Thái Nguyên ngâm mình trong nước mưa ngập lưng hỗ trợ, đẩy xe giúp thí sinh, người nhà thí sinh đến điểm thi; sinh viên trong Ðội công tác xã hội của Trường ÐH Bách khoa (ÐH Ðà Nẵng) đưa, đón thí sinh bị cấp cứu hoàn thành được cả ba môn thi.

Những sinh viên tình nguyện Bắc Giang nhường giường của mình, ngồi canh giấc cho thí sinh đồng hương, khiến lúc chia tay thí sinh và người nhà thí sinh ngẹn ngào xúc động như thể đã quen nhau từ thuở nào…

Dù chưa có đánh giá chính thức về chương trình, nhưng kết thúc hai đợt thi tuyển sinh ÐH, CÐ năm nay, dấu ấn về màu áo xanh tiếp sức mùa thi đã khắc sâu trong tâm thức các phụ huynh, để thấy là cảm nhận sự giúp đỡ, thấy là tin yêu.

Cùng với những tình cảm tốt đẹp về sự tận tình, chu đáo của thế hệ trẻ  còn phải nói đến sự tiếp sức của cả xã hội, từ những việc làm cảm động của những người dân rất đỗi bình dị. Như gia đình ông Võ Văn Tuấn, chủ quán An Sơn (46 Tôn Ðức Thắng, TP Tam Kỳ) dành 6 phòng, với khoảng 50 chỗ ở miễn phí cho thí sinh và người nhà thí sinh khi dự thi vào các trường đại học, cao đẳng tại TP Tam Kỳ.

Ông Trần Ngọc Anh (53 tuổi, ngụ đường Điện Biên Phủ, P.25, Q. Bình Thạnh) và bà Nguyễn Thị Huệ (đường Bưng Ông Thoàn, P.Tăng Nhơn Phú B, Q.9) từ 6 năm nay đều sắp xếp chỗ ngủ, nghỉ cho thí sinh và phục vụ cơm nước miễn phí ngày hai bữa, lo những vật dụng cần thiết để thí sinh yên tâm bước vào kỳ thi. ..

Sự chia sẻ, giúp đỡ thí sinh trong kỳ thi ÐH, CÐ còn được các giáo xứ, nhà chùa tăng cường các hoạt động hữu ích. Riêng chương trình “Tiếp sức mùa thi” của Ban hướng dẫn Phật tử Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam thu hút 90 ngôi chùa tham gia với hàng nghìn chỗ ở và hàng trăm nghìn suất cơm chay miễn phí cho thí sinh. Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế tiến hành ủng hộ 12.000 suất ăn cho hai đợt thi với giá trị ước tính hơn 300 triệu đồng...

Kể sao hết bao tấm lòng vàng của cộng đồng xã hội dành cho thí sinh mùa thi ĐH, CĐ năm nay.

Tất cả những hành động và nghĩa cử cao đẹp ấy không chỉ góp phần làm nên thành công cho một mùa thi, mà còn để lại những tình cảm chan chứa sâu đậm tình người, khẳng định tinh thần hiếu học, ý chí quyết tâm chinh phục đỉnh cao trí thức của cả dân tộc.

   Nguyễn Minh Tư

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ