Mùa săn dế

Mùa săn dế

(GD&TĐ) - Khi tiết trời ở Nam Bộ xuất hiện những cơn mưa nặng hạt cũng là lúc mùa săn dế bắt đầu. Cảm giác tóm được một chú dế than đen trũi đem về để dành “chiến đấu” với đám bạn hay săn được chú dế cơm béo tròn thật thú vị, khiến nhiều bạn trẻ “mê ly”. Người ta không chỉ mê săn dế, đá dế mà còn mê luôn những món ăn chế biến từ dế. 

Tìm dế “chiến”     

Đi săn dế quả là tiện đôi bề, hễ săn được dế than thì đem về thuần dưỡng để dành đấu với đám bạn trong xóm, còn săn được dế cơm thì đem về làm thức ăn với nhiều món ngon không phải có tiền là mua được.

Dế cơm béo ú luôn hấp dẫn người đi săn
Dế cơm béo ú luôn hấp dẫn người đi săn

Ngày xưa, khi chưa có nhiều phương tiện thông tin giải trí thì đá dế (chọi dế) được xem như trò chơi rất thông dụng ở vùng nông thôn, không chỉ bọn trẻ mê đá dế mà cả người lớn cũng mê. Loại dế dùng để đá là dế than, màu đen trũi. Loài này với bản tính hiếu chiến, có tiếng gáy to đến chói cả tai. Săn dế than rất khó, phải tìm bắt bằng cách lần theo tiếng gáy vì chúng có đặc điểm sống kín đáo, ẩn nấp sâu dưới lớp bê tông, gạch đá hay nền nhà. Chỉ có cách nghe theo tiếng gáy rồi vạch từng bụi cỏ, đống đất hay dùng cuốc, xẻng đào mới tóm được. Ngoài ra, trẻ con ở thành thị còn có cách bắt dế cũng rất thú vị là đợi lúc ban đêm sẽ đi theo các trụ đèn đường để tìm. Loài dế chủ yếu kiếm ăn và tìm bạn tình vào ban đêm, nên khi thấy ánh đèn sáng sẽ lao vào, chỉ cần nhanh tay là chộp được.

Bắt được con dế phải biết được vài chiêu thức, như xem tướng tá, thì mới có thể đem về làm đấu sĩ được. Con dế đá hay phải hội đủ các tiêu chuẩn khắt khe như: phải là loài dế than, toàn thân đen bóng, hàm răng sắc bén, hai chi sau to, khỏe và có gai sắc nhọn, đặc biệt là trên đôi cánh phải có gáy (xoáy). Nuôi dưỡng dế cũng rất công phu, ban đầu phải thuần dưỡng dế cho quen với điều kiện nuôi nhốt rồi mới cho ra đấu trường. Bí quyết để có chú dế chiến là phải cho chúng ăn cỏ non hay giá đỗ, uống nước mù sương đọng trên lá cỏ mỗi buổi sáng để dế có tiếng gáy thanh và khỏe mạnh. Thông thường, trận đá dế được tổ chức vào buổi sáng, đây là thời điểm dế sung nhất. Sân đá dế cũng rất đặc biệt, người khéo tay nhất sẽ đào một cái lỗ hình chữ nhật trên mặt đất, bề ngang chừng 4cm, dài khoảng 6cm. Hai con dế được thả vào đấy, không gian chật chội, gặp đối thủ là chúng lao vào chiến đấu ngay. Đôi khi chúng muốn “làm hòa” với nhau thì bị bọn trẻ dùng cọng cỏ quất vào đuôi, chúng tưởng đối phương tấn công, liền phản đòn.

Săn dế ngoài đồng
Săn dế ngoài đồng

Cho dế đá mãi mà chưa phân thắng bại thường bọn trẻ có cách “kích thích” dế hết sức đặc biệt là dùng sợi tóc buộc vào đầu hay chân dế xoay vòng vòng một hồi lâu, rồi thả xuống cho thi đấu tiếp. Dế bị xoay vừa “chóng mặt”, vừa “điên tiết” nên hễ gặp đối thủ là xông vào tấn công tới tấp. Đá dế cũng hấp dẫn không kém gì đá gà, đá cá lia thia, dế than tấn công nhau bằng hàm răng sắc bén, đôi khi làm đối thủ phải te tua đôi cánh, khi thì gãy càng, gãy ngoe, cụt râu.

Săn dế làm thực phẩm

Đã từ lâu, loài dế được biết đến không chỉ để chọi mà còn dùng chế biến thành những món ăn ngon tuyệt. Ngoài tự nhiên có rất nhiều loại dế như: dế mèn, dế than, dế cơm, dế lửa, dế nhũi,… nhưng dế cơm là loại dùng làm thức ăn hảo hạng nhất. Khi Nam Bộ bước vào mùa mưa cũng là lúc loài dế cơm từ dưới hang sâu lột xác chui lên mặt đất để tìm bạn tình và sinh sản. Dế cơm sống chủ yếu ở vùng đất cát hay đất cát pha, những nơi cao ráo, thoáng mát. Mỗi con dế sẽ đào 1 hang sâu dưới đất khoảng 30-50 cm và sống độc lập. Hang dế rất dễ phát hiện, thấy hang to cỡ ngón tay có đất vón cục phía trên xung quanh miệng thì đích thị là hang dế.

Những con dế than được cho thi đấu để đưa vào “đội tuyển
Những con dế than được cho thi đấu để đưa vào “đội tuyển

Vào mùa săn dế, bọn trẻ háo hức nhất vì chúng được chạy nhảy, rượt bắt dế và tận tay lôi từ dưới hang lên những chú dế cơm to béo. Đi săn dế dụng cụ chỉ cần cái túi vải mỏng dùng đựng dế, vác trên vai cái cuốc là đủ. Gặp hang dế, cuốc vài cái là sẽ tóm được chú dế cơm ú mềm, đang nằm co ro dưới đáy hang. Tuy nhiên, có nhiều chú dế gọi là “sống lâu năm” rất khôn ngoan, chúng thường làm hang chia thành nhiều tầng, bậc khác nhau và có cả ngách “thoát hiểm” khi gặp nguy. Gặp hang dế này, người có kinh nghiệp săn dế sẽ biết vì ụ đất trên miệng hang rất nhiều, miệng hang to và bóng láng hơn những hang khác, khi đó chỉ có cách bít các ngách lại rồi đổ ngập nước mới bắt được chúng. Những con dế loại này thường to gần bằng ngón chân cái, thịt chắc và béo ngậy. Người ta đi săn dế cả ban ngày và ban đêm. Ban ngày có thể dùng cuốc đào hang dế bắt từng con một, có thể đổ nước vào hang làm cho dế ngộp phải chui lên, ban đêm thì dùng bẫy đèn để bắt dế, vợt dế hay săn dế dưới những đám cỏ, đống đất,… Bọn trẻ có cách bắt sống từng con dế một rất độc đáo mà chẳng tốn công tí nào. Thấy hang dế, chỉ cần bẻ cọng cỏ dài khoảng 20- 30 cm chọc xuống hang xe xe vài cái, cọng cỏ trúng dế làm dế bị “nhột” sẽ tự chui lên nạp mạng. Cho dù con dế có lì lợm cỡ nào hễ gặp chiêu “cù léc” của bọn nhỏ đều phải đầu hàng vô điều kiện.

Sau thời gian trốn cái nóng oi ả của mùa hè, vùi sâu dưới đất nên mỗi chú dế cơm béo tròn, trắng nõn luôn là món khoái khẩu của người dân, nhất là dân sành nhậu. Đồng bào dân tộc Khmer ở miệt Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang luôn xem dế là món ăn đặc sản của mình. Dế được chế biến thành nhiều món độc đáo làm người thưởng thức chỉ một lần ăn là “ghiền”. Đem về rửa sạch, ngắt phần đuôi dế để rút bỏ ruột là có thể chế biến được nhiều món hảo hạng, nào dế chiên giòn, dế chiên bột, dế chiên nước mắm, dế nướng... Dùng đũa gắp từng con dế cho vào miệng, thịt dế thơm ngọt, béo ngậy cùng với cảm giác giòn tan làm người thưởng thức không thấy ngán miệng. Thịt dế có thể ăn kèm rau sống hay cuốn bánh tráng chấm nước mắm tỏi ớt là ngon số dách.

Món dế chiên bột luôn hấp dẫn thực khách
Món dế chiên bột luôn hấp dẫn thực khách

Ngày nay, các món ăn được chế biến từ dế không chỉ là món ăn của người nhà quê mà còn có mặt tại nhiều nhà hàng, quán ăn đẳng cấp ở các thành phố lớn. Món dế chiên giòn “chân quê” thuở nào giờ đây đã được thực khách trong và ngoài nước săn lùng với giá cao, đôi khi còn cao hơn thịt, cá. Hiện nay, đã có nhiều trang trại nuôi dế cung cấp cho thị trường làm thực phẩm. Nghề nuôi dế vẫn còn lạ lẫm nhưng nhiều người đã ăn nên làm ra nhờ con dế. Dế ngày nay không còn ‘chân quê’ như trước kia mà giờ đây, dế đã đặt chân lên tới phố thị!.

Nguyễn Quốc Ngữ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ