Mùa nhập trường: Nhọc nhằn tìm nhà trọ

Mùa nhập trường: Nhọc nhằn tìm nhà trọ

(GD&TĐ) -  "Đến hẹn lại lo" - cứ mỗi dịp đầu năm học mới, khi các tân sinh viên rậm rịch nhập trường ĐH thì Hà Nội lại vào cơn sốt tìm nhà trọ. Không chỉ những khu tập trung nhiều trường ĐH lớn như: Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Cầu  Giấy... ở các quận huyện lân cận giá nhà trọ cũng đồng loạt lên giá. Mỗi phòng trọ sơ sài, tạm bợ cũng phải từ 500 - 600 nghìn/tháng/người. Tuy giá nhà đã tăng vọt nhưng cung vẫn không đủ cầu…

Không có nhiều cơ hội dành cho tân sinh viên tại KTX các trường ĐH trong nội thành
Không có nhiều cơ hội dành cho tân sinh viên tại KTX các trường ĐH trong nội thành
 

Ngay từ lúc Trường  ĐH Y tế Cộng đồng công bố điểm chuẩn dự kiến, Nguyễn Thu Hiền (Triệu Sơn - Thanh Hoá) đã  biết chắc mình đỗ… nên chuẩn bị tinh thần nhập học với sự phấn chấn và nhiều kinh nghiệm "dắt lưng". Gia đình Hiền có người chú ở phố Phương Mai, ngay từ đầu tháng 8 bố mẹ em đã gọi điện nhờ chú tìm kiếm cho nơi ở trọ. Với tiêu chí nhà trọ gần trường để tiện việc đi lại học hành, giá cả hợp lý, an ninh tốt và chủ trọ là người tử tế thì việc tìm kiếm nhà trọ cho cháu gái của ông Phương quả thật khó khăn.

Nếu tách riêng từng yêu cầu này ra thì việc tìm nhà trọ cũng đơn giản, nhưng để có đủ mọi điều kiện như điều anh chị nhờ thì ông Phương đã phải bỏ công sức lùng sục cả tháng trời vẫn chưa xong. Ngày nhập học của cháu sắp đến rồi, ông Phương cứ lo ngay ngáy. Đang hỏi han người quen biết thì được một người bạn giới thiệu nhà người quen của họ ở phố Vũ Thạnh có hai phòng trống trên tầng 3 cho thuê. Vừa xin được địa chỉ, ông lập tức phóng xe đến tìm hiểu ngay.

Vợ chồng bà Nga đã nghỉ hưu, con cái lập gia đình đã ra riêng. Căn nhà có ba tầng, mỗi tầng hai phòng. Ông bà chỉ sử dụng hết hai  tầng còn tầng ba bỏ không lâu nay. Điều thuận tiện nhất là nhà ông bà có cả lối đi phụ bên hông phòng khách nên trong sinh hoạt người thuê nhà không gây ảnh hưởng nhiều đến không gian riêng tư của chủ nhà. Trò chuyện với bà Nga một hồi, biết tinh thần của ông bà là muốn cải thiện thêm thu nhập và muốn có người ở cùng cho vui cửa vui nhà. Giá mỗi phòng trọ 16 m2 là 2 triệu đồng/tháng, điện nước thì dùng chung công tơ với chủ nhà và hàng tháng chia đều theo đầu người.  

Không để cho vợ chồng bà Nga kịp bàn bạc, ông mở ví rút ngay 2 triệu ấn vào tay họ ép "nhận cọc" rồi ông rút vội điện thoại gọi ngay cho gia đình chị gái thông báo tình hình và yêu cầu họ ngay lập tức phải đưa con ra nhập học sớm hơn dự định.                                                                                                        

Suốt hai tuần nay, gia đình bà Thuận ở trong một ngõ nhỏ phố Hào Nam liên tục có người hỏi thăm và điện thoại đổ chuông inh ỏi cả ngày. Bà Thuận là giáo viên nghỉ hưu, có ba đứa con đều đã yên bề gia thất với nhà cửa riêng biệt. Ông chồng mất đã bốn năm nay, giờ một mình bà ở trong một căn nhà ba tầng rộng rãi. Hai năm trước bà cho một cô cháu họ ở  Bắc Giang ở nhờ để học cao học cho nhà cửa đỡ quạnh vắng. Công thành danh toại, đứa cháu gái vừa lấy chồng.

Lương hưu không đủ chi tiêu trong thời buổi suy thoái kinh tế, bà định sắp tới sẽ cho thuê bớt một vài phòng trên gác để cải thiện tình hình. Cái dòng thông tin mà cô cháu gái đăng trên mạng "bà già rất khó tính, ưa sự nền nếp,  sạch sẽ, ngăn nắp..." cứ tưởng làm người ta ngại chẳng dám thuê thì ngược lại lại khiến mấy căn phòng trống của bà Thuận đắt khách như tôm tươi. Có hôm đến gần 10 giờ đêm bà còn phải tiếp một đôi vợ chồng thuê hẳn tắc xi từ Lạng Sơn xuống.

Họ có một hiệu phở làm ăn rất phát đạt và có hai cậu con trai sớm bộc lộ năng khiếu âm nhạc nên mấy năm nay đã cho về học ở Nhạc viện Hà Nội.  Mấy năm trời lo tìm nhà trọ và liên tục phải chuyển nhà cho con, họ rất mệt mỏi. Quyết đầu tư cho con học thành tài dù chẳng đứa nào muốn sau này tiếp quản hiệu phở của bố mẹ, vợ chồng anh Hùng cứ ngồi lì ở nhà bà Thuận mà "ăn vạ".

Họ nằn nì bà hãy thương hai đứa con họ, chúng nó còn trẻ người non dạ, họ đã đánh bạc với cuộc đời khi cho con theo đòi nghệ thuật nhưng bây giờ mà thả cho chúng nó tự do tự tung tự tác quá sớm giữa chốn đô thị thế này thì khác nào gửi con cho tệ nạn. Nhọc nhằn tìm nhà trọ đã là điệp khúc nhiều năm mỗi khi mùa tựu trường ĐH,CĐ tới khi mà ký túc xá chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu.

Khánh Linh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ